Năm 2008, thôn Nhân Hòa- xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là làng nghề đúc rèn, sản xuất mộc mỹ nghệ, trong tổng số 120 hộ làm nghề thì có 70% hộ dân làm nghề đúc rèn, 30% sản xuất mộc mỹ nghệ. Đây chính là cơ hội để địa phương thúc đẩy nghề rèn đúc ngày một phát triển.
Từ khi được công nhận làng nghề, người dân thôn Nhân Hòa-xã Quảng Hòa đã mạnh dạn áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hoá nghề rèn truyền thống để tăng năng suất lao động. Nhiều hộ đã tự trang bị máy mài, máy dập... nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hiện nay, làng nghề chỉ còn 15 hộ tham gia làm nghề rèn đúc. Để rèn nên một dụng cụ lao động thông thường như dao, cuốc, xẻng… người thợ rèn phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian. Trải qua nhiều công đoạn, trong quá trình rèn, để sản phẩm bền, sắc, điều quan trọng là than phải đúng nhiệt độ, khi cho sắt lên đập phải có lực tác động nhịp nhàng. Đây là nghề rất vất vả, thu nhập thấp nhưng các hộ làm nghề rèn đúc Quảng Hòa vẫn duy trì nhằm giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Với thực tế hiện nay, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm công nghiệp hơn các sản phẩm thủ công, chính vì vậy, các sản phẩm rèn đúc thủ công rất khó tiêu thụ. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư máy móc phục vụ nghề rèn đúc nhằm giảm sức lao động cao. Đây chính là những trở ngại khiến nghề rèn đúc Quảng Hòa đang dần bị mai một.