Kế hoạch tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thị ủy với Nhân dân năm 2022.
Thứ ba - 15/11/2022 08:43
Thị ủy Ba Đồn vừa ban hành kế hoạch số 61-KH/ThU ngày 20/10/2022 về việc Tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thị ủy với Nhân dân năm 2022.
Nội dung Kế hoạch:
Căn cứ Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Quyết định số 87-QĐ/ThU, ngày 01/02/2016 của Ban Thường vụ Thị ủy về Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Ban Thường vụ Thị ủy xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thị ủy với Nhân dân năm 2022 như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Thông qua đối thoại, giúp đồng chí Bí thư Thị ủy nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; tuyên truyền, giải thích để Nhân dân hiểu và nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
2. Việc tổ chức đối thoại phải tuân thủ pháp luật; bảo đảm các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo của cấp ủy theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; đảm bảo tính dân chủ, công khai trên tinh thần hợp tác, xây dựng theo quy định của pháp luật về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
3. Không lợi dụng việc đối thoại để làm trái các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc đưa ra những thông tin không có căn cứ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân. Các ý kiến trong đối thoại phải được tiếp thu trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, được tập hợp đầy đủ, trung thực và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý.
II. CHỦ ĐỀ, NỘI DUNG, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, HÌNH THỨC ĐỐI THOẠI
1. Chủ đề đối thoại: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
2. Nội dung đối thoại: Tập trung vào 05 vấn đề trọng tâm sau đây:
- Công tác xây dựng, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
- Vấn đề huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống thoát nước đô thị.
- Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là vấn đề xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt...;
- Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông;
- Tình hình thực hiện công tác CCHC, giải quyết thủ tục hành chính.
3. Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đối thoại
- Thời gian tổ chức: Dự kiến tháng 11/2022 (thời gian cụ thể Văn phòng Thị ủy có thông báo sau).
- Địa điểm: Tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã
4. Hình thức: Hội nghị đối thoại, tọa đàm trực tiếp.
III. CHƯƠNG TRÌNH, THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ
1. Chương trình Hội nghị
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; thông qua chương trình, nội quy của buổi đối thoại và cử thư ký ghi biên bản (Văn phòng Thị ủy).
- Chủ thể đối thoại (đồng chí Bí thư Thị ủy) nêu rõ mục đích, yêu cầu và nội dung cần tập trung trong buổi đối thoại.
- Lãnh đạo UBND thị xã báo cáo về tình hình, thực trạng công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các nội dung trọng tâm của cuộc đối thoại.
- Nhân dân hoặc người đại diện phát biểu ý kiến theo thứ tự nội dung được gợi ý hoặc nội dung đã đăng ký.
- Lãnh đạo UBND thị xã, đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan phát biểu, trả lời những vấn đề Nhân dân nêu lên thuộc thẩm quyền giải quyết của mình (nếu có) khi được đồng chí Bí thư Thị ủy giao.
- Đồng chí Bí thư Thị ủy trả lời, giải thích, trao đổi, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đã nêu và kết luận cuộc đối thoại.
- Thư ký buổi đối thoại trình bày biên bản cuộc đối thoại, mời công dân, đại diện tổ chức có ý kiến đối thoại ký biên bản và kết thúc buổi đối thoại.
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể, chủ trì cuộc đối thoại quyết định việc thay đổi, điều chỉnh trình tự cho phù hợp, đảm bảo cuộc đối thoại đạt hiệu quả.
2. Thành phần Hội nghị
- Đại biểu ở thị xã: đồng chí Bí thư Thị ủy; trưởng các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thị ủy; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã; trưởng các phòng, ban, đơn vị liên quan trực thuộc UBND thị xã (Thành phần mời có giấy mời cụ thể sau).
- Đại biểu xã, phường: đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND
- Đại biểu ở thôn, TDP: đại diện chi ủy chi bộ, ban công tác Mặt trận khu dân cư và Nhân dân.
IV. Tổ chức thực hiện
1. UBND thị xã chuẩn bị báo cáo về tình hình, thực trạng công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong thời gian qua, đồng thời đề xuất giải pháp chấn chỉnh và tăng cường việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới; báo cáo gửi cho Thường trực Thị ủy khi tổ chức cuộc đối thoại 10 ngày.
2. Các ban xây dựng Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tâm trạng Nhân dân, dư luận xã hội trước khi tổ chức đối thoại; nếu có vấn đề nổi lên kịp thời phản ánh, báo cáo Thường trực Thị ủy xem xét, chỉ đạo. Riêng Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội có báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của đoàn viên, hội viên tổ chức mình có liên quan đến nội dung đối thoại và gửi về Thường trực Thị ủy (qua Văn phòng Thị ủy) trước khi tổ chức cuộc đối thoại 10 ngày.
3. Văn phòng Thị ủy có trách nhiệm:
- Tổng hợp, phân loại nội dung các ý kiến, kiến nghị, phản ánh nêu trong các báo cáo của UBND thị xã, Mặt trận, các đoàn thể để đề xuất Thường trực Thị ủy giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung trả lời tại buổi đối thoại. Công việc này hoàn thành trước khi tổ chức cuộc đối thoại 7 ngày.
- Phối hợp với Trung tâm VHTT&TT thị xã phổ biến nội dung kế hoạch này trên hệ thống truyền thanh, truyền hình thị xã.
- Phối hợp, trao đổi thống nhất với Đảng ủy các xã, phường mời đại biểu đại diện Nhân dân tham dự; xây dựng nội quy, cử cán bộ làm thư ký cuộc đối thoại; chuẩn bị hội trường và các điều kiện cần thiết để phục vụ tốt buổi đối thoại.
- Phát hành Giấy mời các đại biểu tham dự trước khi tiến hành đối thoại ít nhất 03 ngày làm việc.
- Sau khi kết thúc buổi đối thoại, chậm nhất 10 ngày làm việc, có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thường trực Thị ủy yêu cầu các ngành có liên quan giải quyết hoặc tham mưu văn bản kiến nghị cấp trên giải quyết (nếu vượt thẩm quyền) những vấn đề ghi nhận trong đối thoại.
4. Đối với Trưởng các phòng ban, đơn vị có liên quan: Tham mưu chuẩn bị tốt nội dung đối thoại khi được phân công. Khi được mời phải đến dự buổi đối thoại và tham mưu lãnh đạo trực tiếp trả lời các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân nêu lên thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết của mình.
5. Công an thị xã: Xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự cho hội nghị và an toàn cho các đại biểu tham dự hội nghị.
6. Các đảng ủy, chi ủy trực thuộc Thị ủy
- Chỉ đạo thông báo thường xuyên trên hệ thống truyền thanh của các xã, phường chủ đề, nội dung, thành phần đối thoại và nội dung kế hoạch này để Nhân dân biết, chủ động đăng ký tham gia.
- Chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể phối hợp ban công tác Mặt trận các khu dân cư nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân và những vấn đề mà Nhân dân quan tâm liên quan đến chủ đề, nội dung đối thoại, nhất là những vấn đề đã được Nhân dân kiến nghị, đề xuất nhiều lần nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Trên cơ sở đó tổng hợp các ý kiến, kiến nghị báo cáo Thường trực Thị ủy (qua Văn phòng Thị ủy) khi tổ chức cuộc đối thoại 10 ngày.
- Phối hợp Văn phòng Thị ủy mời đại biểu của xã, phường và đại diện Nhân dân trên địa bàn tham dự hội nghị (chú ý gửi giấy mời cho Nhân dân ít nhất 03 ngày trước khi tiến hành đối thoại).
- Chủ động chỉ đạo nắm tình hình tại cơ sở, kịp thời báo cáo, đề xuất Thường trực Thị ủy chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc nổi lên.
7. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, triển khai thực hiện tốt những nội dung, công việc nêu trên; quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc, báo cáo kịp thời cho Thường trực Thị ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết./.