Qua đèo Ngang, nuôi mộng lớn
Khoa thi Hương năm Giáp Ngọ 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác Hồ đỗ cử nhân. Cụ cử Sắc với mong muốn học cao lên nữa sau này giúp nước, giúp dân nên quyết định tham gia kỳ thi Hội được tổ chức tại kinh thành Huế. Thế là trước khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1898, cả nhà cụ cử Sắc gồng gánh nhau trẩy kinh. Ngoài cụ Nguyễn Sinh Sắc còn có bà Nguyễn Thị Loan và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung. Như vậy, gần 120 năm về trước, dấu chân của vị lãnh tụ kính yêu, danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh đã in hình trên mảnh đất Quảng Bình.
Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên khán đài sân vận động Đồng Hới ngày 16/6/1957
Trong tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng viết về tuổi thơ của Bác cho đến khi Người tạm biệt tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng năm 1911 miêu tả rằng: Con đường thiên lý vào kinh đô Huế ngày đó thưa thớt bóng người. Những người trẩy kinh hầu hết đi bằng cáng, thỉnh thoảng có những phu trạm phi ngựa bụi mù mặt đường… trên đường vào kinh sư, gia đình của cử Sắc kết bạn với một số khách bộ hành để đỡ lo bị cướp, lo hổ báo trên những chặng đường hẻo lánh…
Vào đến đèo Ngang, trời trong vắt, gió biển gọi cây ngàn, gia đình cử Sắc nghỉ chân trên bãi cỏ dưới chân đèo, bà Hoàng Thị Loan lúi húi soạn cơm nắm, cà muối cho chồng con ăn chắc bụng trước lúc vượt đèo. Lần đầu tiên thấy dãy núi cao chắn ngang con đường thiên lý, bé Côn (Nguyễn Sinh Cung- tên thiếu thời của Bác) tần ngần, mặt đăm đăm nhìn lên đỉnh đèo Ngang. Bất chợt, Côn hỏi: “Cha ơi cha, trên đỉnh núi kia có cái chi vắt qua núi, màu đỏ như sợi dây ngoằn ngoèo ấy cha? Người cha trả lời: “Ồ! Cái sợi dây đo đỏ nằm ngoằn ngoèo trên núi ấy là con đường mòn đó con ạ. Lát nữa cha con mình sẽ leo lên đó rồi mới sang bên kia dãy núi được”. Côn nhảy lò cò, ứng khẩu thành thơ: “Núi cõng con đường mòn/Cha thì cõng theo con/Núi nằm ì một chỗ/Cha đi núi lom khom/Đường bắn lì lưng núi/Con tập chạy lon ton/Cha siêng hơn hòn núi/Con đường lười hơn con”.
Mặt trời ngó xuống đèo… đoàn người lên đến đỉnh. Trên đỉnh đèo cao, gió lồng lộng. Xa xa dưới chân đèo, biển trải rộng ra, mênh mang sóng vỗ. Bé Côn nhìn biển bảo rằng là cái ao, cái ao rất lớn. Nhìn những con tàu, Côn gọi con bò to lội trên biển. Rồi Côn đọc thơ: “Biển là cái ao lớn/ Thuyền là con bò/ Thuyền ăn gió no/ Lội trên mặt nước/ Em nhìn thấy trước/ Anh trông thấy sau/ Ta lớn mau mau/ Vượt qua ao lớn”. Người cha nhìn con, cảm giác ở con tư chất, chí hướng khác thường. Và cái tâm, chí khác thường phát xuất ngay trên đỉnh đèo Ngang được Bác Hồ thực hiện “vượt qua ao lớn” trên con tàu mang tên Đô đốc Latusơ- Tơrêvin từ bến cảng Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước...
“Đảng phải chăm lo đời sống cho dân”
Tháng 5/1965, khi đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình ra Hà Nội dự Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng, Bác Hồ cho mời đồng chí Nguyễn Tư Thoan đến gặp riêng. Trong câu chuyện về Quảng Bình “Hai giỏi”, Bác Hồ kể cho đồng chí Nguyễn Tư Thoan nghe về chuyến hành trình lần thứ hai của mình năm 17 tuổi từ quê hương Nam Đàn, Nghệ An vào kinh thành Huế, những ấn tượng khi đi ngang qua Quảng Bình. Mười bảy tuổi, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã ý thức hết nỗi nhục của người dân nô lệ, mất nước lầm than dưới ách đô hộ thực dân. Trên đường thiên lý… đâu đâu cũng thấy cảnh lầm than, dân nghèo đói cơm rách áo làm thân trâu ngựa cho bè lũ quan sai và bọn Tây đô hộ.
Bác qua Quảng Bình, dọc đường thấy nhà cửa lụp xụp, đồng bào đói khổ. Khi Bác vào nghỉ lại ở một vài nhà dân ven đường, thấy bà con không biết đau bệnh gì mà đàn ông bụng thì to, mặt gầy da bủng, hai ống chân như hai ống bệ… Sau này, ngẫm ra mới biết đó là bệnh chân voi do một loại ký sinh trùng gọi là giun chỉ gây ra. Bác hỏi đồng chí Nguyễn Tư Thoan rằng bây giờ bệnh ấy có còn không? Đã chữa trị dứt điểm cho bà con chưa? Bác căn dặn đồng chí Nguyễn Tư Thoan: “Đảng lãnh đạo cách mạng giành độc lập tự do để đưa lại cơm no áo ấm cho nhân dân. Sở dĩ nhân dân Quảng Bình chiến đấu anh dũng vì bà con tin vào Đảng. Chú về báo cáo lại với Tỉnh ủy là vô luận tình hình chiến tranh phát triển như thế nào, ác liệt đến đâu, Đảng cũng phải chăm lo đời sống cho dân”.
Ông Nguyễn Thanh Đàm kể chuyện Bác Hồ dùng cơm tại Cơ quan Giao tế Quảng Bình
Cách mạng Tháng Tám thành công, tiếp đến là khách chiến chín năm chống Pháp. Sau hội nghị Giơnevơ, đất nước tạm thời phân chia hai miền Nam Bắc. Quảng Bình, Vĩnh Linh trở thành mảnh đất địa đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hướng về Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu nỗi niềm nước non: “Một ngày mà tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Những năm miền Nam chiến đấu ác liệt, Bác có ý định vào miền Nam để thăm “đồng chí, đồng bào” và yêu cầu tổ chức bố trí Bác đi. Thấy Bác tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước, các đồng chí trong Bộ Chính trị đề nghị xin cố gắng cùng toàn dân đánh Mỹ mau thắng rồi mời Bác vào. Bác bảo: “Tôi muốn vào là vào lúc này, chứ thắng rồi mới vào thì nói làm gì?”. Và rồi ngày 16/6/1957, dấu chân Bác Hồ, vị cha già dân tộc kính yêu lần thứ ba chạm đến vùng đất giới tuyến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 16/6/1957, tức là cách đây gần tròn 65 năm về trước, máy bay chở Bác Hồ hạ cánh xuống sân bay Lộc Đại (sân bay Đồng Hới). Theo kế hoạch, sau khi xuống máy bay, Bác Hồ và các thành viên trong đoàn sẽ về trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh. Tại đây Bác gặp gỡ, làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 15 giờ ngày 16/6, Bác Hồ có buổi trò chuyện với 500 đại biểu cốt cán của Quảng Bình, Vĩnh Linh ở hội trường Tỉnh ủy.
Và vào lúc 16 giờ ngày 16/6/1957, tại sân vận động Đồng Hới, quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh tổ chức lễ mít tinh đón Bác. Trong không khí chân tình, ấm cúng, Bác Hồ thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời chào thân ái đến toàn thể đồng bào chiến sỹ tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Người động viên cán bộ, nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh ra sức cố gắng hơn nữa làm tròn trọng trách hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Địa điểm cuối cùng Bác Hồ đến là nơi đóng quân của Sư đoàn 325. Sau khi tắm biển Nhật Lệ xong, Bác tham gia buổi liên hoan văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325.
Theo kế hoạch, Người ở lại với Quảng Bình đến chiều 17/6 mới trở ra Hà Nội. Nhưng đêm 16/6, Trung ương điện vào mời Bác ra gấp. Tuy chưa muốn xa Quảng Bình nhưng vì việc nước, Bác tạm chia tay. Trước khi lên máy bay vào lúc 4 giờ sáng ngày 17/6, Người lưu luyến tạm biệt đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Quảng Bình với lời hẹn ước: “Bác về rồi Bác còn vô!”.
Nhớ mãi lời dạy của Người
Dù thời gian trôi qua đã gần sáu thập kỷ, nhưng ấn tượng của về cha già dân tộc vẫn không bao giờ phai trong tâm thức ông Nguyễn Thanh Đàm, nguyên Trưởng phòng hành chính, UBHC tỉnh phụ trách công tác đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Cơ quan Giao tế Quảng Bình – người vinh dự được các đồng chí lãnh đạo tỉnh giao trọng trách chuẩn bị bữa cơm trưa cho Bác. “Cơ quan Giao tế Quảng Bình đã từng tiếp đón rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng các chính khách, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Quảng Bình, nhưng đối với tôi, ấn tượng về Bác Hồ là sâu đậm hơn cả, dù thời gian Bác lưu lại Quảng Bình, ở Cơ quan Giao tế không dài”, ông Đàm tâm sự.
Bữa cơm trưa Quảng Bình đãi Bác hôm đó cũng rất đỗi bình dị với cá thu kho, canh chua, rau khoai lang và thịt lợn luộc chấm mắm quầy. “Khi đến Cơ quan Giao tế, Bác một mình đi thẳng xuống nhà bếp thăm các anh nuôi đang nấu ăn. Tại đây, Bác Hồ gặp ông Cả Yêm, phụ trách nhà bếp, người Quảng Trạch. Sau này ông Cả Yêm kể lại, Bác Hồ và ông Cả Yêm đã gặp nhau trong những ngày đầu Bác xuất dương bôn ba tìm đường cứu nước. Bác và ông Cả Yêm bắt tay nhau đầy xúc động”, ông Đàm kể.
Rồi bữa cơm trưa được dọn ra, đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp mời Bác Hồ dùng bữa, ngoài ra còn có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… Ông Nguyễn Thanh Đàm đứng bên phục vụ. Ông thấy Bác rất thích món thịt lợn chấm mắm quầy, thứ mắm đặc sản của Quảng Bình. Bác ăn, khen ngon. Đồng chí Nguyễn Tư Thoan thấy vậy liền bảo ông Đàm gọi nhà bếp đưa thêm một đĩa thịt và bát mắm khác, nhưng Bác ngăn lại. Bác nhẹ nhàng bảo: “Các chú đừng gọi thêm cho Bác, Bác dùng như vậy đủ rồi. Gọi thêm, Bác ăn không hết. Ăn không hết để dở lại, ai ăn thừa cho chúng ta?!”.
“Những người trong bữa cơm hôm đó im lặng, thấm sâu những lời của Bác. Chỉ một việc rất nhỏ nhưng là bài học lớn, đó là tính cần kiệm và ý thức chăm lo, yêu thương, tôn trọng của Bác Hồ với những người xung quanh mình”, ông Đàm nhớ lại.
Thấm thoắt đã gần 65 năm kể từ đó đến giờ nhưng hình ảnh của Bác cùng với phong cách đơn sơ, giản dị, gần gũi vẫn mãi sống động trong tâm thức ông Nguyễn Thanh Đàm cũng như mỗi một người dân Quảng Bình.
Theo Ngô Long (Báo Công lý)
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...