Tết trong ký ức của mỗi người con đất Việt

Thứ năm - 15/02/2018 11:20
Vậy là một năm mới đã đến với chúng ta, đến với mỗi con người Việt Nam, còn năm cũ qua đi mang theo biết bao kỷ niệm vui buồn của đời người. Trong khoảnh khắc thiêng liêng giao hòa giữa trời và đất này, trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta lại bồi hồi, xao xuyến nhớ về những ngày Tết thuở bé…Hẳn trong ký ức của mỗi người, hình ảnh ngày Tết luôn khắc đậm trong tâm trí của mình để rồi mỗi mùa xuân đi qua, lòng người lại nao nao nhớ về những kỷ niệm xưa. Sau đây là hình ảnh ngày tết trong ký ức của tôi.
        Cuối tháng chạp, tiết trời hanh khô, se lạnh, thi thoảng lất phất vài cơn mưa phùn. Trên những cành cây khẳng khiu đâm ra triệu triệu chồi non xanh biêng biếc. Chợt giật mình nhận ra, mùa xuân đang đến rất gần. Sắc xuân len lỏi trong từng kẽ lá, khe khẽ về cùng hơi gió thở. Xuân bay bổng giữa cánh đồng hoa ngào ngạt sắc hương, dịu dàng và e ấp trên những nụ mai vàng chớm nở. Đi khắp phố phường, đâu đâu cũng tràn ngập bao khúc ca rộn ràng vui xuân đón tết. Tôi khẽ hít hương vị Tết đang phảng phất đâu đây. Trong tôi, bỗng có cảm giác lâng lâng, xuyến xao đến lạ lùng. Dường như, đó chính là cảm xúc của một đứa trẻ đang chờ đón tết về, cái cảm xúc ấy rất đỗi hoang sơ và vẹn nguyên, như những ngày còn thơ ấu.
     Trong ký ức tuổi thơ tôi, buổi sáng ba mươi tết thực sự là một ngày hội của đại gia đình. Trong cái ngày hội ấy, ai ai cũng tất bật và bận rộn, nhưng khuôn mặt luôn rạng ngời và ánh lên một niềm vui khó tả. Ba mươi Tết cũng là lúc ông tỉ mỉ trang trí mâm ngũ quả và bàn thờ gia tiên. Bà ngồi rửa lá dong bên cầu ao, trò chuyện râm ran cùng các bà các cô hàng xóm về phiên chợ sáng nay. Mẹ cặm cụi nấu cỗ cúng tất niên, vừa làm, mẹ vừa chỉ dạy cho chị gái cách làm những món ăn ngon, đậm đà hương vị Tết. Bố trải chiếu trước thềm, chuẩn bị nào gạo, nào đỗ, thịt để gói bánh chưng. Lũ trẻ chúng tôi chạy loăng quăng khắp nhà, khi thì ngó vào bếp hít hà thật lâu mùi thơm của món ăn mẹ nấu, lúc lại đứng bên ông ngắm câu đối đỏ ông vừa viết, giúp ông dựng cây nêu trước sân nhà. Nhưng có lẽ chúng tôi thích nhất là được ngồi nhìn bố gói bánh chưng và tự tay gói những chiếc bánh nhỏ xíu, vuông vức và xinh xắn cho mình. Năm nào cũng vậy, cứ trưa ba mươi Tết, mẹ lại ra vườn hái nắm lá mùi già, đun nồi nước thật to cho cả nhà tắm, như một lời cầu mong gột bỏ mọi bụi bặm của năm cũ và đón một năm mới nhiều may mắn, an lành. Nồi nước mùi già bốc khói nghi ngút, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp nhà. Cái mùi hương ấy cay cay, thoang thoảng mang đậm hồn quê, ngấm sâu vào da thịt, để rồi cho đến bây giờ và sau này tôi vẫn còn nhớ mãi.
      Chiều ba mươi Tết, chúng tôi theo ông ra đồng thăm mộ các cụ, dọn dẹp sạch những ngôi mộ và đốt nén hương trầm mời gia tiên về ăn Tết, vui vầy cùng con cháu. Giữa đất trời bao la, mùi thơm của đất, của mạ non hòa quyện với mùi khói nhang thơm nồng tạo nên một hương vị mùa xuân rất riêng và đầm ấm.
      Năm nào cũng thế, cứ sau ngày ông Công ông Táo là các gia đình lại tất bật gói bánh chưng. Cái mâm đồng được bày ra giữa nhà, cả gia đình xúm lại người rửa lá dong, người vo gạo, người thái thịt, người gói bánh… Mẹ hay sai tôi ra mua bó củi ở đầu chợ, bổ sung thêm gỗ chẻ ra từ mấy món đồ gỗ cũ là đủ luộc bánh. Sau khi xong xuôi bữa tối, tôi cùng bố xuống bếp đặt cái nồi to lên ông đầu rau, xếp bánh ngay ngắn rồi đổ từng xô nước vào cho đến khi ngập bánh là bắt đầu nổi lửa.
      Giống như những đứa trẻ khác trong xóm, tôi và đứa em gái được bố mẹ cắt cử thức trông nồi bánh. Trong cái tiết trời giá lạnh của mùa đông, ngồi kế bên bếp lửa, nghe tiếng sôi ùng ục của nồi bánh, tiếng nổ lép bép từ đống củi đang cháy giữa cái tĩnh lặng của đêm khuya, đối với tôi là những trải nghiệm không bao giờ quên. Thực ra, trông nồi bánh cũng chẳng có nhiều việc để làm, cơ bản chỉ là theo dõi để nước trong nồi không trào ra làm tắt lửa hay củi hết mà tàn bếp, vì thế hai anh em cứ thay nhau mà ngủ gật. Đến chừng gà gáy sáng, hết củi, là bánh chính. Bố xuống bếp cười xòa, xoa đầu mấy đứa bọn tôi rồi chạy ra vớt bánh, đem ép bánh cho ra hết nước là biết Tết sắp đến.
       Ký ức về ngày Tết trong tôi khi đó lung linh, kỳ diệu như ánh đèn nhấp nháy ông treo trên cây đào ở ngoài sân, có mùi nhang nồng ấm thoang thoảng bay và tiếng pháo hoa râm ran khoảnh khắc giao thừa. Tôi vẫn nhớ ngày ấy, bình thường phải đi ngủ sớm lắm thế nhưng tới đêm 30 là mẹ cho anh em chúng tôi được thức qua 12h. Vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, xóm tôi nhà nào nhà nấy thi nhau đốt pháo tạo nên những tiếng nổ rộn ràng, khói mịt mù len lỏi khắp mọi nẻo đường.
       Trong ký ức của tôi khi đó, nhà nhà đều bật bài ‘Happy New Year’ của nhóm ABBA. Những đứa bé hồi ấy khi nghe thì chẳng hiểu gì nhưng vẫn thấy bài hát này ấm áp đến lạ thường. Cứ như vậy, nhạc phẩm của nhóm ABBA dù ý nghĩa thực sự là mang không khí ảm đạm, buồn bã của ngày đầu năm mới nhưng với chúng tôi, nhạc phẩm này vẫn ăn sâu vào tiềm thức từ năm này qua năm khác và trở thành giai điệu bất tử mỗi dịp xuân về.
       Và bây giờ, dù bao năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác thiêng liêng ngày đầu năm khi được về thăm nhà thờ họ, đi tảo mộ đầu năm thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Tôi thấy trời đất vạn vật như choàng tỉnh sau giấc ngủ đông, khoác tấm áo mùa xuân tươi tắn. Những giọt nắng đầu tiên trải trên nẻo đường quê. Hương mùa xuân phảng phất đâu đây…
       Cuộc sống bây giờ nhiều bộn bề và lo toan, sau mấy ngày nghỉ tết lại phải quay lại với công việc, với cuộc sống thường ngày, thế nhưng, tôi thấy mình còn may mắn lắm, bởi vì trẻ thơ bây giờ không có được những kỉ niệm mà tôi đã từng trải qua: không được phụ bố lau lá chuối gói bánh tét bánh chưng, ngắt rễ những củ kiệu, cắt su hào cà rốt phơi khô để muối dưa hành; không có cảm giác yên lành nằm cuộn tròn bên bếp lửa và nghe bà kể chuyện cổ tích ngày xưa: “sự tích cây nêu ngày tết”, “sự tích bánh chưng bánh dày”,… Thời gian cứ thế trôi đi, tôi đã trưởng thành và không còn được đón tết như ngày xưa ấy. Nhưng đó mãi là miền ký ức đẹp gợi cho tôi nhớ về cội nguồn, về những cái Tết và một tuổi thơ êm đềm bên gia đình.

Tác giả bài viết:      Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm94
  • Hôm nay19,889
  • Tháng hiện tại612,850
  • Tổng lượt truy cập40,132,639
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây