Lời Bác dạy là kim chỉ nam và cội nguồn sức mạnh

Thứ hai - 13/06/2022 16:17

Lời Bác dạy là kim chỉ nam và cội nguồn sức mạnh

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2022), Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về những thành tựu của tỉnh sau 65 năm làm theo lời Bác.
P/V: Thưa đồng chí, chiều 16/6/1957, tại sân vận động TX. Đồng Hới, trước 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình và Đoàn đại biểu Dân chính Đảng đặc khu Vĩnh Linh, Bác Hồ đã ân cần chuyện trò, căn dặn Quảng Bình, Vĩnh Linh những lời tâm huyết. Đồng chí có chia sẻ gì về những lời dạy của Bác 65 năm trước?
 
Đồng chí Vũ Đại Thắng: Qua những tư liệu lịch sử và câu chuyện của những người được tham gia buổi mít tinh chiều 16/6/1957, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc, tự hào của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khi được gặp gỡ và lắng nghe những lời dạy của Bác. Thời gian Bác vào thăm tuy không dài, nhưng những hành động, cử chỉ, lời căn dặn của Bác đã để lại những tình cảm thiêng liêng sâu nặng cho quân và dân Quảng Bình xuyên suốt từ đó đến nay. 
 
Về nhiệm vụ chiến lược trong đấu tranh giải phóng đất nước, Bác đã chỉ ra: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết...”
 
Về sản xuất, đời sống nhân dân, Bác nhấn mạnh: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc, phong kiến bóc lột kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hòa bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.
Bác Hồ trên lễ đài tại sân vận động Đồng Hới ngày 16/6/1957. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ trên lễ đài tại sân vận động Đồng Hới ngày 16/6/1957. Ảnh: Tư liệu

Những lời căn dặn, sự kỳ vọng, tin tưởng của Bác đối với tuyến đầu Quảng Bình, là những định hướng lâu dài, phương châm hành động, tạo nên ý chí quyết tâm của Quảng Bình trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
Qua hành trình 65 năm qua, lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị, vừa là kim chỉ nam, vừa là cội nguồn sức mạnh để Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đoàn kết bên nhau, vững tin phát triển.
 
Khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà đã chung sức đồng lòng lập nên những kỳ tích vẻ vang, để cái tên Quảng Bình luôn ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được cả nước thi đua học tập, là gương sáng cho các thế hệ noi theo.
 
Ghi sâu lời dạy của Bác Hồ và tiếp bước các thế hệ cha anh, đến thời điểm này có thể tự hào khẳng định, Quảng Bình đã phát huy hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của quê hương. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Bình xếp thứ hai cả nước với hơn 68%. Sở hữu trên 116km đường bờ biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, Quảng Bình có đội tàu cá xếp thứ 3 cả nước với gần 7.000 tàu, trong đó có hơn 1.200 tàu cá hiện đại, công suất lớn.
 
Vào thời điểm đất nước bắt đầu hành trình đổi mới, nhiều nông dân Quảng Bình mơ ước về những “cánh đồng 5 tấn”. Hiện nay, bên cạnh những cánh đồng 7-8 tấn/ha, chúng ta đã sản xuất thành công những giống lúa ngon nhất thế giới. Cùng với những đồng lúa “thẳng cánh cò bay”, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình đã có những “cánh đồng điện gió, điện mặt trời” với nguồn năng lượng sạch, cảnh quan đẹp và đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào đã và đang góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư tại tỉnh, hứa hẹn những đổi thay mạnh mẽ.

P/V: Sau 65 năm học tập và phát huy lời dạy của Bác, Quảng Bình đã gặt hái những thành tựu gì, thưa đồng chí?
 
Ảnh: Đức Thành
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình. Ảnh: Đức Thành

 



Đ/c Vũ Đại Thắng: Những lời căn dặn, động viên của Bác là hành trang mà các thế hệ quân và dân Quảng Bình luôn mang theo trong suốt 65 năm qua.


Trong những năm tháng chiến tranh, Quảng Bình phấn đấu “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”, chắc tay cày, vững tay súng, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”,… tất cả vì miền Nam thân yêu, vì độc lập tự do của dân tộc. Những cánh rừng nguyên sinh đã che chở, bảo vệ đường Trường Sơn, con đường huyết mạch, với hàng nghìn đoàn quân, vũ khí chi viện cho miền Nam ruột thịt. Quân dân Quảng Bình đã bắn hạ hàng trăm máy bay, tàu chiến, nhiều lần được Bác gửi thư khen.
 
Trong giai đoạn khó khăn đó, chúng ta vẫn có Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong, lá cờ đầu tiêu biểu, được cả nước thi đua học tập; ngư dân và xã viên các hợp tác xã, xí nghiệp đánh cá vẫn vượt sóng vươn khơi, vừa chiến đấu với giặc Mỹ vừa đánh cá nuôi quân.
 
Chiến tranh đi qua, phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, Quảng Bình đẩy mạnh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để từng bước chuyển mình vươn lên.
 
Đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế Quảng Bình tăng trưởng khá, quy mô kinh tế không ngừng tăng lên. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại, trong đó công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc tế… từng bước được hình thành, tạo động lực cho phát triển. Đã hình thành các đô thị động lực tại TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và những đô thị trung tâm của các huyện, thị. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử.
 
Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng được thu hẹp, đời sống của bà con dân tộc thiểu số được chăm lo, phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt. Đảng bộ không ngừng lớn mạnh, đủ sức để lãnh đạo sự phát triển trong các giai đoạn của lịch sử.
 
Ghi nhớ lời Bác dạy về dùng đúng và trúng tài nguyên, rừng Quảng Bình được các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao về chất lượng bởi bạt ngàn những khu rừng nguyên sinh đang được bảo tồn nghiêm ngặt tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. “Nuôi rừng để rừng nuôi”, đời sống kinh tế của người dân gắn bó với rừng ngày càng khởi sắc. Cùng với ngành nghề lâm nghiệp truyền thống, rừng mang lại những nguồn thu mới nhờ du lịch, dịch vụ với định hướng phát triển bền vững.
 
Về kinh tế biển, bên cạnh sự ổn định và phát triển của đời sống nhân dân, đội tàu đánh bắt xa bờ và ngư dân đang góp phần quan trọng cùng cả nước giữ vững chủ quyền biển đảo. Du lịch, đô thị biển, vận tải biển, hậu cần nghề cá… đang có những bước phát triển vượt bậc.
 
Với nghề ruộng, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, sản phẩm lúa gạo của Quảng Bình đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và giấc mơ xuất khẩu đang từng bước trở thành hiện thực. Với hàng nghìn những tấm gương nông dân sáng tạo, nông sản Quảng Bình đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước với dấu ấn và thương hiệu của mình.
 
P/V: Xin chúc mừng những thành tựu Quảng Bình đạt được trong 65 năm qua. Để phát huy hơn nữa những lời dạy của Bác, định hướng phát triển của Quảng Bình trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
 
Đ/c Vũ Đại Thắng: Những lời dạy của Bác cách đây 65 năm mang tính chiến lược, lâu dài và vẫn còn nguyên giá trị đối với Quảng Bình trong giai đoạn xây dựng và phát triển hiện nay.  
 
Với vị trí địa chính trị trọng yếu của mình, Quảng Bình quyết tâm xây dựng tuyến biên giới trên 200km hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển với nước bạn Lào anh em, bảo vệ vững chắc chủ quyền trên 116km bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 20.000km2, xứng đáng là địa phương tuyến đầu như lời Bác dạy.
Quảng Bình quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế biển theo lời Bác dạy.
Quảng Bình quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
và thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế biển theo lời Bác dạy.

Trong thời gian thăm Quảng Bình, Bác luôn nhắc đến bài học đoàn kết và lấy dân làm gốc. Khắc ghi lời Bác, tỉnh sẽ nỗ lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, luôn phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để nhân dân thực sự làm chủ, đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh là những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo.
 
Đảng bộ vững mạnh, nhân dân đồng thuận là nền tảng vững chắc để Quảng Bình tiếp tục tận dụng mọi nguồn lực, khai thác hợp lý tài nguyên, môi trường, nguồn nhân lực để phát triển nhanh, bền vững. Sau những đột phá, sáng tạo của hơn 3 thập kỷ đổi mới, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình tự tin đặt ra những mục tiêu trên hành trình mới.
 
Tỉnh sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế với các công trình trọng điểm như đường cao tốc, đường ven viển, nâng cấp sân bay, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp… để thu hút các doanh nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng văn hóa-xã hội như giáo dục-đào tạo, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế xã, các trung tâm thể thao-văn hóa cấp tỉnh, huyện… được tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mức độ thụ hưởng văn hóa-giáo dục của nhân dân.
 
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng với quyết tâm duy trì “lá phổi xanh”, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát triển ngành nghề lâm nghiệp truyền thống, Quảng Bình hướng tới kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng.  
 
Về tài nguyên biển, tỉnh đã xây dựng và tập trung thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, phát triển đô thị, du lịch biển, tỉnh chú trọng nâng cấp cảng biển, dịch vụ hậu cần, logicstic, phát triển điện gió ngoài khơi… Tỉnh cũng sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đồng hành để ngư dân yên tâm sản xuất và chung tay giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Trong nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng chế biến sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng các chuỗi giá trị nông sản; đầu tư sản phẩm OCOP, mở rộng các vùng chuyên canh, hướng tới xuất khẩu, để nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế.
Phát triển nông nghiệp, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế.
Phát triển nông nghiệp, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế.

Với truyền thống quê hương “Hai giỏi”, lao động là nguồn tài nguyên lớn, đặc biệt sau những đổi thay cơ bản do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư bởi nguồn lao động dồi dào. Để đón đầu sự dịch chuyển này, tỉnh sẽ tập trung đào tạo, đào tạo lại lao động, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tư duy… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, tự tin hội nhập.
 
65 năm là một hành trình dài nhưng Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã luôn mang theo bên mình những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, sát cánh bên nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh. Trong ngày vui hôm nay, chúng ta tự hào báo công với Bác về những thành tựu vẻ vang trên chặng đường đã qua, đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm chinh phục những tầm cao mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Bác kính yêu!
 
P/V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
 
Ngọc Mai
(thực hiện)

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập384
  • Hôm nay17,414
  • Tháng hiện tại322,183
  • Tổng lượt truy cập39,841,972
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây