Thị xã Ba Đồn: Độc đáo Lễ hội Khai hạ làng Tượng Sơn

Thứ sáu - 31/01/2020 21:47
Vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, phường Quảng Long - Thị xã Ba Đồn tổ chức Lễ hội truyền thống Đình làng Tượng Sơn. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc của nhân dân phường Quảng Long được lưu giữ để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Thị xã Ba Đồn: Độc đáo Lễ hội Khai hạ làng Tượng Sơn
            Với nét độc đáo và lôi cuốn riêng, lễ hội cướp cù, hội vật được nhiều người dân yêu thích và tham gia rất nhiệt tình. Cũng như các lễ hội truyền thống khác, lễ hội cướp cù làng Tượng Sơn có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức vào buổi sáng tại Đình làng Tượng Sơn, theo đó, ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con nhân dân trong phường tập trung về đình làng để tổ chức lễ khai hạ đầu xuân. Lễ khai hạ được chính quyền địa phương và bà con nhân dân chuẩn bị khá chu đáo và bài bản với những nghi thức cúng tế, khai trống, khai đao, khai kiếm và khai cọn. Tại đây - trên sân đình - cũng diễn ra những màn múa quyền, múa roi, múa đao, kiếm đẹp mắt và đầy tinh thần thượng võ do các cụ cao tuổi và bậc trung niên trong làng biểu diễn. Lễ khai hạ nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu, mong muốn người dân có cuộc sống bình yên và thịnh đạt.
Trò chuyn với  chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Kỳ - con em quê hương đang sinh sống và làm việc thành phố Đồng Hới cho biết: “Dù xa quê nhiều năm rồi, nhưng đến ngày khai hạ đầu xuân, tôi và gia đình đều sắp xếp công việc để về dự lễ đình làng Tượng Sơn để cầu mong cho năm mới dân làng được no ấm và hạnh phúc”.
lam le
Nghi thức cúng tế tại tiền điện đình làng
khai roi
Những mãn biểu diễn tại sân đình trong Lễ Khai hạ
Sau phần nghi lễ tại đình Tượng Sơn, phần hội được tổ chức buổi chiều với lễ hội cướp cù và hội vật đã nổi tiếng khắp vùng phía Bắc Sông Gianh và đã được truyền tụng trong dân gian qua câu ví, rằng: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày mùng 7 về coi cướp cù”. Cướp cù là một trong những lễ hội đặc sắc của phường Quảng Long, nét độc đáo đó đã lôi cuốn bao người khắp các làng, xã, huyện lân cận và con em xa quê về tham gia lễ hội.
        Giữa ngày Xuân, dòng người khắp nơi nườm nượp kéo đến phường Quảng Long để xem lễ hội cướp cù diễn ra trên bãi cát rộng, bằng phẳng phía sau làng Tượng Sơn, sân cù được hình thành với chiều dài khoảng 200m và chiều rộng  khoảng 150m. Hai phía cuối sân, dựng hai cây tre cao khoảng 7 mét có lá cờ tổ quốc cùng cái rọ tre nhỏ làm mục tiêu ném cù.
       Sau phần nghi lễ khai hội, trọng tài cầm quả cù bước tới phát lệnh tung cù thì trận đấu được bắt đầu trong sự cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người, cùng với tiếng chiêng, tiếng trống vang dội. Đấu thủ hai bên dùng sự nhanh nhẹn, khéo léo để tranh nhau ném quả cù vào rọ trước sự cản phá của đối phương và trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem. Dù mồ hôi ướt đầm đìa lưng áo, thành viên của hai đội chơi say theo đường cù. Những cú tung cù lên cao chính xác vào rọ là tiếng reo hò vui mừng, sung sướng của đội và người xem làm sôi động cả một vùng.
          Điểm độc đáo của lễ hội này là số lượng người hai đội không hạn chế, không quy định già, trẻ, gái, trai. Đội nào huy động được nhiều người cướp được cù và ném cù vào rọ của đối phương nhiều hơn thì giành chiến thắng. Đội nào giành chiến thắng sẽ được ghi vào lịch sử hội cù của làng Tượng Sơn. 
cuop cu 1
Màn tung cọn vào lưới đẹp mắt
          Theo quan niệm của người dân nơi đây, ai cướp được cù và tung được cù vào rọ là năm mới cả đội gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Tính nhân văn của hội cù là ở chổ, dù thua hay thắng thì người chơi hai đội vẫn có phần thưởng tượng trưng của làng để lấy lộc đầu năm với sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả và kèm theo những cái bắt tay thân thiện vui vẻ.
Ông Phạm Văn Xướng - TDP Thủy Sơn - phường Quảng Long chia sẻ: “ Bản thân là con em của quê hương Quảng Long nên tôi rất tự hào với hội cướp cù và hội vật truyền thống hằng năm. Qua đây, tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa để tôn tạo và phát huy bản sắc truyền thống để thế hệ sau này luôn ghi nhớ về cội nguồn, về truyền thống văn hóa đặc trưng của địa phương”
          Sau khi kết thúc hội cướp cù trong tiếng reo hò náo nhiệt của người cổ vũ, hội đấu vật được tổ chức tại sới vật ngay cạnh sân cướp cù để các đô vật từ mọi nơi đến đây thử sức trong hội vật truyền thống đầu xuân ở phường Quảng Long. Được biết, để chuẩn bị cho hội vật, trước đó, các đô vật được tuyển chọn từ các tổ dân phố của phường để tham gia tranh tài nên không khí càng hấp dẫn khi các đô vật ganh đua quyết liệt, ngang sức, ngang tài. Cũng thông qua hội vật này để phưởng tuyển chọn các đô vật xuất sắc tham gia Hội vật truyền thống của thị xã được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm.
dau vat
Hội vật diễn ra ngay sau hội cướp cù cống hiến cho khán giả nhiều trận đấu giữa các đô vật từ nhiều nơi trong vùng
      Những ngày đầu Xuân, về Quảng Long xem hội cướp cù, hội vật mới thấy được tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe của người dân nơi đây. Có lẽ, khi tiếng trống thúc giục rộn rã, đối với người dân Quảng Long, lễ hội cướp cù và hội vật không chỉ để vui vẻ trong ngày Tết mà còn thỏa lòng đam mê thấm sâu vào máu từ bao đời nay.
       Lễ hội khai hạ đình làng Tượng Sơn đã thu hút sự tham gia không chỉ người dân trong phường mà lan tỏa ra toàn thị xã Ba Đồn và các vùng lân cận cùng về đây tham dự và cổ vũ cho lễ hội này.
Để phát huy bản sản văn hóa của địa phương và thu hút thêm du khách về dự lễ hội, ông Ngô Văn Sáu- Chủ tịch UBND phường Quảng Long cho biết: “ Trong năm 2020 này, phường sẽ trích kinh phí để tu sửa, xây dựng lại sới vậtsân cướp cù xứng tầm lễ hội, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho nhân dân và du khách hàng năm về dự lễ hội".
       Những lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian ngày Tết đã được hình thành từ lâu đời ở các làng quê, nó phản ánh một phần nào đó văn hóa, tập tục cũng như lối sống của người dân. Trong những ngày Tết cổ truyền, các lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống đã tô đậm thêm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả bài viết: Hồng Sâm - Lan Anh - Hải Long

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập368
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm359
  • Hôm nay19,155
  • Tháng hiện tại323,924
  • Tổng lượt truy cập39,843,713
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây