Thị xã Ba Đồn: Nhiều hộ dân gặp khó do cá lồng rớt giá.
Thứ năm - 30/05/2024 17:06
Nuôi cá lồng trên sông là một trong những hướng đi ổn định của nhiều hộ nông dân thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá các loại vật tư phục vụ sản xuất đều tăng nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng ít gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các hộ dân.
Trong những năm qua, người dân thôn Cồn Sẻ đã tận dụng các diện tích mặt nước tại sông Gianh để nuôi cá lồng, tạo thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, ở thôn Cồn Sẻ có gần 400 lồng cá, nếu như đầu ra ổn định thì thu nhập của bà con trong thôn rất bảo đảm. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá các loại vật tư và thức ăn cho cá đều tăng, khiến chi phí sản xuất của bà con nông dân bị tăng lên. Các hộ nuôi cá lồng chủ yếu là các loại cá chẽm và cá mú, thông thường cá nuôi đạt trọng lượng khoảng 1kg/con là bán được, nhưng năm nay, khi cá đạt trọng lượng xuất bán thì người nuôi lại gặp khó khăn về tiêu thụ, giá cá chẽm chỉ khoảng 90.000 đồng/kg, chưa đủ bù chi phí. Mùa mưa lũ sắp đến, nếu số cá này không xuất bán được sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện, thương lái các tỉnh đang thu mua với giá dưới 100.000 đồng/kg, nên trước mắt các hộ nuôi chỉ có thể bán nhỏ lẻ tại chợ và duy trì nguồn thức ăn cho đàn cá để chờ giá lên. Được biết, giá cá chẽm mà các nuôi mong muốn là khoảng 120.000 đồng/kg nhưng hiện tại, mức giá này rất khó tiêu thụ, kể cả mức giá dưới 100.000 đồng vẫn chưa thu hút được nhiều thương lái. Từ năm 2021 đến nay, tình trạng “cung” vượt “cầu” trong sản xuất cá lồng khiến giá cả bấp bênh và rất khó tiêu thụ. Những khó khăn này đã khiến một số hộ nuôi cá lồng tại Cồn Sẻ không còn bám trụ với nghề này. Trước những khó khăn của nông dân nuôi cá lồng đang gặp phải, các ngành chức năng của thị xã Ba Đồn cũng đã và đang nỗ lực quan tâm hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đa dạng đối tượng nuôi, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, giúp các hộ dân yên tâm gắn bó với nghề, từng bước vươn lên phát triển kinh tế.