Quy định mới về quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh
Thứ sáu - 02/07/2021 06:01
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư sẽ giúp cho cơ quan thuế quản lý thuế tốt hơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng không phải nộp thuế
Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Thông tư 40 quy định, phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Trong đó, kinh doanh không thường xuyên được xác định tuỳ theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế theo hướng dẫn tại thông tư.
Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 của thông tư. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán. Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hoá, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
Ngoài ra, Thông tư 40 cũng quy định cụ thể về quản lý thuế (hồ sơ khai thuế, nơi nộp, thời hạn hồ sơ) đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh; hộ khoán; cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, bảo hiểm, bán hành đa cấp, hoạt động kinh doanh khác; tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.
Triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo lộ trình
Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Tổng cục Thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế xây dựng bộ chỉ số tiêu chí rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo lộ trình quy định. Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai đề án hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối, chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn có mã của cơ quan thuế đảm bảo phục vụ công tác quản lý thuế theo rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các cục thuế có trách nhiệm triển khai công tác kiểm tra thực tế hằng năm tối thiểu 10% số chi cục thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc xác định mức doanh thu khoản dự kiến, mức thuế khoán dự kiến.
Thông tư 40 có hiệu lực từ ngày 1/8/2021.
Thông tư bãi bỏ chương 1 và chương II Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế TNCN quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế.