Chậm tiến độ vì nhiều lý do...
Đến thời điểm hiện tại, khối lượng thực hiện của dự án ước đạt 66%. Trong đó, các hạng mục thuộc hệ thống trạm xử lý nước thải đạt 89%; riêng tuyến đường ống chỉ mới đạt 54% khối lượng.
Hiện nhà thầu đang tiếp tục thi công xây dựng Trạm xử lý nước thải, trạm bơm, tuyến ống áp lực từ trạm bơm số 4 về trạm xử lý và tuyến ống tự chảy lưu vực trạm bơm 1, 2, 3, 4, hoàn trả mặt bằng ở trên các tuyến đường thi công đường ống thu gom nước thải.
Ông Nguyễn Thế Hảo, Giám đốc Ban quản lý Dự án ODA Quảng Trạch (Ban QLDA) cho biết, tiến độ thi công dự án bị chậm trễ bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có quá nhiều sai sót trong quá trình khảo sát, thiết kế chi tiết, nên trong quá trình thi công rất nhiều công việc phải dừng để đợi điều chỉnh thiết kế; biện pháp thi công các tuyến cống trong khu đô thị đông đúc không phù hợp với nền cát chảy, gây tác động tiêu cực tới công trình cơ sở hạ tầng đô thị; nhà thầu chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá, báo cáo hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, các công trình của người dân trước khi thi công theo quy định; trong quá trình thi công không có kỹ sư thiết kế giám sát tác giả tại hiện trường để giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh, mà phải chờ đợi rất nhiều ngày để sửa đổi thiết kế.
Ngoài ra, do địa bàn triển khai dự án rộng, quá trình khảo sát thiết kế không lường trước được các công trình ngầm, dẫn đến khi thi công gặp công trình ngầm phải dừng lại hoặc điều chỉnh thiết kế...
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều tuyến cống phải tạm dừng rất lâu đến nay vẫn chưa được thi công dứt điểm và chậm hoàn trả mặt bằng, gây bức xúc trong nhân dân. “Thời gian tới, các đơn vị thi công sẽ tạm dừng việc thi công các đường ống, mà dồn sức vào việc hoàn trả mặt bằng trên các tuyến đường”, ông Hảo cho biết.
Áp lực của địa phương hưởng lợi
Từ khi dự án được khởi công đến nay, không chỉ chủ đầu tư, mà cả lãnh đạo địa phương và nhân dân vùng hưởng lợi luôn mong mỏi công trình hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, không phải là không có những trăn trở và lo lắng.
Ông Nguyễn Đại Phong, Chủ tịch UBND phường Ba Đồn cho hay, hy vọng khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, 100% hộ dân trên địa bàn phường (gần 2.500 hộ) sẽ là người hưởng lợi trực tiếp. Chẳng những thế, là một trong những phường trung tâm của TX.Ba Đồn có tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh, khi dự án đi vào hoạt động, về lâu dài, phường Ba Đồn sẽ giải quyết được cùng lúc những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị bền vững.
Tuy nhiên, trong thời gian dự án thi công, chính quyền địa phương cũng đã chịu rất nhiều áp lực từ phía người dân. Nguyên nhân chính là do việc thi công và hoàn trả mặt bằng đường giao thông quá chậm trễ, gây ô nhiễm môi trường, giao thông đi lại khó khăn, khiến cho người dân rất bức xúc.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận với dự án chưa được triển khai đến nơi đến chốn. Đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm thi công, dự án chỉ mới hoàn trả mặt bằng được khoảng 50% tuyến đường trên địa bàn phường. Điều lãnh đạo phường lo ngại nhất đó là việc vận động, tuyên truyền người dân đấu nối từ nhà đến điểm thu gom sau khi dự án hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng Quản lý đô thị (TX.Ba Đồn), đơn vị được UBND thị xã giao theo dõi quá trình thi công hoàn trả mặt bằng dự án, cho biết, những bức xúc của người dân là có cơ sở. UBND thị xã đã nhiều lần có công văn thông báo đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn trả mặt bằng các tuyến ống đã thi công.
Tuy nhiên, nhiều nội dung kiến nghị vẫn không được phía nhà thầu và đơn vị thi công khắc phục và giải quyết, như: trước lúc thi công, nhà thầu không thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo đánh giá hiện trạng; không thi công dứt điểm trên từng tuyến cụ thể, mà tuyến nào cũng thi công dang dở; chậm hoàn trả mặt bằng, điều này sẽ làm sụt lún, hư hỏng toàn bộ kết cấu mặt đường; việc chôn ống không được đầm nén bảo đảm theo quy định; quá trình thi công không có sự giám sát thường xuyên của đơn vị giám sát.
Vấn đề giờ đây là làm sao, trong khoảng thời gian còn lại, trong khi dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, gấp rút hoàn thành các hạng mục, chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải bảo đảm việc hoàn trả mặt bằng nhanh chóng và chất lượng.
Lo tiếp quản, vận hành công trình
Đây không chỉ là nỗi lo của chủ đầu tư dự án, mà còn là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và người dân vùng được hưởng lợi. Bởi, sau 3 năm thi công, hiện tại dự án vẫn chưa xác định được đơn vị tiếp nhận tài sản sau khi kết thúc thi công.
Ông Nguyễn Thế Hảo, Giám đốc Ban QLDA cho biết, theo báo cáo dự án đầu tư được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ thành lập Trung tâm cấp thoát nước khu vực Bắc Quảng Bình trên cơ sở chuyển đổi một phần từ bộ máy và cơ sở vật chất của Ban QLDA để tiếp nhận và quản lý vận hành hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải.
Hiện tại, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ dự án phối hợp với các ngành liên quan xây dựng phương án và thẩm định đề án về thành lập Trung tâm cấp thoát nước khu vực Bắc Quảng Bình trước quý IV-2019 để kịp thời đào tạo, chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của nhà tài trợ.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng Quản lý đô thị (TX.Ba Đồn) lo lắng: “Lãnh đạo thị xã và nhân dân trên địa bàn rất mong chờ dự án hoàn thành và đi vào hoạt động. Trong thời gian dự án tiếp tục được gia hạn triển khai, chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền cần gấp rút có kế hoạch chuẩn bị cụ thể cho bước chuyển giao nhằm đưa công trình vào khai thác, vận hành.
Ngoài ra, vấn đề đặt ra lúc này là việc đấu nối đường ống từ các hộ gia đình đến điểm hố ga thu gom. Đây là câu chuyện không nhỏ, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các hộ dân trong vùng dự án. Ai sẽ thi công lắp đặt các đường ống này?
Chi phí đầu tư thực hiện từ đâu? Đó sẽ là câu hỏi cần sớm có lời giải. Có như vậy, dự án mới phát huy hiệu quả trong thực tế. Về phía thị xã, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện”.
Dự án "Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án sử dụng tín dụng hỗn hợp của Chính phủ Đan Mạch, với tổng mức đầu tư gần 13,6 triệu EUR, trong đó vốn vay ODA Đan Mạch gần 8,9 triệu EUR, vốn đối ứng gần 4,6 triệu EUR. Quy mô của dự án là thiết kế xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải công suất 3.000m3/ngày, đêm cho đô thị Ba Đồn. Dự án được khởi công từ tháng 9-2016, theo kế hoạch sẽ được thi công trong 36 tháng (9-2019 sẽ hoàn thành). Tuy nhiên do chậm tiến độ nên dự án đã được lùi thời hạn hoàn thành đến cuối năm 2020. |
Tác giả bài viết: Dương Công Hợp
Nguồn tin: QBĐT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn