Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh “tín dụng đen”

Thứ năm - 04/07/2019 14:07
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa bàn, trong đó có thị xã ta với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, internet; núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ nhằm tạo vỏ bọc đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.
Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay trong trường hợp người đi vay chưa trả hết nợ, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và người đi vay dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 692- CV/TU về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn thị xã, Ban Thường vụ Thị ủy yêu cầu UBND thị xã, các Đảng ủy, chi ủy trực thuộc, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể chính trị- xã hội tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 05KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới; Công văn số 662CV/TU ngày 8/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen” nói riêng, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự. Tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của "tín dụng đen" và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, "tín dụng đen", lợi dụng kinh doanh cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chấp hành nghiệm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen", cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ,... vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm để triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.
 

Tác giả bài viết: Lan Anh (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay489
  • Tháng hiện tại730,285
  • Tổng lượt truy cập34,261,004
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây