Thị xã Ba Đồn: Nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương
Thứ năm - 14/11/2019 14:34
Để góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, nhất là khu vực nông thôn, vấn đề giải quyết việc làm là yêu cầu cấp thiết. Thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã giành nhiều sự quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Ba Đồn, công tác đào tạo nghề cho lao động luôn được chú trọng. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Một số ngành, nghề sau đào tạo đáp ứng yêu cầu về thị trường lao động, nâng cao tay nghề, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Công tác dạy nghề đã giúp lao động nông thôn tham gia các khóa học nghề hoặc tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm, từ năm 2016 đến nay, thị xã Ba Đồn đã tổ chức được 43 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động nông thôn; trong đó, 150 lao động thuộc diện hộ nghèo, hơn 140 lao động thuộc diện hộ cận nghèo.
Mỗi năm, thị xã giải quyết việc làm cho trên 4.000 lượt lao động, trong đó có trên 700 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến đầu năm 2019, toàn thị xã có hơn 61.000 lao động trong độ tuổi lao động; gần 67.000 lao động tham gia làm việc trong nền kinh tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế chiếm 54%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm 43%.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 400 đơn vị sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 300 doanh nghiệp, Công ty TNHH; 18 Hợp tác xã, 23 trang trại, 29 tổ hợp tác đang hoạt động, sử dụng hơn 5.500 lao động. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 37 triệu đồng/người/năm (tăng 37% so với năm 2014).
Nhờ đó, số lao động sau khi học nghề phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình có hiệu quả; số hộ mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô, năng suất, thu nhập ổn định. Các học viên lớp nghề kỹ thuật xây dựng, thêu trên nón, điện dân dụng... được nâng cao tay nghề, tự thành lập các tổ, nhóm, hợp tác xây dựng, sửa chữa điện, thêu nón chất lượng cao cung cấp cho các chợ, siêu thị trong tỉnh...
Qua nhiều năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về công tác Lao động, việc làm trên địa bàn thị xã. Với những nỗ lực đó, công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo của thị xã có những chuyển biến rõ nét, từ đầu năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của thị xã gần 11% đến nay đã giảm xuống còn 4,17%, giúp địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Lan Anh