MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA CÔNG VĂN SỐ 1055/ UBND-NCVX NGÀY 21/6/2021 CỦA UBND TỈNH VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ CÁCH LY Y TẾ TẠI NHÀ, NƠI LƯU TRÚ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Thứ sáu - 02/07/2021 07:51
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc cách ly y tế. Qua kiểm tra các lực lượng chức năng đã tổ chức cách ly y tế phù hợp, đúng quy định. Tuy nhiên, việc chấp hành quy định cách ly tại nhà theo quy định của nhiều công dân chưa nghiêm túc, nguy cơ làm lây lan dịch ra cộng đồng là rất cao. Trước tình hình đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong phòng, chống dịch Covid-19”. Yêu cầu không được ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly; không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện cách ly y tế trong phòng chống dịch Covid- 19 tại địa phương mình quản lý.
2. Chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo quy định; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các trường hợp thực hiện không nghiêm; cưỡng chế cách ly tập trung với các trường hợp tái phạm; phát huy hiệu quả các Tổ Covid cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LÝ LỊCH TƯ PHÁP
(Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Nghị định 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp)
1. Phiếu Lý lịch tư pháp là gì?
Khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định:
Phiếu Lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp) cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
2. Các loại Phiếu Lý lịch tư pháp
Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định:
Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình; cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
3. Thẩm quyền cấp Phiếu Lý lịch tư pháp
Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định:
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
- Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
- Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
4. Thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 1
Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định:
Người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:
- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
Cơ quan, tổ chức khi có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thì gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thì gửi đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ cơ quan, tổ chức, mục đích sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp và thông tin về người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.
5. Thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2
Điều 46 Luật Lý lịch tư phápnăm 2009 quy định:
Cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp hoặc người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì gửi văn bản yêu cầu đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Văn bản yêu cầu phải ghi rõ thông tin về cá nhân đó: Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.
Trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua điện thoại, fax hoặc bằng các hình thức khác và có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.
Thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân được thực hiện theo thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 1. Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.
6. Thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp
Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định:
Thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.
Trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Nguồn tin: Sở Tư pháp QB: