Người cựu chiến binh già trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 03/02/2020 20:24
Ông Hoàng Minh Sơn, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) không những là một nhà giáo, một nhà văn, một cựu chiến binh, mà còn là một cán bộ Người cao tuổi hăng hái với phong trào xây dựng nông thôn mới.  
Ông Hoàng Minh Sơn - người hàng đêm đọc truyện Kiều cho cả nhà nghe.
Ông Hoàng Minh Sơn - người hàng đêm đọc truyện Kiều cho cả nhà nghe.
         Tháng 2 năm 1964, thầy giáo Hoàng Minh Sơn tạm biệt mái trường cấp 2 Quảng Sơn lên đường nhập ngũ. Ông tham gia nhiều trận đánh trên cao nguyên Bolaven, chiến trường Nam Lào. Tháng giêng năm 1975, Sư đoàn 968 của ông tiến về Việt Nam đánh ở bắc Tây Nguyên, thế chân cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 vào giải phóng Buôn Mê Thuột, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.  
         Là một cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn 968, ông đã có bài bút ký “Đường về Tây Nguyên” rất hay đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hòa bình chưa được bao lâu, ông lại lao vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Ông tiếp tục sang nước bạn Lào làm phó phòng tuyên huấn binh đoàn 678 mãi đến năm 1985 mới nghỉ hưu.
        Về cuộc sống đời thường ông hăng hái xây dựng quê hương. Ông làm nhiều nhiệm kỳ Chủ tịch hội Cựu chiến binh của xã. Ông cùng anh em cựu chiến binh dựng cột đường điện sáng, trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, tôn tạo lại đình làng, nghĩa trang liệt sỹ, khôi phục văn hóa làng quê.
        Ông còn là một hội viên hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình có nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Ông đã từng đạt giải C, giải thưởng Lưu Trọng Lư với tác phẩm “Mặt đồi trăng soi”, đạt giải thưởng cuộc thi viết kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông đã đoạt giải Ba cuộc thi viết do Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức.
        Khi tuổi cao sức yếu, ông vẫn tiếp tục tham gia hoạt động công tác Người cao tuổi. Ông làm chi hội trưởng chi hội Người Cao tuổi xóm 2, thôn Bắc Minh Lệ. Ông tổ chức cho các cụ thường xuyên làm vệ sinh đường làng vào ngày cuối tuần, trồng hoa cây cảnh ở đình Minh Lệ và Bốn Miếu - một di tích lịch sử văn hóa của làng vừa được công nhận di tích lịch sử và văn hóa cấp tỉnh. Ông là người đi đầu trong việc bảo tồn di sản văn hóa làng quê. Ông đề xuất làm tủ sách bảo tồn lưu giữ các tác phẩm của con em trong xã. Ông trồng được nhiều cây cảnh quý ở đình làng và trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ. Bà Hoàng Thị Dị, vợ ông là chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của xã, đảm nhiệm chăm sóc đoạn đường từ thôn Nam ra thôn Bắc Minh Lệ và chăm cây ở nghĩa trang. Bà Dị cũng là một ca nương trong Câu lạc bộ ca trù của xã do ông thành lập. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù, ông đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi công cuộc xây dựng nông thôn mới ở quê hương. Các ca nương đã được đi tập huấn ở thị xã Ba Đồn và nhiều lần biểu diễn phục vụ công chúng trong các lễ hội, hội nghị của xã. Lần biểu diễn nào ông cũng ngồi cầm trịch đánh trống chầu.
        Xóm Hai thôn Bắc Minh Lệ phát động toàn dân làm đường bê tông hóa xây dựng nông thôn mới. Mặc dù không nằm trong cấp ủy nhưng ông vẫn cùng đồng chí Bí thư chi bộ bám sát hiện trường từ khi đặt viên đá đầu tiên cho đến khi hoàn thành. Ông đã đề xuất làm cổng xóm và bản thân ông cùng đồng chí bí thư ủng hộ trên 3 triệu 5 trăm ngàn đồng. Ông còn là trưởng một dòng họ khuyến học ở Quảng Minh được Hội khuyến học thị xã Ba Đồn tặng giấy khen.
        Năm nay đã 82 tuổi, khi bị căn bệnh hiểm nghèo, ông vẫn hăng hái với phong trào xây dựng nông thôn mới ở làng quê. Ông tặng cho thư viện xanh của trường THCS Quảng Minh tủ sách văn học ông đã tích lũy trên sáu chục năm trời (hơn 200 cuốn sách quý).
         Ông Hoàng Minh Sơn xứng đáng là người tuổi cao gương sáng cho con cháu học tập.  
 

Tác giả bài viết: H.M.Đ

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập384
  • Hôm nay15,966
  • Tháng hiện tại320,735
  • Tổng lượt truy cập39,840,524
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây