Khúc tráng ca Lèn Hà

Thứ sáu - 01/07/2022 10:54

Khúc tráng ca Lèn Hà

Trưa ngày 2/7/1972, từng tốp máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời khu vực hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa), nơi đóng quân của Trạm thông tin A69. Theo những nhân chứng kể lại, khoảnh khắc đó chỉ diễn ra trong vài phút. Nhưng sự tàn khốc của bom đạn kẻ thù đã cướp đi thanh xuân của 13 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) của trạm.
Trưa hè... tang thương
 
Hôm đó là chủ nhật, một ngày hè nắng rực lửa. Lúc 13 giờ hơn, sau bữa ăn trưa muộn, một kíp trực máy bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) trên hang đá lưng chừng ngọn Lèn Hà vẫn còn làm việc. Theo lời chị Nguyễn Thị Thanh, 1 trong 3 người trong kíp trực máy ngày đó còn sống kể lại, hôm ấy, theo phân công, ba chiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực. Khoảng 13 giờ 20 phút, họ nghe thấy tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Với họ, những âm thanh ấy đã quá quen thuộc, nên ai nấy vẫn thực hiện nhiệm vụ như bình thường.
 
Sau mấy tiếng bom nổ liên tiếp phát ra từ dưới chân lèn, họ nhìn thấy những cột khói đen đùn lên, phủ trùm dãy nhà ăn, nhà ở, hội trường của trạm. “Bom chỉ điểm, chúng sắp đánh đấy”, tiếng của Trạm trưởng Đàm Văn Trình hét to ở phía dưới lẫn trong tiếng bom nổ. Trạm trưởng Trình vừa dứt lời, một loạt bom nữa dội xuống, kèm theo những tiếng nổ chát chúa, đinh tai nhức óc. Sức ép của bom đạn khiến bộ tổng đài tải ba to cồng kềnh trên hang cũng bị xô nghiêng.
 
Theo phản xạ, cả 3 người cùng đeo tổ hợp tai nghe, nhào lên chống đỡ khối máy khỏi bị rung lắc. Tiếp đó, một loạt bom nữa dội xuống. Lần này, tiếng nổ nhỏ hơn, nhưng ánh sáng chớp lóa. Khi phát hiện địch thả bom khói chỉ điểm Trạm trưởng Trình và 2 nhân viên kỹ thuật Lương Văn Chấn và Trần Văn Xây chạy nhào lên hang để hỗ trợ giữ máy, sẵn sàng khắc phục sự cố. Nhưng đến chân lèn, cả 3 người đều bị trúng loạt bom napan và hy sinh. Thấy 3 nữ chiến sĩ đang căng sức giữ khối máy đang rung chuyển, chao đảo vì bom đạn, nhân viên nguồn điện Hán Bình Lương đang trực ở ngách hang phía trên cũng vội vàng chạy xuống hỗ trợ.
 
Nén đau thương, giữ “mạch máu” thông tin
 
Trận mưa bom của kẻ thù ném xuống vẫn không ngớt. Dưới chân lèn, lửa vẫn không ngừng bùng cháy. Xen lẫn trong tiếng bom nổ và khói lửa rực trời là tiếng người hô hoán, tiếng con gái kêu la. Chị Nguyễn Thị Thanh định chạy xuống cứu đồng đội thì thấy chị Bùi Thị Lung bị bỏng nặng đang bò lên.
 
Một lúc sau, Đại đội phó Quân sự của trạm Nguyễn Văn Hựu, quần áo tơi tả, mặt mũi nhem nhuốc cũng hộc tốc chạy lên. Anh định bụng sẽ tạm giấu chuyện, vì sợ mọi người không chịu nổi sự mất mát, đau thương quá lớn này và vì phía trước vẫn còn nhiệm vụ giữ vững đường dây TTLL. Thế nhưng, làm sao có thể giấu được sự mất mát ấy. Họ suýt nhào xuống cùng chị em của mình.
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng
dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ.
Anh Hựu nghiêm giọng, mỗi phút đứt liên lạc là chiến trường đánh đổi biết bao hy sinh. Lời thề "Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt", "Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương", tất cả vì mục tiêu bảo đảm TTLL vẫn còn đó. Họ sực tỉnh, gạt nước mắt, nén đau thương, biến nỗi đau thành hành động, vội nhào tới vị trí tổng đài, bật tất cả các máy, nhưng tất cả đều trơ ra, không một chút tín hiệu. Chỉ còn một đôi âm tần để đấu vào các tổ đường dây, nhưng tín hiệu chập chờn, rất yếu.
 
Anh Hựu yêu cầu 3 chiến sĩ nữ tiếp tục bám máy, tìm cách liên lạc, còn anh và anh Lương chạy xuống phía dưới lèn tổ chức lực lượng, tìm cách khắc phục đường dây. Sau loạt bom, trạm máy chính bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500m đường dây quanh khu vực trạm bị đứt. Sau hơn một giờ đồng hồ khắc phục sự cố, đường dây TTLL đã được khôi phục, trạm máy trở lại hoạt động. Và từ đó, trạm tiếp tục giữ nhịp TTLL thông suốt, kịp thời an toàn bí mật và chính xác cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Thanh xuân còn mãi
 
Trận mưa bom vào trưa ngày 2/7/1972 đã làm cho 13 CB, CS của Trạm thông tin A69 hy sinh, trong đó có 3 nam và 10 nữ. Họ đã ngã xuống và nằm lại ngay trên chiến trường, nơi họ đã cống hiến tuổi trẻ, thanh xuân của mình cho lý tưởng độc lập, thống nhất của đất nước.
 
Tuy sự kiện Lèn Hà đã xảy ra cách đây 50 năm, nhưng bà Phan Thị Thành, thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa vẫn nhớ rất rõ cảnh tượng bi tráng đó. Bà Thành kể: “Trưa hôm ấy, sau khi nghe hiệu lệnh báo động, toàn bộ trung đội dân quân Bắc Sơn nhanh chóng chạy về phía hang Lèn Hà. Khi đến nơi, trước mắt chúng tôi lán trại của trạm đã bị thiêu rụi. Nhiều CB, CS của trạm đã hy sinh. Thấy vậy, anh Nguyễn Tiến Vinh, Trung đội trưởng Trung đội dân quân Bắc Sơn ra lệnh cho mọi người nhanh chóng cứu người và tìm kiếm CB, CS đã hy sinh. Sau đó, tôi cùng anh Vinh chạy lên hang, nơi đặt trạm tổng đài để hỗ trợ. Khi đến nơi, chúng tôi thấy một chiến sĩ nữ bị thương nặng, nhưng vẫn còn thở nên nhanh chóng băng rừng đưa về trạm xá xã cấp cứu. Nhưng do bị thương quá nặng, ngày hôm sau, chị cũng hy sinh. Sau này, chúng tôi mới biết đó là liệt sỹ Bùi Thị Lung”.
 
Còn bà Ngô Thị Long (SN 1955, ở thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa), người có mặt ngay sau khi Trạm thông tin A69 bị máy bay địch ném bom, nhớ lại, ngày hôm ấy, trong lúc bà cùng chiến sĩ trung đội dân quân Thanh Lạng xây dựng đập thủy lợi Khe Nung (cách trạm khoảng 3km), thì nghe có tiếng máy bay địch ném bom.
 
Trung đội trưởng Trung đội dân quân Thanh Lạng Cao Xuân Thung ở thôn 3 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa liền ra lệnh toàn trung đội dừng xây dựng đập, hành quân vào khu vực Lèn Hà. “Khi chúng tôi đến nơi, thì Trung đội dân quân Bắc Sơn đã đưa thi thể CB, CS đã hy sinh ra tập kết ở khu vực khe Phùng (cách trạm khoảng 1km). Dù mọi người đã quá quen với cảnh bộ đội hy sinh, nhưng khi nhìn thấy thi thể 12 CB, CS ai cũng bật khóc. Sau khi Trung đội dân quân Hợp Hóa đưa quan tài vào, chúng tôi trực tiếp khâm lượm và làm lễ an táng cho các liệt sỹ. Trong lúc đó, máy bay địch vẫn còn đến ném bom khu vực xung quanh hang Lèn Hà. Vì vậy, cứ an táng được 1, 2 người, chúng tôi lại phải xuống hầm trú tránh bom. Phải đến 5 giờ sáng hôm sau, các liệt sỹ mới được an táng xong”, bà Ngô Thị Long kể. 
 
Danh sách 13 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong ngày 2/7/1972:
 
1. Đàm Văn Trình (SN 1944), thượng sĩ, Trạm trưởng, ở Đồng Thanh, Kim Động, Hưng Yên.
2. Lương Văn Chấn (SN 1946), thượng sĩ, tiểu đội trưởng, ở Đoài Côn, Trùng Khánh, Cao Bằng.
3. Trần Văn Xây (SN 1946), hạ sĩ, chiến sĩ, ở Trường Thịnh, TX. Phú Thọ, Phú Thọ.
4. Vũ Thị Lan (SN 1950), trung sĩ, chiến sĩ, ở Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình.
5. Cao Thị Xuyến (SN 1953), binh nhất, chiến sĩ, ở Hoằng Lưu, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
6. Nguyễn Thị Thảo (SN 1953), binh nhì, chiến sĩ, ở Thanh Lạc, Nho Quan, Ninh Bình.
7. Bùi Thị Lung (SN 1954), binh nhất, chiến sĩ, ở Kim Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình.
8.Trần Thị Loan (SN 1954), binh nhì, chiến sĩ, ở Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình.
9. Nguyễn Thị Anh (SN 1955), binh nhì, chiến sĩ, ở Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ.
10. Lê Thị Châm (SN 1955), binh nhì, chiến sĩ, ở Vân Đồn, Đoan Hùng, Phú Thọ.
11. Ngô Thị Luận (SN 1955), binh nhì, chiến sĩ, ở TT. Yên Lập, Yên Lập, Phú Thọ.
12. Hoàng Thị Liên (SN 1956), binh nhì, chiến sĩ, ở Hùng Vương, TX. Phú Thọ, Phú Thọ.
13. Chu Thị Mạnh (SN 1956), binh nhì, chiến sĩ, ở Văn Lung, TX. Phú Thọ, Phú Thọ.
 

D.C.H

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm135
  • Hôm nay33,180
  • Tháng hiện tại762,976
  • Tổng lượt truy cập34,293,695
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây