Họ Trần Dưới làng La Hà, xã Quảng Văn (Thị xã Ba Đồn) là dòng họ tiêu biểu có truyền thống học hành đỗ đạt khoa bảng, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Theo gia phả dòng họ Trần Dưới làng La Hà, ông tổ họ Trần Dưới là Trần Hữu Lễ, một trong những ông tổ đầu tiên lập nên làng La Hà-làng học, làng văn hiến tiêu biểu của Quảng Bình.
Nhà thờ họ Trần Dưới làng La Hà hay còn gọi là Nhà thờ họ Trần Đại Tôn làng La Hà thuộc thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, làng La Hà thuộc tổng Thuận Thị, phủ Quảng Trạch. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Phủ Quảng Trạch được đổi huyện Quảng Trạch, tổng Thuận Thị được chia thành 8 xã, làng La Hà thuộc xã Ninh Trạch.La Hà xưa, xã Quảng Văn ngày nay là vùng đất có lịch sử hình thành khá lâu đời. Hiện nay còn lại năm họ lớn: Mai, Phạm, Trần Dưới, Trần Côi và họ Tạ.
Theo gia phả dòng họ Trần Dưới làng La Hà, thủy tổ dòng họ Trần Dưới là Trần Hữu Lễ, người huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Vào thời nhà Lê Sơ, niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497), ngài đã cùng ông Tổ của các dòng họ: Mai, Phạm, Trần Dưới và họ Tạ… cùng đến vùng đất này khẩn hoang, lập ra làng La Hà. Họ Trần Dưới làng La Hà không chỉ là một trong những dòng họ có công khai khẩn, lập nên làng La Hà xưa, xã Quảng Văn ngày nay mà còn là dòng họ có truyền thống hiếu học với khá nhiều người học giỏi, thi cử đỗ đạt cao, được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình cũng như ở các địa phương; có nhiều công lao, đóng góp cho quê hương, đất nước. Người đầu tiên phải kể đến trong việc học hành đỗ đạt và thành danh của dòng họ Trần Dưới làng La Hà chính là Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn. Trần Văn Chuẩn tự là Trực Chi, sinh năm Bính Thân (1836), là tổ thứ 10 của họ Trần Dưới, làng La Hà. Thuở nhỏ, Trần Văn Chuẩn đã tỏ ra là người có tư chất thông minh, lớn lên học rộng, tài cao. Với sự tài giỏi, trí tuệ hơn người, Trần Văn Chuẩn đã được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng. Khởi đầu cuộc đời làm quan của Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn đó là được bổ chức Hàn Lâm viện Biên tu tại Tập hiền viện, sau đó thăng Tri phủ Thái Bình. Tháng 4 năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn qua đời tại quân doanh, thọ 50 tuổi. Hiện nay, mộ của ông được an táng tại khuôn viên lăng mộ của dòng họ Trần Dưới tại thôn La Hà, xã Quảng Văn.Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn vừa là một quan văn, vừa là một quan võ và có lúc là một nhà ngoại giao. Dù ở bất kỳ cương vị và chức vụ gì, ông luôn đem hết sức lực và trí tuệ của mình để phụng sự triều đình, giúp triều đình giải quyết nhiều công việc quan trọng không chỉ ở trong triều mà còn ở nhiều địa phương trên khắp cả nước.
Ngoài Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn có nhiều đóng góp cho đất nước, họ Trần Dưới làng La Hà còn có nhiều người đỗ đạt cao có nhiều cống hiến cho dòng họ, cho làng La Hà. Các thế hệ của dòng họ Trần Dưới đã cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm chỉ dùi mài kinh sử, góp phần đưa La Hà trở thành làng khoa bảng nổi tiếng, xứng danh là một trong những làng văn vật của Quảng Bình “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim”. Phát huy truyền thống của Tổ tiên dòng họ, các thế hệ kế tiếp của dòng họ Trần Dưới làng La Hà có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao, là cán bộ giữ chức vụ quan trọng ở cấp tỉnh và Trung ương có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, con cháu dòng họ Trần Dưới vừa phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Con cháu ở xa vẫn luôn hướng về quê hương, nguồn cội, tích cực đóng góp các nguồn quỹ để cùng địa phương bảo tồn, phát huy truyền thống học hành, khoa bảng của cha ông và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Nhớ ơn tổ tiên dòng họ cha mẹ, ông Trần Văn Hóa cùng vợ là bà Phạm Thị Cúc phát tâm đứng ra để lo việc xây dựng nhà thờ Họ. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ngôi nhà thờ Họ ra đời, hoàn thiện và nay đã trỏ thành di tích lịch sử của tỉnh. Sau khi xây dựng xong Nhà thờ Họ, ông cùng gia đình các con đã dốc tiền bạc, sức lực tâm huyết, vượt qua rất nhiều khó khăn trỏ ngại để xây lại Đình làng La Hà-- một di tích lịch sử cũng của tỉnh Quảng Bình tại xã Quảng Văn. Ông Trần Văn Hóa, con em dòng họ Trần Dưới làng La Hà, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn tâm sự: Chúng tôi là hậu duệ của họ Trần Dưới, làng La Hà. Nhân dịp nhà thờ họ được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh là niềm tự hào, phấn khởi vì nhà thờ họ chúng tôi là một trong năm dòng họ Đại Tôn của làng đã có công thành lập nên làng La Hà. Trong nhà thờ họ Trần Dưới thờ nhiều vị nhưng nổi bật là ông Trần Thượng Chuẩn, ông vừa là nhà chính trị, một nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà quân sự, ông là tấm gương để con cháu đời sau chúng tôi học tập và noi theo. Sau này con cháu dòng họ cũng có nhiều người đỗ đạt, có nhiều giáo sư, tiến sĩ, các doanh nhân và đây là một dòng họ mạnh trong làng. Thế hệ con cháu sau này tiếp tục cố gắng phấn đấu trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Con em của dòng họ Trần Dưới dù ở bất cứ đâu cũng luôn nhớ về cội nguồn, tự hào về dòng họ của mình, cùng nhau xây dựng dòng tộc ngày một vững mạnh, đoàn kết. Dòng họ đã lập Ban Khuyến học và xây dựng Quỹ khuyến học nhằm có chính sách động viên, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy truyền thống của cha ông, một thế hệ vàng nổi danh không chỉ ở Quảng Bình mà còn vang tiếng khắp nơi với truyền thống học hành khoa bảng, thi cử đỗ đạt, góp phần làm nên tên tuổi làng văn hiến, làng khoa bảng La Hà. Để tri ân các bậc Tiên tổ đã có công cùng các dòng họ khác khai khẩn lập làng La Hà, từ một làng quê nghèo trở thành một trong những làng văn hiến nổi tiếng, họ Trần Dưới làng La Hà đã dựng nhà thờ để làm nơi thờ tự. Theo lời kể của các cụ cao niên trong họ, nhà thờ họ Trần Dưới được dựng vào khoảng năm 1849 tại làng La Hà. Ban đầu, nhà thờ họ Trần Dưới làng La Hà được dựng đơn sơ bằng tranh, tre. Đến đầu thế kỷ XX, Hội đồng Hương lý làng La Hà đã cấp đất và cho phép năm dòng họ Đại tôn xây dựng nhà thờ riêng của dòng họ mình. Con em trong dòng họ Trần Dưới đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng nhà thờ kiên cố hơn. Đây là nơi thờ các vị Tiên tổ dòng họ Trần Dưới và những người có công trong công cuộc khai khẩn, lập làng La Hà xưa, xã Quảng Văn ngày nay; Nhà thờ có giá trị trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống học hành khoa bảng cho các thế hệ con cháu dòng họ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
Ông Trần Đình Kỷ, Trưởng Ban điều hành dòng họ Trần Dưới làng La Hà, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn trao đổi thêm: Đầu năm 2022, con cháu họ Trần Dưới bắt đầu trùng tu lại nhà thờ. Trong dòng họ đều có vua phong, vua ban cả nhưng nhà thờ chúng tôi thờ ông Trần Thượng Chuẩn là người có công trong dòng họ và thờ 47 Liệt sĩ. Sắp tới, nhà thờ được đón nhận Di tích cấp tỉnh là niềm vinh dự, tự hào của con cháu trong dòng họ. Sau này, các thế hệ con cháu dòng họ Trần Dưới đã phát huy truyền thống học hành, có nhiều người thành đạt, các cháu đạt nhiều giải học giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Năm 2010, các gia đình trong dòng họ góp công, góp của cùng nhau phục dựng Nhà thờ mới khang trang và uy nghiêm hơn ngay bên cạnh từ đường cũ và rước bài vị của Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn về thờ tự tại Nhà thờ. Con cháu dòng họ đã dành một gian riêng, trang trọng đặt bàn thờ Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn, một người con tiêu biểu làm rạng danh cho dòng tộc, cho quê hương. Hàng năm, đến ngày giỗ của ông, hậu duệ và con em trong dòng họ đều tập trung về đây chuẩn bị mâm cỗ, dâng lên ngài nén hương thơm thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với bậc tiền nhân. Ngoài việc xây dựng các hạng mục trong nhà thờ, con cháu dòng họ Trần Dưới ở địa phương cũng như ở khắp mọi miền đất nước đã thống nhất lập nguồn kinh phí để lo việc cúng bái, hương khói tại nhà thờ Tổ trong các ngày giỗ, ngày rằm, cuối tháng cũng như tu bổ, tôn tạo nhà thờ khi cần thiết. Hiện tại Nhà thờ họ Trần Dưới đã lập ra một Ban điều hành họ. Ban điều hành có trách nhiệm quản lý, phân công người bảo vệ, hương khói, cúng giỗ tại nhà thờ. Nhà thờ họ Trần Dưới làng La Hà được thiết kế theo kiến trúc truyền thống với 3 gian nhà dành cho không gian thờ cúng và hiên nhà thờ rộng phía trước, mặt quay về hướng chính Bắc. Toàn bộ khuôn viên Nhà thờ có tổng diện tích 244,71m2, gồm các hạng mục công trình: Cổng, tường bao, bình phong, nhà từ đường, miếu thờ các Anh hùng Liệt sĩ họ Trần Dưới, tạo thành tổng thể kiến trúc khá quy mô. Miếu thờ các Anh hùng Liệt sĩ: mặt quay về hướng Tây Tây Bắc, miếu gồm ba gian nhỏ với chiều rộng 3,65m, dài 2,65m, gồm 3 cửa ra vào. Bàn thờ được đặt ở gian chính giữa, xây bằng gạch và xi măng, bức tường phía sau bàn thờ khắc họ tên và năm sinh của các Anh hùng Liệt sĩ họ Trần Dưới. Từ đường nhà thờ là phần kiến trúc chính có quy mô lớn nhất trong quần thể nhà thờ họ Trần Dưới. Từ đường được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà 3 gian truyền thống của Việt Nam có chiều cao 6,7m; chiều rộng 9,5m; chiều dài 4m. Di tích là nơi giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống đạo lý, gia phong tốt đẹp của tổ tiên dòng họ, của cộng đồng dân cư làng xã, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó trong và ngoài dòng tộc. Đây còn là nơi lưu giữ hiện vật, tư liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa; nơi bảo lưu những nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng mang tính truyền thống của dân tộc, góp phần bảo tồn nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, là nhân tố, động lực thúc đẩy sự phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội của địa phương.
Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn cho biết thêm: Trước đây, xã Quảng Văn có truyền thống khoa bảng, là bát danh hương của tỉnh Quảng Bình với “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim”. Hiện tại, xã Quảng Văn có Đình làng La Hà được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, có 3 họ cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh gồm họ Tạ, họ Trần Côi và họ Trần Dưới. Phát huy giá trị truyền thống của quê hương, đình làng La Hà có nhiều lễ hội để người dân tham gia, còn ở các họ là nơi sinh hoạt cộng đồng của con cháu trong họ. Phát huy truyền thống dòng họ, con cháu trong làng phát huy truyền thống học hành của các thế hệ đi trước, góp sức xây dựng quê hương Quảng Văn ngày càng đổi mới. Di tích Nhà thờ họ Trần Dưới làng La Hà có giá trị trong việc giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống hiếu hoc, khoa cử, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha. Di tích còn có ý nghĩa giáo dục, phát huy tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên trong cuộc sống, trong việc lập nghiệp cho các thế trẻ hôm nay và mai sau. Di tích Nhà thờ họ Trần Dưới cùng với các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương như Đình La Hà, Nhà thờ họ Tạ, Nhà thờ họ Trần Côi sẽ là những địa chỉ thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu về vùng đất khoa bảng nổi tiếng ở Quảng Bình. Với những giá trị lịch sử tiêu biểu của di tích lịch sử Nhà thờ họ Trần Dưới làng La Hà gắn với sự hình thành của mảnh đất cồn nổi La Hà, tháng 9/2024, nhà thờ dòng họ Trần Dưới làng La Hà đã được UBND tỉnh Quảng Bình quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Di tích nhà thờ dòng họ Trần Dưới là nơi bảo tồn, trao truyền và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tổ tiên cho muôn đời sau.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...