Nét đẹp phong tục đón tết của người dân thị xã Ba Đồn

Thứ tư - 14/02/2018 23:24
 Thị xã Ba Đồn sau hơn 4 năm thành lập với bao bộn bề khó khăn nhưng với sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, bộ mặt thị xã đã có sự thay đổi rõ nét. Kế thừa nét văn hóa truyền thống của ông cha, người dân thị xã Ba Đồn hôm nay đang duy trì, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa trong ngày tết.
     Thờ cúng là nét đẹp văn hoá của người Việt hình thành từ bao đời nay. Phong tục thờ cúng của người dân thị xã thể hiện ở ba hình thức. Tục thờ vong linh người đã khuất; thờ thần linh; thờ cúng ở đình làng.     
        Tết truyền thống hay gọi là Tết Nguyên Đán là ngày lễ hội mở đầu cho một năm mới. Ba Đồn cũng giống như nhiều vùng quê khác của đất nước ta người dân đã sữa soạn cho ngaỳ Tết bắt đầu từ tháng Chạp (tháng 12 âm lịch). Công việc đầu tiên phải làm là người dân thường đi dãy cỏ, đắp đất, sửa sang lại phần mộ ông bà tổ tiên, những người thân trong gia đình đã khuất. Công việc "xủi mả" được tiến hành theo từng gia đình và đôi khi cả dòng họ phải làm cho tới ngày 30 Tết.
      Tiếp đến là tục cúng ông Táo (hay còn gọi là Tết ông Táo). Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng của người dân ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Qua lễ rước ông Táo người dân Quảng Bình mong muốn năm mới gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
          Trong những ngày gần Tết, con cháu trong gia đình dù có đi làm ăn xa cũng phải trở về quê hương để đoàn tụ với gia đình, kính cẩn thắp nén hương cho ông bà tổ tiên để mong cho năm mới gia đình được hạnh phúc, ấm no.. Đây cũng là dịp để bà con, anh em, con cháu quây quần bên nhau để cùng ôn lại lịch sử công đức của tổ tiên, ông bà, và nhắc nhở, động viên nhau trong công việc làm ăn cũng như vấn đề học hành. Từ đó phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mãi mãi khắc ghi, làm theo.
         Cùng với việc chạp mả là công việc sắm sửa cho ngày Tết. Ngày Tết ở thị xã Ba Đồn người dân tấp nập mua sắm, chuẩn bị rất chu đáo. Nhà nào cũng lo chuẩn bị gạo nếp, mua đậu xanh để gần đến ngày gói bánh chưng, bánh tét. 
          Từ xưa, Ba Đồn nổi tiếng với chợ phiên nên vào phiên Chợ ngày 26 âm lịch, mọi người tấp nập mua sắm. Ngoài những hàng lương thực lúa gạo, khoai sắn, hàng lâm sản, hải sản chợ còn có đầy đủ vải vóc, áo quần, hoa quả, bánh kẹo và đồ chơi Tết. Chợ Tết ở Ba Đồn không những là nơi để mua bán, trao đổi sản phẩm mà ở đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ rất vui tươi, rộn ràng thu hút nhiều người tham gia, cổ vũ làm tăng thêm không khí náo nhiệt của buổi chợ.
     Sáng mồng một tết, nguời dân thường đi thăm hỏi ông bà, cô chú bác, anh em bên ngoại bên nội, tiếp đến là thăm thầy giáo cũ. Mọi người tặng quà cho nhau và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm, sau đó mới đến là thăm hỏi bạn bè, láng giềng. Ngoài những lời chúc thì người dân thường đề cập đến chuyện làm ăn, buôn bán, học hành qua đó để trao đổi kim nghiệm với nhau, giúp nhau trong cuộc sống sắp tới....
      Thành ngữ Việt Nam có câu "đói giỗ cha, no ba ngày Tết". Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết sao cho "trẻ có bát canh, già được manh áo mới". Vì vậy mà người dân Ba Đồn cũng thường gọi là "ăn Tết".
       Nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền của người Ba Đồn chính là những quan niệm về cách ăn Tết. Ngày Tết không cần mâm cao cỗ đầy, không cần sơn hào hải vị mà người ta chuộng những sản vật bình dị gần gũi với họ. Ngày Tết còn là dịp để tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc tụng nhau. Các trò chơi ngày Tết thường biểu thị tinh thần đoàn kết tập thể mang lại sự hân hoan, phấn khởi cho cả người chơi và người xem. Vì thế ăn Tết, chơi Tết như thế nào cũng thể hiện nét văn hoá riêng của mỗi vùng quê.
          Nét đẹp phong tục lễ Tết là những giá trị văn hoá kết tinh từ hàng ngàn đời nay. Các thế hệ cha ông đi trước đã truyền lại cho con cháu những truyền thống, những tập tục tốt đẹp. Từ đó chúng ta thế hệ trẻ nên có ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị phong tục Tết truyền thống nhằm lưu giữ được nét văn hoá độc đáo của vùng đất, quê hương.
 

Tác giả bài viết:   Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập108
  • Hôm nay24,387
  • Tháng hiện tại558,452
  • Tổng lượt truy cập41,703,906
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây