Một số quy định của Luật giao thông đường thuỷ nội địa

Thứ ba - 20/07/2021 15:28
1. Hoạt động giao thông đường thủy nội địa 

Khoản 1, Điều 1 của Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi thì Hoạt động giao thông đường thủy nội địa gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.”


2. Điều kiện hoạt động của phương tiện

Khoản 7, Điều 1 của Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện như sau:

 

1. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật này;

b) Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;

c) Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.

2. Đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

3. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau:

a) Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện;

b) Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định;

c) Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;

d) Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25 milimét, chiều dài 250 milimét nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100 milimét đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200 milimét đối với phương tiện chở người.

4. Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện an toàn quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

5. Phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ.”

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa

Điều 98d của Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa như sau:

1. Thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thủy nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời, khẩn cấp cứu người, phương tiện, tàu biển, tàu cá, tài sản bị nạn; báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa gần nhất; xác định vị trí phương tiện bị tai nạn, sự cố, bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn, sự cố.

2. Cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa nhận được tin báo phải cử ngay người, phương tiện đến nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người, phương tiện bị nạn; được quyền huy động người, phương tiện để cứu vớt, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ tài sản, phương tiện bị nạn, dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt; trường hợp tai nạn, sự cố gây nguy hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

3. Cơ quan công an khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn trên đường thủy nội địa phải kịp thời triển khai lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn; tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm chỉ đạo, huy động lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất hoặc hỏa táng thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất hoặc hỏa táng sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật.

4. Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa

Điều 98e của Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi quy định việc cứu hộ giao thông đường thủy nội địa như sau:

1. Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa là hoạt động cứu phương tiện, tàu biển, tàu cá hoặc tài sản trên phương tiện, tàu biển, tàu cá thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động hỗ trợ gồm cả việc kéo, đẩy phương tiện, tàu biển, tàu cá đang bị nguy hiểm trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

2. Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân cứu hộ (sau đây gọi là bên cứu hộ) và chủ phương tiện, tàu biển, tàu cá được cứu hộ (sau đây gọi là bên được cứu hộ).

3. Việc giải quyết tranh chấp về thanh toán tiền công cứu hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

5. Nghĩa vụ của bên cứu hộ, bên được cứu hộ

Điều 98g của Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi quy định về nghĩa vụ của bên cứu hộ, bên được cứu hộ như sau:

1. Bên cứu hộ có nghĩa vụ sau:

a) Thực hiện theo thỏa thuận cứu hộ;

b) Tiến hành việc cứu hộ một cách tích cực;

c) Áp dụng biện pháp thích hợp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về phương tiện, tài sản và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường;

d) Yêu cầu sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cứu hộ khác trong trường hợp cần thiết;

đ) Chấp nhận hành động cứu hộ của tổ chức, cá nhân cứu hộ khác khi có yêu cầu hợp lý của bên được cứu hộ.

2. Bên được cứu hộ có nghĩa vụ sau:

a) Thực hiện theo thỏa thuận cứu hộ;

b) Hợp tác với bên cứu hộ trong suốt quá trình thực hiện cứu hộ;

c) Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình được cứu hộ.”

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập192
  • Hôm nay39,253
  • Tháng hiện tại39,253
  • Tổng lượt truy cập41,184,707
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây