Người "giữ lửa" cho trịch Kiều diễn Quảng Thủy

Thứ năm - 22/02/2018 19:32
          Sinh ra trong gia đình làm nông, có truyền thống yêu âm nhạc, bố là đội trưởng đội hát Kiều, mẹ là đào nương ca trù, ông Trần Đăng Khoa, thôn Xuân Thủy, xã Quảng Thủy đang tiếp nối truyền thống cha ông, giữ gìn môn nghệ thuật trịch Kiều diễn nơi chính quê hương mình.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới, Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành tác phẩm kinh điển, nổi tiếng, được lưu truyền và sử dụng. Ngoài việc đọc Kiều, người ta còn sáng tác ra rất nhiều loại hình nghệ thuật gắn với truyện Kiều, như ngâm Kiều, hát Kiều, thậm chí còn có cả bói Kiều... Ở xã Quảng Thủy, người dân nơi đây lại sáng tác thành trịch Kiều diễn (khi biểu diễn thì người diễn không cần hát vì đã có hát hậu trường).
  Không biết chính xác trịch Kiều diễn ở Quảng Thủy có từ bao giờ nhưng theo ông Trần Đăng Khoa thì, bố của ông là đời thứ 8, còn ông là đời thứ 9 đang gìn giữ trịch Kiều diễn của làng. Ông kể, trước khi mất, bố ông dặn dò, phải gìn giữ môn nghệ thuật dân gian này, không được để mai một theo thời gian; đặc biệt, đừng để cuốn sổ ghi chép các làn điệu bị thất lạc ra bên ngoài, rảnh rỗi nên sao chép thành nhiều bản để cất giữ cẩn thận. Ông Khoa cho chúng tôi xem những mẫu vật để biểu diễn của cha ông lưu lại như thoa cài tóc, lắc  nhạc, cài đầu và đặc biệt là cuốn số ghi ghép tỉ mỉ những làn điệu trịch Kiều diễn của người dân nơi đây.
   Khác với các làn điệu hát Kiều ở các địa phương khác, trịch Kiều diễn Quảng Thủy đặc sắc ở chỗ hát theo lối hát xuôi được biên soạn lại từ các câu thơ trong truyện Kiều; bao gồm các lối hát, như: hát cách, hát bường, hát nường, hát ru, hát hề, hát nói, hát dặm Nghệ Tĩnh... Diễn viên trịch Kiều khi diễn không cần phải hát hay, thuộc lời, mà chỉ chuyên tâm vào việc diễn, bởi mỗi tiết mục biểu diễn đã có 4 người hát hậu trường, gồm 2 nam, 2 nữ. Ngoài các nhân vật chính, như: Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Thúy Vân... thì các nhân vật phụ, như: ông, bà Viên Ngoại, Vương Quan, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh... đều được tái hiện lại trong vở kịch, vì vậy phải diễn ròng 3 đêm mới xong vở kịch này.
     Mỗi vở diễn của trịch Kiều, đầu tiên phải hát diễn tích của vở kịch để người xem hiểu hết nội dung của câu chuyện. Hiện đội hát Kiều Quảng Thủy có 18 người, trong đó 5 nam, 13 nữ, ông Khoa làm trưởng đội. Khi có dịp biểu diễn, đội tập trung về nhà ông Khoa tập luyện, người dân xung quanh nghe tiếng trống Kiều cũng kéo nhau tới xem rôm rả cả một vùng. Cũng chính vì thế nên làng Xuân Thủy hiện nay có trên 60% người dân đều biết hát Kiều, nhiều người dân các xã lân cận cũng vì mê trịch Kiều của làng mà thường xuyên đến học hát. Trước đây, vai nàng Kiều do đàn ông diễn vì phụ nữ không ai dám đóng vai Kiều vì tâm lý sợ mang số phận hẩm hiu như nàng. Hiện nay, việc lựa chọn vai Kiều dễ dàng hơn ngày trước rất nhiều, các chị em trong đội rất hăng hái khi tham gia.
  Mặc dù có tâm huyết để gìn giữ và phát huy trịch Kiều diễn sau nhiều đời, nhưng hiện ông Khoa và đội vẫn còn không ít trăn trở và khó khăn. Trăn trở lớn nhất là thế hệ thanh niên ngày nay, ngoài những người xa quê làm ăn, thì những người hiện sinh sống tại thôn Xuân Thủy và các thôn lân cận vẫn chưa mặn mà với trịch Kiều diễn, bởi họ ưa thích thể loại hiện đại hơn, chính vì vậy tìm được người ngoài gia đình để truyền lại là rất khó khăn. Mặt khác, việc “giữ lửa” chỉ xuất phát từ tâm huyết, do vậy ông và đội chỉ sử dụng số kinh phí đóng góp ít ỏi để mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ, nên hầu hết đều đã cũ và hư hỏng nhiều, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng của các buổi diễn. Cho đến nay ông và đội cũng chưa có nhiều cơ hội để giao lưu tìm hiểu và kết nối loại hình này với các địa phương khác trao đổi học hỏi kinh nghiệm, thế nên đội vẫn chỉ quanh quẩn trong cái “ao làng” với khán giả và diễn viên nhà.
Trịch Kiều diễn Quảng Thủy đang rất cần được cơ quan văn hóa, các tổ chức xã hội và đoàn thể nghiên cứu, đánh giá để bảo tồn và phát huy như một loại hình văn hóa dân gian địa phương, đồng thời hỗ trợ thêm kinh phí để đội mua sắm trang thiết bị; giao lưu với các địa phương khác có loại hình tương tự; đưa vào các chương trình hội diễn nghệ thuật dân gian... để loại hình nghệ thuật này sống mãi trong lòng người dân.
 

Tác giả bài viết: Thanh Hoa (Báo Quảng Bình)

 Từ khóa: Người

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập80
  • Hôm nay19,003
  • Tháng hiện tại611,964
  • Tổng lượt truy cập40,131,753
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây