Bài tuyên truyền về một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ hai - 27/05/2024 06:08
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương nói chung gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của bà con nhân dân. Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt, bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội. Đã rất nhiều người, gia đình đã trở thành nạn nhân của số đối tượng này. Điều này trở nên phổ biến, không phải hầu như mà là trên tất cả các tỉnh thành thuộc lãnh thổ nước ta đều có người bị hại của loại tội phạm này.
Bài tuyên truyền về một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo), mạo danh người thân, mượn tiền giải quyết việc gấp; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng thông báo trúng thưởng, gửi tin nhắn rác, hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G; trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền; Gửi quà từ nước ngoài và yêu cầu nộp lệ phí hải quan; cho vay tiền qua app ứng dụng để yêu cầu chuyển tiền thủ tục làm hồ sơ vay rồi được hoàn lại..vv. Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, điều tra xử lý của cơ quan chức năng.
Sau đây là một số thủ đoạn thường gặp:
1. Đối tượng hack các tài khoản mạng xã hội như zalo, facebook... để chiếm quyền điều khiển, sau đó bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô mạo danh người thân của bị hại nhờ thanh toán chuyển khoản hoặc gửi tiền giải quyết việc gấp vào các tài khoản ngân hàng trung gian.
2. Đối tượng mạo danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát đe dọa bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm, sau đó kết bạn zalo gửi lệnh bắt bị hại đồng thời yêu cầu bị hại kê khai và chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; sau 1 ngày nếu không có liên quan đến tội phạm sẽ trả lại tiền cho bị hại còn nếu bị hại không đồng ý thì tất cả các tài khoản ngân hàng của bị hại sẽ bị phong tỏa. Khi nhận được tiền trong tài khoản bọn chúng nhanh chóng rút tiền, xóa hết các dấu vết.
3. Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng bị lỗi xâm nhập, lỗi bảo mật hoặc khách hàng nhận được một khoản tiền nhưng lỗi giao dịch.... sau đó yêu cầu bị hại cung cấp tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã OTP để sữa lỗi hệ thống và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
4. Đối tượng gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng theo chương trình của Ngân hàng, của các công ty hoặc giao dịch mua bán, tặng quà qua mạng hoặc thực hiện cuộc gọi giả mạo cán bộ ngân hàng và yêu cầu khách hàng đăng nhập theo đường link giả mạo tương tự giao diện dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng. Sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ, để chiếm đoạt tiền.
5. Giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội ảo để đăng bài, chạy quảng cáo với nội dung “Tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… hoặc công việc bán thời gian tại nhà, với mỗi lần mua hàng, người mua được hoàn tiền, cộng thêm hoa hồng từ 10-20% giá trị đơn hàng”. Người mua tin tưởng làm theo sẽ được hướng dẫn tạo đơn và thanh toán. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ ban đầu, bị hại được thanh toán đầy đủ, nhanh chóng kèm hoa hồng như đã hứa nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham vì kiếm tiền quá dễ dàng. Tiếp đó khi người mua đặt đơn hàng lớn hơn, thanh toán nhiều hơn, đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do như sai cú pháp soạn tin, lỗi hệ thống, để dụ nạn nhân chuyển khoản thêm tiền, đồng thời dọa nếu không thực hiện theo sẽ bị mất toàn bộ tiền.
6. Giả danh là giáo viên, nhân viên y tế, bác sỹ, nhân viên của bệnh viện để gọi điện thoại đến cho phụ huynh học sinh thông báo về việc học sinh bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện cần nộp tiền gấp cho bệnh viện để điều trị và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền đến số tài khoản mà đối tượng chỉ định.
7. Làm quen, yêu đương trên mạng xã hội: Các đối tượng giả làm quân nhân, doanh nhân người nước ngoài làm quen tán tỉnh sau đó gửi quà có giá trị về Việt Nam sau đó giả làm hải quan, an ninh sân bay yêu cầu đóng phí nhận hàng mới được nhận quà.
8. Thủ đoạn chuyển tiền làm từ thiện: Đóng vai người nước ngoài muốn gửi tiền về Việt Nam làm từ thiện, bạn sẽ đóng từ thiện hộ và được nhận 20 - 30%, sau đó các đối tượng khác giả làm hải quan, an ninh sân bay yêu cầu đóng phí nhận tiền.
9. Đối tượng mạo danh CSGT gọi điện gửi thông báo phạt nguội giao thông: Các đối tượng lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, chúng tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt bằng cách chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an thị xã đề nghị bà con Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác và chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
(1) Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó. Cơ quan nhà nước tuyệt đối sẽ không làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời bà con đến làm việc trực tiếp tại trụ sở.
(2) Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính của người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Không nên chuyển tiền cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ của người bán.
(3) Khi có người thân, bạn bè nhắn tin qua zalo, fakebook để mượn tiền, thì nên dùng điện thoại gọi lại để kiểm tra kỹ, xác nhận có đúng hay không. Trong trường hợp chưa xác nhận rõ người thân, bạn bè thì không chuyển tiền.
(4) Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ mạnh của mật khẩu. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
(5) Thận trọng khi nhận các thư điện tử, kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư của người mình quen biết gửi đến hay không, không nhấp vào liên kết hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống các ứng dụng, phần mềm đáng tin cậy.
(6) Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt. Tuyệt đối cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn facebook, zalo..yêu cầu chuyển tiền. Cảnh giác với các tất cả các cuộc gọi, tin nhắn thông báo trúng thưởng hoặc có liên quan đến giao dịch ngân hàng.
Đề nghị cán bộ, đảng viên và bà con Nhân dân thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động trên đến người thân, bạn bè, đồng thời khi phát hiện các thông tin hoặc các dấu hiệu liên quan đến các đối tượng có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đề nghị báo ngay cho Công an xã, phường gần nhất hoặc theo số điện thoại trực ban Công an thị xã: 02323.513.388./.
 

Nguồn tin: Công an thị xã Ba Đồn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay15,055
  • Tháng hiện tại545,217
  • Tổng lượt truy cập36,049,711
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây