Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều
Thứ sáu - 22/03/2024 13:14
Tối 21/3, tại sân Trung tâm VH-TT&TT thị xã Ba Đồn, Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn và trình diễn nghệ thuật dân gian Hát Kiều, Hát ru Cảnh Dương.
Dự Lễ có đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng các câu lạc bộ (CLB), tổ nhóm đang thực hành, bảo tồn nghệ thuật dân gian Hát Kiều, Hát ru Cảnh Dương tại các xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn. Là nơi có sự giao thoa, tiếp biến của các dòng chảy văn hóa lớn của dân tộc, Hát Kiều là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng tả ngạn sông Gianh. Trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử, những câu hát và diễn xuất Kiều vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật được hình thành như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều nhưng nghệ thuật Hát Kiều thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn cả. Hát Kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò… tập trung ở các xã: Quảng Minh, Quảng Thủy (TX. Ba Đồn), Quảng Kim, Quảng Phương (Quảng Trạch) và Châu Hóa (Tuyên Hóa).
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT phối hợp tham mưu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Hát Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”. Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3426 đưa nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, TX. Ba Đồn vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân nhấn mạnh: Hát Kiều có lịch sử đầy biến động, thăng trầm. Để có được khoảnh khắc hôm nay là một quá trình đầy khó khăn với sự cố gắng bền bỉ của cấp ủy, chính quyền và nhiều thế hệ nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật Hát Kiều. Để tiếp tục phát huy giá trị di sản, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và nhân dân cần tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Hát Kiều, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản. Mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ, vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa truyền thống. Cùng với đó, cần tổ chức đào tạo thế hệ kế cận tại các CLB Hát Kiều, trong đó tập trung ưu tiên đào tạo các học viên trẻ. Tổ chức kiện toàn, bảo đảm duy trì hoạt động của các CLB, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Quan tâm đầu tư kinh phí để hỗ trợ hoạt động của các CLB Hát Kiều; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.