Công văn số 557-CV/ThU, ngày 25/3/2019 của Thị ủy Ba Đồn Về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Thứ ba - 26/03/2019 15:27
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước; đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan nhanh trên đàn lợn, hiện nay chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, tỷ lệ lợn chết rất cao, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tỉnh Quảng Bình nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng là địa bàn có vị trí địa lý nằm trên các tuyến giao thông quan trọng có lưu lượng người, phương tiện và hàng hóa lưu thông lớn; đa số chăn nuôi nông hộ có quy mô nhỏ lẻ, ý thức tự giác về công tác phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn hạn chế, do đó, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn thị xã là rất cao.
          Để triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 21/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chủ động ngăn ngừa và khống chế bệnh Dịch tả Lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn thị xã, Ban Thường vụ Thị ủy yêu cầu:
1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, quán triệt từ nhận thức đến hành động, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 21/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, các tổ chức, người chăn nuôi gia súc và cộng đồng xã hội nắm vững, nắm chắc, hiểu rõ mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong phòng, chống bệnh dịch; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn thị xã.
2. UBND thị xã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể có liên quan; UBND các xã, phường tăng cường quản lý hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, đặc biệt là đàn lợn của các hộ gia đình, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, có nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, như: Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa bàn; lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin về dịch bệnh trên lợn.
3. Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương theo hướng “thôn giữ thôn, xã giữ xã”; quán triệt nguyên tắc 5 không: không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm bắt tình hình, kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn từng thôn, từng xã, từng địa bàn dân cư; giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh. Thực hiện nghiêm chế độ vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, sau mỗi ca giết mổ lợn và tại các quầy bán thịt lợn. Khi phát hiện lợn dương tính có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khẩn trương đóng cửa quầy bán thịt lợn ở các chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn; huy động lực lượng chức năng xử lý triệt để, nhanh gọn ổ dịch ở quy mô hẹp, không để lây lan ra diện rộng; thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi.
 Địa phương, đơn vị, địa bàn nào không phát hiện kịp thời bệnh dịch, biện pháp xử lý không quyết liệt, chậm báo cáo bệnh dịch, để lây lan bệnh dịch, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thị ủy và pháp luật.
4. Ban Tuyên giáo Thị ủy chủ trì, phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh và Truyền hình thị xã tăng cường thời lượng phát sóng, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh gây hoang mang trong xã hội.
5. Ban Dân vận Thị ủy, Mặt trận và đoàn thể các cấp tích cực tham gia cùng chính quyền, các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống bệnh dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là các tổ chức, hộ gia đình chăn nuôi lợn thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Ủy ban nhân dân thị xã chủ trì, phối hợp với các Ban và Văn phòng Thị ủy, các cơ quan liên quan; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, các đồng chí Thị ủy viên theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, chỉ đạo, theo dõi, nắm tình hình thực hiện kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thị ủy.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm107
  • Hôm nay966
  • Tháng hiện tại764,496
  • Tổng lượt truy cập34,295,215
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây