Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP cho người dân vùng bão lũ

Thứ bảy - 17/10/2020 19:32
Nhiều địa phương khu vực miền Trung vẫn đang gồng mình chống chọi với những thiệt hại nặng nề sau mưa bão và sạt lở đất vừa qua...

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương vùng ảnh hưởng bão lũ duy trì trực đội cơ động cấp cứu, phòng chống dịch bệnh sẵn sàng chi viện cho khu vực bị thiên tai, bão lũ khi có yêu cầu... Các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP phòng tránh ngộ độc cũng được đưa ra...

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ...

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Đồng thời, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ôtô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày.

Zalo
 

Đảm bảo có nước sạch sử dụng sau bão lũ và xử lý môi trường ngay là yêu cầu quan trọng cấp thiết để phòng dịch. Hiện đã có nhiều nước đóng chai, đóng bình được vận chuyển cung cấp cho vùng lũ, nhưng so với nhu cầu thì số lượng này chưa đáng kể. “Người dân cũng cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đồng thời, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất”, TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý.

Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế khuyến cáo, đối với nước dùng để ăn uống, trong trường hợp giếng nước bị ngập, cách đơn giản nhất là người dân có thể dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Trong thời gian lũ lụt, người dân không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.

Trong khi ngập lụt, gia súc gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, không thả rông tránh làm ô nhiễm môi trường; làm vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hóa chất thông thường như vôi bột, cloraminB. Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, người dân phải cách ly hoặc đem tiêu hủy (chôn hoặc đốt) theo đúng quy định...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn những biện pháp cần thiết đẩy mạnh triển khai để phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Theo đó, các cơ quan quản lý ATTP tại địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn chọn lựa, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Với hoạt động cứu nạn trong thời điểm bão chồng bão, Bộ Y tế yêu cầu duy trì các đội, tổ chống dịch lưu động; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và các đơn vị y tế chủ động liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn địa phương thống nhất phương án hỗ trợ, cấp cứu nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng, tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sự cố sạt lở ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.

Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: Bộ Y tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay10,167
  • Tháng hiện tại603,128
  • Tổng lượt truy cập40,122,917
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây