Thành lập từ năm 2002, ban đầu số hội viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đến nay, câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) đã đi vào ổn định và phát triển không ngừng. Nhiều hội viên CLB được kết nạp vào Hội Văn học-Nghệ thuật các tỉnh, thành phố, giành được nhiều giải thưởng văn học, báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Điều đáng nói là hầu hết các giáo sư, tiến sỹ con em trong làng công tác khắp mọi miền Tổ quốc đều tham gia gửi bài về cho CLB. Vì CLB phải tự túc nguồn kinh phí để in ấn nên các mạnh thường quân đã tài trợ mỗi năm ra mắt được một đầu sách.
Đến nay, CLB đã có 13 đầu sách, mỗi đầu sách dày hơn 300 trang với đủ các thể loại truyện ngắn, bút ký, thơ ca, hò vè, tiểu luận, phê bình văn học.
Ngoài Giáo sư-Tiến sỹ Văn học Trần Ngọc Vương, một trong những nhà nghiên cứu văn học hàng đầu Việt Nam, thì nhà nông học Hoàng Kim, Giáo sư-Tiến sỹ Địa chất Trần Nghi, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Minh Dục và Tiến sỹ Kinh tế học Nguyễn Thị Bích Hường cũng thường xuyên gửi bài cho CLB. Không những thế, CLB còn thu hút được những tài năng trẻ của làng sống xa quê gửi tác phẩm về.
Họa sỹ trẻ Trương Thế Linh, một người con của làng Minh Lệ đã giành được giải thưởng cuộc thi “Chân dung tự họa-Dogma Prize2013” trị giá 120 triệu đồng với tác phẩm "Nhập nhòe". Phong cách của Linh gây ấn tượng sâu sắc và độc đáo, tạo ra những hình ảnh mang tính ẩn dụ. Nhạc sỹ Phan Văn Chữ, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình thường xuyên cộng tác với CLB. Ông giúp các hội viên CLB chép nhạc trên máy và in sách.
Trong các năm qua, nhà thơ Hoàng Đình Giót đã có nhiều bản nhạc viết về nhà trường và làng quê. Hoàng Hữu Tình, một người con xóm Bàu từ Vũng Tàu về trình làng trong đêm hội diễn văn nghệ chào năm mới bài thơ “Minh Lệ ơi ngày về” được nhạc sỹ Lê Anh phổ nhạc…
Hai năm (2016-2017), CLB đã tổ chức thành công cuộc thi viết về phong trào xây dựng nông thôn mới, được đông đảo bà con hưởng ứng. Nhà văn Hoàng Bình Trọng và nhà thơ Lý Hoài Xuân đã nhiệt tình làm ban giám khảo cho cuộc thi, trao 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các cá nhân xuất sắc.
Các nhà văn Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài tỉnh gửi tác phẩm về nhằm định hướng, cổ vũ, động viên các cây bút trẻ. Nhà văn Lê Thanh Kỳ, người từng đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ và Tạp chí Nhật Lệ hai năm (2011-2012) cũng gửi về truyện ngắn “Bạn khách”.
Nhà văn Hữu Phương gửi đăng truyện ngắn “Ba người trên sân ga”. Truyện ngắn này đã được dựng thành phim “Đời cát” giành được giải thưởng liên hoan phim quốc tế. Nhà văn Nguyễn Thế Tường gửi truyện ngắn “Hồi ức của một binh nhì”, tác phẩm từng giành được giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý gửi “Khát vọng Trường Sơn”, tác phẩm giành được giải nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đặc biệt, nhà thơ Mai Văn Hoan, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế và nhà thơ Ngọc Khương, hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên giao lưu, tổ chức nhiều đêm thơ với anh chị em.
Các nhà báo Hữu Thái, Trương Công Định, Quỳnh Trang, Ngọc Tấn, Nguyễn Hương Duyên là con em trong làng cũng gửi bài về đăng tải. Hầu như tập san nào CLB cũng nhận được truyện ngắn mới của nhà văn Nguyễn Hương Duyên, Thư ký tòa soạn Tạp chí Nhật Lệ. Nhà báo Trương Công Định, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng đã giúp CLB biên tập và in ấn một số tập san.
Cảm động nhất là các cán bộ lão thành cách mạng, những người gần đất xa trời vẫn hăng hái làm thơ, viết văn để lại cho đời. Cụ Hoàng Thúc Cảnh, 98 tuổi, nguyên thư ký của cụ Hồ Tùng Mậu, năm nào cũng có 4, 5 bài thơ in trên tập san. Thơ cụ tập trung ngợi ca sự đổi thay của đất nước và những lời nhắn nhủ của bậc cao niên đối với cháu con.
Đại tá Hoàng Thúc Cẩn, em trai cụ năm nay đã 92 tuổi có nhiều bài ký về quê hương trong những ngày cụ làm đội trưởng đội du kích thiếu niên làng Minh Lệ. Cụ Cẩn đã từng đạt nhiều giải thưởng các cuộc thi viết ký của quân đội và nước bạn Lào.
Cụ Hoàng Hữu Thanh là một nhà giáo, một cựu chiến binh Việt Nam đã để lại tập sách “Thời lửa đạn” viết về những năm chống Pháp và chống Mỹ. Cụ hăng hái viết báo ca ngợi công cuộc đổi mới của đất nước. Năm 2019, sau khi qua đời, cụ vẫn nhận được giải thưởng cuộc thi thơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức.
Ban chủ nhiệm CLB văn nghệ Quảng Minh tiếp tục phát động cuộc thi viết về phong trào xây dựng nông thôn mới lần thứ hai (2018-2019) và đã có nhiều bài viết có chất lượng gửi về. CLB còn xây dựng được tủ sách thư viện của xã, tập trung lưu giữ tác phẩm của con em quê hương. Ban chủ nhiệm còn đến tặng sách cho thư viện các nhà trường và bồi dưỡng những cây bút trẻ là học sinh trong xã.
Hàng năm, đến ngày 22-12, các hội viên đến nói chuyện thơ văn viết về anh bộ đội Cụ Hồ cho các học sinh nghe. CLB còn phát động hội viên tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới...
Địa chỉ Website: badontv.vn
Tên gọi:
BĐRT (BaDon Radio Television)
Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn.
Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...