Làng Ngư ngày Tết
Thứ ba - 05/02/2019 08:59
Tết Nguyên đán cổ truyền hằng năm là dịp quây quần của mỗi gia đình, tuy nhiên đối với hàng trăm ngư dân làng biển phải quên đi cái cảm giác sum vầy để những người chồng, người cha chuẩn bị lương thực vươn khơi bám biển, sẵn sàng đón Tết ở khơi xa.
Ngư dân vùng biển quan niệm rằng, đầu năm tàu cá ra khơi may mắn, trở về bình an thì cả năm công việc thuận buồm xuôi gió, bội thu cá, mực…. Thế nhưng đằng sau đó là những nỗi niềm về cuộc sống mưu sinh vất vả của mỗi ngư dân khi phải xa vợ, xa con lênh đênh đón Tết trên biển.
“Đón Tết ở trên biển, chúng tôi quen rồi...!”. Đó là câu trả lời của các ngư dân khi chúng tôi hỏi về cảm xúc chuyến biển những ngày cuối năm. “Đón Tết trên biển buồn nhiều hơn vui vì phải xa vợ con, xa người thân bạn bè nhưng chúng tôi quen rồi. Chuyến biển này, chúng tôi nhất định phải đi. Hy vọng chuyến biển bội thu cá, mực… lấy hên trong chuyến biển đầu tiên của năm”- chủ tàu cá QB 93708 của ngư dân Nguyễn Văn Thắng đã trải lòng như vậy.
Đây không phải là chuyến biển đầu tiên mà các thuyền viên trên tàu cá QB 93708 do anh Thắng làm chủ phải đón Tết trên biển. Thế nhưng chuyến biển ngày cuối năm vẫn mang một cảm xúc rất lạ. Một chút xốn xang, một chút nỗi niềm lưu luyến của người ở người đi.
Dự kiến, chuyến biển sẽ bắt đầu từ ngày 22 âm lịch kéo dài 16 ngày tàu sẽ về đất liền. Nếu may mắn gặp “lộc biển” thì tàu sẽ về sớm hơn. Ai cũng cầu mong mọi sự thuận lợi, cá, mực đầy ắp khoang để anh em thuyền viên phấn khởi về ăn Tết muộn cùng gia đình và bù lại cảm giác khi xa vợ, xa con.
Theo ngư dân, sở dĩ họ vươn khơi xuyên Tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Đặc biệt, ra khơi khai thác thủy sản xuyên Tết không chỉ là công cuộc mưu sinh của ngư dân mà còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển đảo.
Anh Trần Trọng Bình, thuyền viên cùng tàu với anh Thắng, người từng nhiều lần đón Tết ngoài khơi, tâm sự: “Trong đất liền, đang vui giây phút giao thừa thì ngoài khơi xa, ngư dân vẫn nỗ lực kéo lưới, nhớ vợ con đến phát điên. Cái Tết đầu tiên trên biển qua đi trong nỗi buồn nhưng rồi cái Tết thứ 2, thứ 3… giờ đây đã thành thói quen với mỗi ngư dân. Chúng tôi xem ngư trường là nhà, bạn thuyền là người thân nên cứ thế vui vẻ. Có chăng, ngày Tết anh em họ hàng được quây quần bên nhau, ăn nhiều món đặc sản hơn…”.
Hi vọng rằng, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ý chí vươn lên và truyền thống hằng năm gìn giữ nghề biển, chuyến biển đầu năm của các ngư dân phường Quảng Phúc sẽ đầy ắp tôm cá, chở về đất liền những mặn mòi của biển cả tổ quốc, và đâu đó là tình cảm gia đình, vợ chồng, cha con, làng xóm hòa quyện vào đất trời, vào lòng người.
Tác giả bài viết: Hoài Thu