"Vua lúa" Nguyễn Thanh Hương

Thứ hai - 22/04/2019 15:52

"Vua lúa" Nguyễn Thanh Hương

​​​​​​​Chúng tôi tìm về xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn) vào thời điểm lúa đông-xuân đang chuẩn bị vào vụ gặt. Men theo con đường nhỏ đến với cánh đồng lúa của thôn Vĩnh Phú, chúng tôi bị cuốn hút bởi cánh đồng lúa vàng ươm, trải dài mênh mông như một thảm lụa mềm mượt. Ngỡ ngàng hơn, trong số đó, có đến 7ha lúa là của ông Nguyễn Thanh Hương (thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa), người mạnh dạn đầu tư, làm giàu từ lúa.

Mạnh dạn chuyển đổi
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hương cho biết, trước đây hai vợ chồng ông làm nghề buôn bán. Với chiếc xe bán tải, hai vợ chồng đi khắp nơi, trong, ngoài tỉnh để mua dưa, mía... về bán cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, công việc buôn bán không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, ông Hương chia sẻ: “Buôn bán cũng có nhiều cái vất vả, sự cạnh tranh thị trường, mối nguy hiểm trong mỗi chuyến đi xa lấy hàng, giá cả bấp bênh... Do đó, năm 2016, vợ chồng tôi quyết định trở về quê trồng lúa”.
Lúc này, chính quyền địa phương đang có chủ trương chuyển đổi, khuyến khích nông dân tham gia làm cánh đồng mẫu lớn. Hưởng ứng chủ trương trên, vợ chồng ông Hương đã xin thôn nhận 2,5 ha ruộng để làm cánh đồng mẫu lớn. Với sự cần mẫn, chịu khó trong lao động và học hỏi kinh nghiệm sản xuất, ông Hương đã bước đầu thành công với cánh đồng mẫu lớn 2,5 ha lúa.
Gần khu ruộng vợ chồng ông Hương đang sản xuất, có 2,5ha ruộng bị ảnh hưởng bởi trận lũ năm 2007, cát san lấp, cỏ mọc dày đặc nên người dân không thể trồng lúa đành bỏ hoang. Tiếc mảnh ruộng bị bỏ phí, năm 2017, ông Hương đề xuất chính quyền địa phương cho gia đình ông cải tạo, khai hoang để tái sản xuất. Sau khi được sự đồng ý của chính quyền, ông Hương thuê máy múc đất, chuyển đổi sang trồng các loại cây, như: đậu đen, bí ngô... Nhờ đất được cải tạo tốt, ông Hương đã đưa một số diện tích chuyển sang làm mô hình cá-lúa. Đặc biệt, vụ đông-xuân 2018-2019, 1,5ha đất lúa của ông Hương còn được Trạm giống TX. Ba Đồn chọn làm nơi trồng lúa giống khảo nghiệm với các loại giống: QS12, QS447, QS88.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, vợ ông Hương chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 4 đứa con, đứa đầu mới có việc làm, 3 đứa sau đang đi học. Với mong muốn sau này con sẽ có cuộc sống sung túc, tương lai tươi sáng, vợ chồng tôi đã cho hai đứa đi du học ở Nhật Bản. Chi phí lo cho các con đi học khá nhiều, do đó, vợ chồng tôi luôn cố gắng nỗ lực”. Tất cả vì cuộc sống gia đình, ông Hương luôn quyết tâm làm giàu khi sức mình còn có thể.

Mô hình chuyển đổi cá-lúa của gia đình ông Hương bước đầu mang lại thành công.
Mô hình chuyển đổi cá-lúa của gia đình ông Hương bước đầu mang lại thành công.

Sau khi vỡ hoang 2,5ha ruộng thành công, ông Hương lại mạnh dạn chuyển đổi thêm 2ha lúa ruộng sâu kém hiệu quả sang mô hình cá-lúa. Ông Hương cho biết, để chuyển đổi 2ha lúa này, gia đình ông phải bỏ ra kinh phí gần 200 triệu đồng để thuê máy về múc số đất cũ đi, sau đó cải tạo lại đất để trồng lúa, xung quanh đất được đào sâu để nuôi cá (cá lóc, cá gáy, cá diếc...), xây hàng rào bảo vệ... Nhờ chuyển sang mô hình cá-lúa, lượng nước trong ruộng được điều tiết phù hợp nên cây lúa phát triển tốt hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, ông Hương còn tận dụng diện tích trên bờ ruộng để nuôi thêm khoảng 30 con gà chọi và 4 con bò thịt.
Nhờ biết cách áp dụng kỹ thuật canh tác và giống lúa chất lượng, mỗi mùa, lúa của gia đình ông Hương đều cho thu hoạch đạt năng suất trung bình từ 2,7-3 tạ/sào. Với số lượng lúa thu hoạch được từ 7ha, mỗi năm, vợ chồng ông Hương thu lãi khoảng 200 triệu đồng, góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao cuộc sống của gia đình.
Xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch
Với diện tích lúa trồng trên 7ha ruộng, ông Hương xác định nếu phụ thuộc máy móc đi thuê thì rất khó khăn trong sản xuất vì không chủ động được thời gian trồng, tiền thuê máy cũng rất tốn kém. Do đó, bằng số vốn có được và số tiền vay mượn thêm, ông Hương đã đầu tư mua hai máy gặt và hai máy cày, vừa phục vụ cho việc sản xuất lúa của gia đình, vừa mở thêm dịch vụ cho các hộ trồng lúa có nhu cầu.
Bằng cái tâm trong lao động, sản xuất, dịch vụ máy gặt, máy cày của ông Hương được nhiều người trong vùng và các xã lân cận biết đến, tin tưởng thuê làm. Số tiền từ việc cho thuê máy gặt, máy cày đã mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/máy/năm cho gia đình ông Hương.
Với mục tiêu xây dựng một chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, đầu tháng 4-2019, vợ chồng ông Hương đã thành lập HTX sản xuất chế biến nông sản sạch, do ông Hương làm Chủ tịch HĐQT và có 8 thành viên tham gia sản xuất tại HTX. Mục tiêu của HTX sản xuất chế biến nông sản sạch là hỗ trợ người dân từ khâu sản xuất đến bao tiêu các sản phẩm nông sản, đóng gói và xây dựng thương hiệu nông sản sạch để bán ra thị trường. Bên cạnh đó, HTX cũng mong muốn từ những hoạt động sản xuất của mình sẽ tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Hiện tại, HTX đang xây dựng xưởng để đầu tư mua máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến nông sản. Đồng thời, HTX cũng đã liên kết, bao tiêu sản phẩm lúa cho khoảng 15 hộ gia đình trên địa bàn. Ông Hương cho biết: “HTX sản xuất chế biến nông sản sạch là tâm huyết của vợ chồng tôi với mong muốn phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Tuy nhiên, bước đầu, chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn và mặt bằng để HTX hoạt động. Do đó, chúng tôi rất mong muốn sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền để HTX có thể sớm đi vào hoạt động ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX. Ba Đồn cho biết: “Ông Nguyễn Thanh Hương là một trong những gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ dám nghĩ, dám làm, ông Hương đã chuyển đổi thành công nhiều diện tích lúa kém hiệu quả. Để động viên, khích lệ ông Hương trong việc chuyển đổi, Phòng Kinh tế đã có hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật làm mô hình cá-lúa và tạo điều kiện thành lập HTX. Cùng với đó, Phòng Kinh tế cũng hỗ trợ, khuyến khích nhiều hộ dân trên địa bàn TX. Ba Đồn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ đông-xuân 2018-2019 nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên những diện tích lúa kém hiệu quả”.

Tác giả bài viết: Lê Mai ​​​​​​​(Báo Quảng Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm125
  • Hôm nay11,681
  • Tháng hiện tại604,642
  • Tổng lượt truy cập40,124,431
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây