Huyện Quảng Ninh là một trong những địa phương có chỉ số CCHC nằm top đầu của Quảng Bình. Để duy trì và cải thiện chỉ số CCHC của huyện trong năm 2022, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như: việc tiếp nhận và giải quyết TTHC của các đơn vị phải thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa, hạn chế để tiến tới nghiêm cấm việc giải quyết tại phòng làm việc của công chức. Thực hiện tốt các phần mềm dùng chung đã được triển khai đồng bộ đến các đơn vị như: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm một cửa điện tử, chữ ký số; thường xuyên theo dõi hoạt động phần mềm “Một cửa điển tử” của đơn vị mình để hạn chế tối thiểu số lượng hồ sơ quá hạn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đối với việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích tại đơn vị; có những giải pháp để hướng dẫn, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện TTHC.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Huyện Quảng Ninh cơ bản trả hồ sơ kịp thời, hạn chế thấp nhất việc chậm trễ. Tăng tỷ lệ thực hiện các TTHC mức độ 3, 4. Hiện, toàn huyện có trên 55% dịch vụ công thực hiện mức độ 3, 4 được người dân đánh giá cao. Các nội dung khác như cải cách bộ máy, tài chính công, xây dựng chính quyền số được thực hiện có hiệu quả”.
Không chỉ ở huyện Quảng Ninh, hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh từ cấp huyện đến cơ sở, việc thực hiện quyết liệt và hiệu quả công tác cải cách hành chính đã được các địa phương chủ động triển khai. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, quản trị phát triển, phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển. Với nhiều hình thức tuyên truyền về CCHC đã giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu đầy đủ hơn về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, quy trình giải quyết thủ tục hành chính...
Ở xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, hiện nay, bên cạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, mức độ 2, Mai Hóa đang đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Công tác giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện kịp thời, chất lượng, rút ngắn thời gian trả kết quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Cán bộ, công chức địa phương cố gắng giải quyết công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất phục vụ Nhân dân nên được bà con hài lòng”.
Bên cạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính, các phần mềm dùng chung cũng đã được các địa phương triển khai đến tất cả các phòng, ban chuyên môn. Qua đó, phát huy được hiệu quả và tính năng trong phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác chuyên môn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được các đơn vị quan tâm thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC tại các địa phương vẫn còn một số hạn chế: việc giải quyết TTHC vẫn còn trễ hẹn; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa thường xuyên nên tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa đạt tỷ lệ cao. Nhận thức của một số người dân cũng như cán bộ chưa cao. Một số mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng chính quyền điện tử, chính quyền số triển khai chưa hiệu quả, chưa có một nền tảng dữ liệu chung đáp ứng yêu cầu quản lý. Nguồn kinh phí bố trí đầu tư cho xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế, nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh các hệ thống và ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Đậu Bá Quý, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa bày tỏ: “Cán bộ công chức địa phương đã chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ để đáp ứng như cầu giao dịch của Nhân dân trên địa bàn thị trấn”.
Năm 2023, CCHC tiếp tục được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Do vậy, Quảng Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp về CCHC, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và thực sự hiệu quả, tạo đòn bẩy thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Vì vậy, nhằm thể hiện quyết tâm xử lý những hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân thông qua công tác CCHC, trước hết cần có cơ chế phối hợp tích cực, có hiệu quả giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với các cơ quan thông tin, truyền thông. Qua đó, tuyên truyền, quán triệt, giáo dục để cán bộ, công chức, viên chức cùng Nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về CCHC, phải coi CCHC là nhiệm vụ cấp bách có tính chất đột phá tạo phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền CCHC phải thông qua nhiều hình thức với các giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ; phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.
Nguồn tin: Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...