Thống kê của Ủy ban An toàn Quốc gia (ATGT) Quốc gia, trong các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn cả nước có đến 40% số vụ liên quan đến rượu bia. Thậm chí, vào các dịp lễ Tết, tỷ lệ này tăng lên đến 80%.
Theo số liệu mới nhất, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc, khi mỗi năm có hơn 300 triệu lít rượu và hơn 4 tỉ lít bia được tiêu thụ. Đáng nói, tình trạng sử dụng rượu bia vẫn tham gia giao thông những năm qua vẫn rất nhức nhối.
Cùng với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt đã tăng nặng mức xử phạt nặng đối với hành vi uống rượu bia lái xe.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy, sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng nếu điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo ATGT 5 năm (2016-2020) với các địa phương được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá Nghị định 100/2019 là điểm sáng trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ.
"Việc ban hành Nghị định 100, ra quân xử lý vi phạm với mức phạt nặng đã tạo chuyển biến rõ nét trong đảm bảo ATGT nên cần tiếp tục kiên quyết hơn nữa trong thực hiện Nghị định", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương. Trước đây mỗi năm có khoảng gần 12.000 người chết vì TNGT thì đến năm 2019 con số này giảm còn khoảng 7.600 người.
Cũng theo ông Hùng, trong 10 tháng đầu năm 2020, đường thủy nội địa xảy ra 52 vụ tai nạn, làm chết 41 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm trước tăng hai vụ (tăng 4%), tăng 20 người chết (tăng 95,24%), giảm hai người bị thương (-28,57%).
"Nghị định 100 được Chủ tịch Quốc hội đánh giá là điểm sáng về xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Vì, khi có Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia thì chỉ hơn bốn tháng xây dựng xong nghị định và lịch sử xây dựng nghị định xử phạt đường bộ, đường sắt chưa bao giờ nhanh như thế", ông Hùng cho hay.
Nguồn tin: Theo LINH PHI (Báo VTC News)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn