Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của nhân dân. Người coi đây là một nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”. Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.
65 năm trước, khi về thăm Quảng Bình, Bác cũng đã có những lời căn dặn sâu sắc. Những lời căn dặn đó đã trở thành động lực, kim chỉ nam thiêng liêng để các thế hệ thầy thuốc Quảng Bình khắc ghi và thực hiện.
Anh hùng trong chiến tranh
Ngày 16/6/1957, khi vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, trong buổi nói chuyện trước 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tại sân vận động thị xã Đồng Hới, Bác Hồ đã đề ra cho Quảng Bình 7 nhiệm vụ trước mắt phải làm, trong đó có nhiệm vụ vệ sinh phòng bệnh thật tốt. Tối hôm đó, khi Bác nghỉ lại nhà khách của Sư đoàn 325 ở cửa biển Nhật Lệ, trong câu chuyện tâm tình, Bác nhắc lại những ký ức thời niên thiếu, cùng cụ thân sinh đi dọc chiều dài Quảng Bình trên đường thiên lý Bắc-Nam để vào kinh thành Huế. Bác kể, khi đi qua vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy, thấy một số phụ nữ do bị muỗi độc đốt, chân sưng to bằng cột nhà, bà con gọi là bệnh chân voi, nay đã chữa lành được chưa? Những lời nhắc nhở ấy của Người đã thấm sâu trong tâm trí và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Quảng Bình.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua các thời kỳ, ngành Y tế Quảng Bình đã luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân; đồng thời có những đóng góp to lớn vào thắng lợi trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, đội ngũ thầy thuốc Quảng Bình đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn có mặt trên mọi mặt trận để chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chăm sóc điều trị cho thương bệnh binh và nhân dân; đồng thời chi viện lực lượng, thuốc men cho chiến trường Trị-Thiên và nước bạn Lào. Đi đến đâu, cán bộ y tế cũng tích cực tuyên truyền biện pháp phòng bệnh đến đó và vận động người dân trồng, chăm sóc các loại cây có giá trị làm thuốc để bổ sung nguồn dược liệu, nhằm giải quyết hậu cần tại chỗ, không để thiếu thuốc phục vụ cấp cứu, chữa bệnh, phòng chống dịch trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
Trong khói lửa đạn bom, ngành Y tế Quảng Bình đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động, chiến đấu tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là nữ y tá Trương Thị Diên (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) vừa mới sinh con đầu lòng nhưng vẫn băng mình trong lửa đạn để đến các trọng điểm đánh phá, cấp cứu, tải thương, cứu ngạt cho bộ đội. Với tinh thần dũng cảm, tận tụy phục vụ nhân dân, nữ y tá Trương Thị Diên đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng và Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.
Đó là Bệnh viện Quảng Trạch đã kiên cường bám trụ, hết lòng cứu chữa người bệnh. Các y bác sỹ không nề hà bất cứ việc gì, kể cả lên rừng chặt gỗ, tre nứa kết bè xuôi sông đưa về làm hầm cho bệnh viện trong khi trên bờ, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, dưới sông dày đặc thủy lôi. Hay giữa mịt mù khói bom, bệnh viện tập trung nhân lực cấp cứu, điều trị kịp thời cho hàng nghìn người bị thương, cử hàng trăm lượt cán bộ về cùng y tế cơ sở cấp cứu cho người dân tại hiện trường. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, năm 1966, Bệnh viện Quảng Trạch đã được Nhà nước tuyên dương “Tập thể bệnh viện anh hùng”.
Vững vàng trong thời bình
Đi qua chiến tranh, nhất là sau ngày Quảng Bình trở về địa giới cũ, vượt lên bao gian khó, ngành Y tế Quảng Bình đã cùng nhau đoàn kết xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện tốt các các chương trình mục tiêu quốc gia trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Đặc biệt, từ năm 1981, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới được đưa vào sử dụng. Đây được coi là tuyến cao nhất và chuyên khoa đầu ngành của tỉnh, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn-kỹ thuật. Từ đây, cán bộ y tế tỉnh nhà được tiếp thu một hình mẫu hiện đại hóa đầu tiên của ngành Y. Mọi người ra sức học tập trình độ quản lý và tay nghề của các chuyên gia y tế đến từ đất nước Cuba để từng bước xây dựng ngành Y tế tỉnh nhà theo hướng chính quy, hiện đại.
Theo Thầy thuốc ưu tú Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Bệnh phù chân voi y học gọi là bệnh giun chỉ bạch huyết, là bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi các loài giun chỉ. Bệnh rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trước đây, bệnh này xuất hiện ở các vùng Gia Ninh (Quảng Ninh) và Hồng Thủy (Lệ Thủy)… nhưng từ lâu đã được loại trừ, không còn lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Y tế Quảng Bình đã cùng với quân và dân trong tỉnh quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng của quê hương “Hai giỏi”, xây dựng ngành ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Toàn ngành đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ từ tuyến tỉnh đến cơ sở để triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới. Từ việc ứng dụng các kỹ thuật mới, các bệnh viện đã cứu được nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo, chất lượng khám, điều trị ngày được nâng cao.
Đặc biệt, ngành Y tế còn quan tâm tập trung phát triển hệ thống y tế cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đặc biệt khó khăn để chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Quảng Bình đã có 100% trạm y tế có bác sĩ điều trị, tỷ lệ bác sĩ đạt 10,8 bác sĩ/vạn dân. Có 149/151 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 98,7%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%.
Thầy thuốc Nhân dân Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Khắc ghi lời Bác dặn, trong nhiều năm qua, việc thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh luôn là niềm tự hào của y tế Quảng Bình. Ngành đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo mùa, chú trọng phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, tay chân miệng và các dịch bệnh nguy hiểm khác... Nhờ vậy, trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh nguy hiểm ở nhiều địa phương trên cả nước, ở Quảng Bình, dịch bệnh luôn được kiểm soát và khống chế kịp thời.
Trong khó khăn do đại dịch Covid-19, lực lượng Y tế đã vượt qua và thực hiện tốt sứ mệnh, trọng trách của người thầy thuốc vì sinh mạng của người bệnh, vì sức khoẻ của nhân dân. Toàn ngành đã căng mình vừa chống dịch Covid-19, vừa triển khai đồng bộ các hoạt động chăm sóc, điều trị người bệnh... Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, công tác y tế dự phòng được tăng cường, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, toàn tỉnh đã kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và đạt kết quả tích cực.
“Ngành Y tế xác định mục tiêu: Tiếp tục phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh, xứng đáng với vai trò của những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình khẳng định.
Trong hành trình 65 năm làm theo lời dạy của Bác, ngành Y tế Quảng Bình đã có 3 tập thể, 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 38 cán bộ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú.
Địa chỉ Website: badontv.vn
Tên gọi:
BĐRT (BaDon Radio Television)
Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn.
Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...