Chiều ngày 25/3/2024, Chi hội Văn học nghệ thuật Quảng Trạch-Ba Đồn đã tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tham dự buổi gặp gỡ, giao lưu có đồng chí Nguyễn Văn Tình-ThUV-Phó Chủ tịch UBND thị xã; Nhà báo Phạm Phú Thép-Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trạch – Ba Đồn cùng đông đảo các Nhà văn, Nhà thơ đến từ Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh; hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật Quảng Trạch - Ba Đồn, các thầy, cô giáo và học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Trần Đăng Khoa là nhà thơ, nhà báo, ông hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống. Ông tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp Học viện Văn học Thế giới M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga. Ông từng là lính Hải quân, học viên Trường Sĩ quan Lục quân. Ông được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ” khi mới lên 7, 8 tuổi đã có một số sáng tác được in trên báo. Nhắc đến Trần Đăng Khoa, nhiều người nhớ ngay đến những câu thơ: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay…” (bài thơ “Hạt gạo làng ta”). Hay những câu thơ trong bài “Đánh thức trầu”: “Đã ngủ rồi hả trầu?/ Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ”... Mới 8 tuổi, Trần Đăng Khoa đã có thơ in báo và khi lên 10 (năm 1968), nhà thơ nhí đã xuất bản tập thơ “Từ góc sân nhà em”, rồi sau đó là tập “Góc sân và khoảng trời”…
Tại buổi gặp gỡ, giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ về vai trò của sách trong sự nghiệp sáng tác của mình cũng như những kinh nghiệm của bản thân trong việc học hỏi, khai thác, sử dụng ngôn ngữ của các nhà văn, nhà thơ lớn, kho tàng văn học dân gian thông qua đọc sách, báo để sáng tác nhiều bài thơ hay, nổi tiếng. Lợi ích của việc nghiên cứu, đọc sách đối với cuộc sống thực tế, đặc biệt là vai trò của sách với việc bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn cho mỗi người nói chung. Cuộc trò chuyện rất cởi mở, gần gũi và cũng rất tự nhiên, ông kể về những kỉ niệm tuổi thơ của mình, về những áng thơ hay ngày xưa đã làm.
Chương trình gặp gỡ, giao lưu là cơ hội quý giá để các đại biểu cũng như các Nhà văn, Nhà thơ của Chi hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trạch-Ba Đồn và các em học sinh được gặp mặt, giao lưu và nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự, chia sẻ. Buổi gặp gỡ, giao lưu diễn ra trong không khí cởi mở, thân tình, ấm áp, dạt dào cảm xúc văn chương bởi sự thân thiện và gần gũi của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đây cũng là sân chơi lành mạnh, bổ ích góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách cũng như trân trọng, giữ gìn, bảo vệ sách… Những giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng trong bài hát “Hạt gạo làng ta” do Trần Viết Bính phổ nhạc, lời thơ Trần Đăng Khoa được cất vang lên trong buổi giao lưu đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà thơ và đại biểu về tham dự. Dịp này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trao tặng 10 suất quà cho 10 em học sinh giỏi văn có hoàn cảnh khó khăn ở các trường THCS, THPT trên địa bàn.