Toàn dân nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng       

Thứ hai - 27/05/2019 09:27
Rừng là một hệ sinh thái có diện tích đủ lớn bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là các loài cây thân gỗ, tre, nứa. Giữa quần xã sinh vật và môi trường, các thành phần trong quần xã sinh vật phải có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Toàn dân nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng       
          Ngay từ thưở sơ khai con người đã sống dựa vào rừng, rừng là nơi cung cấp mọi thứ phục vụ cuộc sống của chúng ta. Văn minh càng phát triển, ta càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của rừng. Rừng vốn được xem là lá phổi của trái đất, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học, rừng mang lại cho con người những nguồn lợi vô cùng to lớn về vật chất và hơn thế nữa cao hơn cả giá trị vật chất rừng còn là sự sống của mỗi chúng ta, bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống hiện tại và bảo lưu cho các thế hệ mai sau. Để gúp quý vị các bạn và bà con nhân dân hiểu rõ hơn những lợi ích từ rừng mang lại chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị, các bạn và toàn thể bà con Bản tin số 1: Tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng.
          Về tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi sinh: rừng là lá phổi xanh, điều hòa khí oxi trong không khí, là môi trường sinh sống của hàng triệu loài sinh vật, tán rừng có khả năng giảm dòng chảy bề mặt, ngăn ngừa xói mòn, sạt lở đất, duy trì mạch nước ngầm lâu dài cung cấp cho sinh hoạt con người, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thủy điện. Về kinh tế, rừng cung cấp cho ta nhiều loại lâm sản như gỗ, tre, nứa, các loại lâm sản phụ, cây thuốc…, các nguồn thu từ rừng góp phần lớn trong tỷ trọng kinh tế quốc dân. Về an ninh quốc phòng rừng là nơi phòng thủ chiến lược khi có chiến tranh, là căn cứ địa vững chắc để ta đánh giặc vì rừng rất phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh du kích, lấy yếu đánh mạnh của dân tộc ta. Rừng còn có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, ...
 “Mất rừng là một thảm họa”
          Mất rừng kéo theo là một chuỗi thảm họa mà con người phải gánh chịu. Mất rừng là đồng nghĩa việc tăng phát thải khí nhà kính, gây ra sự nóng lên của toàn cầu, nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất xảy ra mạnh và phức tạp hơn mà con người là nạn nhân phải hứng chịu những thảm họa thiên tai đó. Thực tiễn cho thấy trong nhiều năm qua do con người đốt rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên rừng, chuyển đổi rừng làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, chất lượng rừng bị suy thoái cơ bản đã làm mất chức năng phòng hộ của rừng. Vào mùa khô nắng, hạn hán lại diễn ra gay gắt làm nguồn nước bị khô kiệt, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp… vào mùa mưa lũ, nước sông lên nhanh gây ra lũ ống, lũ quét, lốc xoáy kèm sạt lở đất gây thiệt hại to lớn về người và tài sản trên cả nước mà thị xã Ba Đồn cũng không ngoại lệ. Trước tình hình về công tác bảo vệ rừng, xu hướng phát triển kinh tế rừng, năm 2017, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành Luật Lâm nghiệp đồng thời ban hành nhiều văn bản dưới luật nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng điểu chỉnh các hành vi xâm hại đến rừng, định hướng phát triển ngành lâm nghiệp hiện đại.... Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng, mỗi người dân cần có ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, nghiêm chỉnh thực hiện đúng các quy định của Luật Lâm nghiệp đó là:
- Không chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.
- Không đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.
- Không săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
- Không hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
- Chấp hành các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng.
- Không tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Không khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; không xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.
- Không giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; không cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; không được phép chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.
- Không sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.
          Khi phát hiện các hành vi vi phạm xâm hại đến tài nguyên rừng như phát rừng, đốt rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật thì người phát hiện phải có trách nhiệm báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm, công an nơi gần nhất nhằm ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời góp phần giữ vững tình hình quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa phương; nếu cá nhân, tổ chức nào có những hành vi vi phạm những điều cấm được quy định tại khoản 1 đến khoản 9 điều 9 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo từng hành vi vi vi phạm được quy định tại Nghị định 35 ngày 25/4/2019 của Chính phủ như:
- Hành vi Lấn, chiếm rừng được quy định xử phạt theo điều 7;
- Hành vi vi phạm các quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp được quy định xử phạt theo điều 11;
- Vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng xử phạt theo điều 12;
- Hành vi khai thác rừng trái pháp luật xử phạt theo điều 13;
- Hành vi vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng như: chủ rừng không chấp hành các quy định về PCCCR; không thực hiện trồng lại rừng trong vụ kế tiếp; mang dụng vào rừng để săn bắt động vật rừng; đưa súc vật kéo, mang dụng cụ thủ công vào rừng để khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản trái phép; đưa trái phép vào rừng các phương tiện,công cụ cơ giới; đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô; đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh; đốt nương, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng; không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng thì xử phạt vi phạm hành chính theo điều 16.
- Hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng thì xử phạt vi phạm hành chính theo điều 17.
- Hành vi phá huỷ các công trình phục vụ bảo vệ và phát triển rừng như nhà Trạm, chòi canh lửa rừng, biển báo, bản quy ước tuyên truyền bảo vệ rừng, hàng rào mốc ranh giới rừng; bể, hồ chứa nước chữa cháy rừng; các loại phương tiện, công cụ sử dụng trong việc bảo vệ phát triển rừng; làm thay đổi hiện trạng hoặc hư hỏng các công trình đó thì bị xử phạt theo điều 19.
- Hành vi phá rừng trái pháp luật: chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ min; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị xử phạt theo điều 20.
- Hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng: Người có hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật thì bị xử phạt theo điều 21.
- Hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì bị xử phạt theo điều 22.
- Hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái các quy định của nhà nước thì bị xử phạt theo điều 23.
Nếu các hành vi vi phạm về PCCCR để gây cháy rừng; phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại lớn; mua bán, chế biến, cất giữ, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái pháp luật với khối lượng lớn vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các điều, khoản nói trên hoặc tái phạm thì xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự.
          Bảo vệ - phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đang rất quan tâm, bảo vệ rừng cần sự chung tay của toàn dân, toàn quân. Sinh thời Bác Hồ nói “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” vì vậy là công dân Việt Nam chúng ta hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung tay bảo vệ vốn rừng quý giá mà ta đang có, phát triển rừng cho thế hệ mai sau. Bảo vệ rừng, hãy hành động từ hôm nay!

Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay1,375
  • Tháng hiện tại731,171
  • Tổng lượt truy cập34,261,890
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây