Năm 2009, ca trù đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, đậm chất dân gian nhưng lại kén người nghe, người truyền dạy nên có một thời gian dài đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Để bảo tồn và gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã nỗ lực khôi phục, phát triển ca trù.
Toàn thị xã hiện có 4 câu lạc bộ (CLB) ca trù duy trì hoạt động ở các xã, phường gồm: Quảng Trung, Quảng Minh, Quảng Phong và Trung tâm VH-TT&TT thị xã. Xã Quảng Trung là nơi người dân còn gìn giữ nhiều làn điệu ca trù cổ, là một trong những địa phương thành lập được CLB ca trù đầu tiên của tỉnh. CLB ca trù hoạt động mạnh nhất hiện nay ở thị xã là CLB ca trù Linh Giang trực thuộc Trung tâm VH-TT&TT thị xã với 12 thành viên được tuyển chọn từ cơ sở, các trường học và các viên chức của Trung tâm VH-TT&TT thị xã. Điểm nổi bật của CLB này là đa số thành viên đều có tuổi đời trẻ, một số người được đào tạo bài bản tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngoài biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa do tỉnh, thị xã tổ chức, CLB ca trù Linh Giang còn tham gia truyền dạy ca trù và các làn điệu dân ca cho các CLB xã, phường, đội ngũ giáo viên dạy nhạc ở các trường học. CLB ca trù Linh Giang đã có sự đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết với nghệ thuật, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và trao truyền để ca trù tồn tại, phát triển theo thời gian.
Hiện thị xã Ba Đồn đã và đang bảo tồn, phát triển các CLB ca trù bằng các hình thức như mời các nghệ nhân ở Hà Nội và nghệ nhân tỉnh Quảng Bình tăng cường tập huấn, truyền dạy lại cho các thế hệ sau để tiếp nối, bảo tồn làn điệu ca trù. Để bảo tồn và phát huy làn điệu ca trù cần có sự vào cuộc của toàn dân, của toàn xã hội để ca trù còn mãi với thời gian.