Hội Tin học Quảng Bình: Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ bảy - 14/01/2023 22:37
(QBĐT) - Với vai trò là hội nghề nghiệp chuyên về công nghệ, Hội Tin học Quảng Bình đã chủ trì phối hợp, tổ chức, phản biện, góp ý và tham gia các hội thảo, chương trình, dự án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng, quy hoạch và xây dựng lộ trình phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh và CĐS, đưa lại những giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp (DN) trên các mặt đời sống kinh tế-xã hội.   
 
Chủ tịch Hội Tin học Quảng Bình Nguyễn Mậu Hải cho biết: Xuất phát từ các chủ trương, định hướng của tỉnh trong hoạt động CĐS, Hội Tin học đã tổ chức nhiều diễn đàn, tạo sự kết nối giữa các nhà khoa học, các DN cung cấp nền tảng số và các DN sử dụng, khai thác nền tảng số để góp phần thúc đẩy CĐS của tỉnh. Qua đó, đã có nhiều ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia liên quan đến định hướng, cách tiếp cận và ứng dụng CĐS trong các lĩnh vực, góp phần đề ra các giải pháp cho công cuộc CĐS trong công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh, đưa CĐS trở thành xu thế tất yếu của sự phát triển.
 
Cụ thể, như: Rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị công nghệ và hạ tầng kết nối internet băng rộng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa cơ sở vật chất và thực hiện số hóa; rà soát, nghiên cứu quan điểm định hướng, nội dung nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS chuyên ngành, lĩnh vực và yêu cầu thực tiễn tại địa phương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đưa vào chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng, triển khai các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng, cấp thiết; chủ động triển khai các hoạt động dẫn dắt phát triển kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực và trên địa bàn quản lý… 
Giới thiệu các giải pháp nông nghiệp thông minh tại diễn đàn CĐS về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Giới thiệu các giải pháp nông nghiệp thông minh tại diễn đàn CĐS về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Hội Tin học cũng phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng quản trị, kinh doanh và đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động; phối hợp hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã CĐS, tham gia sàn thương mại điện tử...; tích cực phối hợp triển khai cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở về công dân số, kết nối số và văn hóa số (vai trò tổ công nghệ số cộng đồng); tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở, sử dụng tài khoản thanh toán điện tử…
 
Kết quả, đi đầu trong ứng dụng chính quyền số là TP. Đồng Hới. Từ cuối năm 2021, UBND TP. Đồng Hới đã phối hợp với Tập đoàn Viettel triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (ĐTTM), thí điểm một số ứng dụng, dịch vụ ĐTTM; trong đó, có ứng dụng “Dong Hoi Smartcity” trên điện thoại di động giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ về thông tin tuyên truyền, thông báo cảnh báo thời gian thực, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh các vấn đề bất cập, tra cứu vi phạm giao thông, thông tin du lịch...
 
“Đến nay, từ Trung tâm Giám sát điều hành ĐTTM đã tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và khai thác, xử lý vi phạm qua hệ thống camera. Đồng thời, thành phố cũng đã khảo sát lắp đặt hệ thống camera giao thông, an ninh, thiết bị giám sát ngập lụt, bộ phát wifi phục vụ du lịch; triển khai phần mềm “Kỳ họp không giấy”, hệ thống “Quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị”... Toàn thành phố đã có gần 22.000 lượt đăng ký sử dụng “Dong Hoi Smartcity” và có hơn 300 ý kiến của người dân thông qua ứng dụng này phản ánh về môi trường, giao thông, giáo dục, an ninh… được các cơ quan chức năng xử lý và phản hồi kịp thời”, ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới chia sẻ.
 
Về kinh tế số và xã hội số, ngoài các sở, ban, ngành, các tổ chức, DN, thì người dân đã từng bước tiếp cận, tăng cường rèn luyện kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số. Theo thống kê, đến tháng 11/2022, số người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng là 498.511 người, đạt tỷ lệ 75,49%; số DN nhỏ và vừa đang sử dụng các nền tảng số trong sản xuất, kinh doanh là 1.760 DN; tổng số DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức kê khai sử dụng hóa đơn điện tử là 5.971; tỷ lệ DN trên địa bàn thực hiện nộp thuế điện tử là 4.896/4.935, đạt 99,2%.
 
“Thời gian tới, Hội Tin học Quảng Bình tiếp tục xây dựng các chương trình, hành động để hỗ trợ các DN công nghệ thông tin, tạo kết nối đưa sản phẩm các nền tảng công nghệ thông tin tham gia CĐS. Qua đó, phổ biến, tuyên truyền đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của CĐS trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ; kịp thời triển khai để các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy DN, người dân thực hiện CĐS theo hướng toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số và thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, Chủ tịch Hội Tin học Quảng Bình Nguyễn Mậu Hải chia sẻ thêm.
 
Hương Trà

https://www.baoquangbinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202301/hoi-tin-hoc-quang-binh-gop-phan-thuc-day-chuyen-doi-so-2206533/

Nguồn tin: Báo Quảng Bình điện tử.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập312
  • Hôm nay17,327
  • Tháng hiện tại322,096
  • Tổng lượt truy cập39,841,885
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây