Phòng, chống COVID-19: Đặc biệt cảnh giác khi mùa đông sắp đến

Thứ sáu - 16/10/2020 13:42
(Chinhphu.vn) - Lúc này giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, chúng ta phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chiều 15/10.

Theo Phó Thủ tướng, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới làn sóng dịch tăng rất mạnh trở lại. Trong 24 giờ vừa qua đã ghi nhận thêm gần 400.000 ca nhiễm, vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng thành vô nghĩa. Lúc này giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, chúng ta phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và rộng ra toàn xã hội.

Chúng ta phải thực hiện thật nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly nghiêm ngặt. Khi hết thời hạn cách ly tập trung, người nhập cảnh phải được theo dõi y tế ít nhất 14 ngày sau đó. Chúng ta không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo.

“Chúng ta phải làm tinh thần cảnh giác rất cao. Lúc tình hình dịch thì nhắc nhau phải bình tĩnh, khi tình hình tốt thì nhắc nhau phải cảnh giác”, Phó Thủ tướng nói

Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá không còn là nguy cơ mà thế giới đang đứng trước một đợt bùng phát dịch dài.

Ở trong nước, mặc dù tình hình dịch đang được kiểm soát tốt nhưng vấn đề đặt ra là làm sao siết lại tinh thần chống dịch, đặc biệt không được mất cảnh giác khi mùa đông sắp đến, nhất là ở miền Bắc, là điều kiện rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan.
 

DDN 1771
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn: Những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều cần áp dụng biện pháp buộc người dân phải đeo khẩu trang, và xử phạt nếu vi phạm như TPHCM. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết dịch bệnh bên ngoài đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nước đã bắt buộc công dân ra ngoài phải đeo khẩu trang. Trước tình hình này, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác và phải quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như trong thời gian qua. Đặc biệt chú trọng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồngvới Thông điệp 5K của Bộ Y tế là “Khẩu trang-Khử Khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập đồng người-Khai báo y tế”, trong đó đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng hàng đầu phòng, chống COVID-19.

“Thời gian qua nhiều địa phương đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là quy định của TPHCM khi bắt buộc người dân đeo khẩu trang, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm. Những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… cũng cần áp dụng biện pháp buộc người dân phải đeo khẩu trang, và xử phạt nếu vi phạm như TPHCM. Chúng tôi sẽ xây dựng những hướng dẫn rất cụ thể như khi nào, ở đâu, trường hợp nào buộc phải đeo khẩu trang để người dân thực hiện đúng nơi, đúng lúc, hiệu quả nhất trong phòng chóng dịch bệnh”, ông Đặng Quang Tấn cho biết.

Về các biện pháp quản lý người nhập cảnh, Bộ Y tế cho biết đã hoàn thành hệ thống quản lý thông tin tập trung, thống nhất tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế sẽ cấp quyền truy cập để các cấp chính quyền tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, lực lượng y tế, công an nắm được cụ thể trên địa bàn quản lý có bao nhiêu người nhập cảnh đã hết thời gian cách ly tập trung và đang trong thời gian giám sát, theo dõi y tế tại nhà, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp… Chính quyền cơ sở, lực lượng công an, y tế có trách nhiệm quản lý, thăm hỏi, cập nhật thông tin sức khoẻ hàng ngày của những người này.

Bên cạnh đó, trong một vài ngày tới, Bộ Y tế, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện các bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh đối với với các loại hình hoạt động của cơ sở y tế, giáo dục, khách sạn, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, siêu thị… Người đứng đầu các cơ sở tập trung đông người sẽ tự đánh giá tình trạng an toàn phòng, chống dịch tại đơn vị mình qua một phần mềm và cập nhật lên bản đồ chống dịch tại địa chỉ antoancovid.vn, theo thời gian thực. Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý các tiêu chí không thể cứng nhắc như trong thời kỳ cao điểm chống dịch nhưng không thể như lúc bình thường mà phải là bình thường mới, khả thi, thực hiện được.

Việc này cần thực hiện trong thời gian sớm nhất, trước hết trong các cơ y tế, không chỉ bệnh viện mà cả các phòng khám, trạm y tế; các trường học, khách sạn, cơ sở lưu trú. Mức độ an toàn sẽ được chấm điểm. Những cơ sở chưa đảm bảo an toàn sẽ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Ngoài tác dụng thực tiễn trong phòng, chống dịch, việc tự đánh giá của các cơ sở, có kiểm tra, giám sát của ngành y tế, còn giúp người dân, cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, coi như đã hết dịch.

DDN 1747
Ảnh: VGP/Đình Nam

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nghe báo cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), về công tác chuẩn bị đón các đoàn khách ngoại giao, công vụ; chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao… nhập cảnh vào Việt Nam, đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi bàn thảo hướng giải quyết các quy trình, thủ tục để mở dần các chuyến bay thương mại, các bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, GTVT, Công an đã thống nhất chủ trương, phương án để đón thật nhanh các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước.

Mặc dù mục đích chính của việc mở các chuyến bay thương mại để đón các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật người nước ngoài… nhưng các chuyên gia cũng nêu thực tế qua thời gian triển khai một số chuyến bay thương mại quốc tế cho thấy có khoảng 90% khách là người Việt Nam. Trong quá trình làm thủ tục thực hiện cách ly, do các khách sạn chưa niêm yết công khai giá cả dịch vụ nên gây ra một số bất tiện. Bộ VHTTDL đã yêu cầu tất cả các khách sạn phục vụ cách ly tập trung phải niêm yết công khai giá cả dịch vụ, điều kiện phòng ở, sinh hoạt... lên bản đồ chống dịch.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc mở lại đường bay thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải chọn nơi an toàn, thận trọng, từng bước, tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý những hành khách có thể đến những vùng có nguy cơ dịch cao. Việc này đòi hỏi các cơ quan chuyên môn phải có hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể.

Đình Nam

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập323
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm321
  • Hôm nay42,968
  • Tháng hiện tại42,968
  • Tổng lượt truy cập41,188,422
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây