Nằm dọc theo dòng Linh Giang, con sông từng oằn mình bởi bao biến cố của lịch sử, càng ngược về tây, những vùng quê của thị xã Ba Đồn càng xòe ra như chiếc quạt, ấp ôm dáng vẻ thanh bình, yên ả, đáng yêu lạ thường…
Được tách ra từ huyện Quảng Trạch năm 2013, theo Nghị quyết 125 của Chính phủ. Với tổng diện tích 16.320ha và 115.200 nhân khẩu,thị xã Ba Đồn có 6 phường vùng trung tâm và 10 xã vùng phụ cận, thường gọi là vùng nam. Năm năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sự cố môi trường biển, hạn hán, bão lũ và đại dịch Covid-19… ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự, nhất là an ninh nông thôn. Tuy vậy, thị xã đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt 15/19 chỉ tiêu. Thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 500 tỷ đồng cao nhất từ trước tới nay, sản lượng lương thực gần 28.500 tấn, giá trị sản xuất hàng năm tăng 10,22%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm, tạo việc làm 4.600 lao động/năm, 100% xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế… Thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ đã ra đời như: Tỏi Quảng Minh, nông sản sạch Quảng Hòa, ruốc biển Quảng Thọ, đũa ăn Quảng Thủy, chổi đót Quảng Phong… Hỗ trợ ngư dân vay vốn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, thiết bị hiện đại như máy dò cá ngang, đèn led dẫn dụ cá, hầm chứa hải sản công nghệ mới, phục vụ đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bờ biển thị xã Ba Đồn dài gần 7 km, các bãi biển còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, cát trắng mịn, nước trong xanh, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch biển. Nhiều xã cách xa bờ biển hàng chục cây số nhưng ngư dân Ba Đồn đã biết tận dụng thế mạnh để phát triển đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản. Đội tàu xa bờ của phường Quảng Phúc và các xã đầu nguồn như Quảng Tiên, Quảng Lộc, Quảng Minh, Quảng Văn, đặc biệt là tàu vỏ thép không ngừng phát triển. Nghề đóng tàu cũng được các địa phương chủ động, đáp ứng nhu cầu của bà con ngư dân. Diện tích nuôi thủy sản hơn 475 ha, năm 2020 thu gần 15.000 tấn, tăng 3.500 tấn so với năm 2015.
Với các xã vùng nam, một vùng quê thuần nông, đất đai không nhiều nên bà con phải chân lấm tay bùn quanh năm, những mong “đủ ăn”. Nhờ coi trọng các ngành nghề truyền thống và cần cù học hỏi, người dân nơi đây đã vươn lên vượt khó, làm giàu tại quê hương, làm nên thương hiệu các làng nghề truyền thống như: Nghề nón lá Thổ Ngọa phường Quảng Thuận, Hạ Thôn xã Quảng Tân, Vân Lôi xã Quảng Hải, La Hà xã Quảng Văn; Làng nghề tre đan Thọ Đơn phường Quảng Thọ, Diên Trường xã Quảng Sơn; Mây mỹ nghệ La Hà xã Quảng Văn, cơ khí rèn đúc Nhân Hòa xã Quảng Hòa… Những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, nhiều địa danh rất thuận lợi để phát triển du lịch, bên cạnh yếu tố thuận lợi về giao thông, các làng nghề còn lưu giữ được di tích lịch sử văn hóa, phong tục tập quán và sản phẩm đặc trưng như: Chạm khắc gỗ, may mặc, thợ nề, thợ gò, làm bánh tráng, bánh xèo, bánh chưng, bánh mật, bánh đúc… tới hàng nghìn hộ tham gia. Hy vọng trong tương lai gần, chính quyền và nhân dân thị xã tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đó, để xứng đáng là miền quê di sản. Tiêu biểu, phải kể đến nghề rèn Quảng Hòa, xuyên suốt tháng năm là những vật dụng quen thuộc, thời kỳ kháng chiến các nghệ nhân ngày đêm ăn ngủ bên lò rèn, cho ra những sản phẩm như: Mác lào, đại đao, kiếm, dao găm, bàn chông… để toàn dân có vũ khí đánh giặc. Tới lúc hòa bình, người dân cần công cụ sản xuất, các nghệ nhân Quảng Hòa đã đáp ứng hầu hết các loại dao rựa, cày bừa, liềm hái, cuốc xẻng… những vật dụng gắn bó bao đời với người nông dân để làm ra hạt lúa, củ khoai... Có ai sinh ra từ những năm chống Mỹ lại đây, mà không nhớ những mặt hàng đồ đúc Quảng Hòa, đó là các loại xoong nồi đủ kích cỡ, được đúc từ cánh bom từ trường, bom na-pan của Mỹ bằng công nghệ tự chế. Điều đặc biệt, xoong đúc Quảng Hòa “kho không lo cháy, nấu cơm không lo khét”, vì thế cơm cháy vẫn là món để lại trong ta nhiều hoài niệm. Hiện tại, theo Danh mục các loại nghề truyền thống Quảng Hòa, của Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình, chủ yếu là nghề rèn, đúc và nghề chạm khắc gỗ… Tin rằng, rồi đây xã Quảng Hòa sẽ là nơi vinh dự có nhiều danh mục di sản văn hóa về nghề truyền thống nhất tỉnh ta. *** Chúng tôilần lượt “mục sở thị” 8 di tích, danh thắng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận: Đình Hoà Ninh xã Quảng Hoà, Đình Phù Trịch xã Quảng Lộc, Đình Lũ Phong phường Quảng Phong, Đình Minh Lệ xã Quảng Minh, Điện Thành Hoàng Vĩnh Lộc xã Quảng Lộc, Di tích Lãnh binh Mai Lượng xã Quảng Sơn, Bến phà Gianh phường Quảng Thuận và phường Quảng Phúc, Đình Tượng Sơn phường Quảng Long. Cùng 7 di tích được UBND tỉnh xếp hạng: Đình làng La Hà xã Quảng Văn, Đình Thuận Bài phường Quảng Thuận, Truy Viễn Đường xã Quảng Lộc, di tích lịch sử cách mạng Trung Thôn xã Quảng Trung, Đình làng Thọ Linh xã Quảng Sơn, di tích Vụ thảm sát bằng máy bay B52 của Mỹ tại xã Quảng Sơn, di tích chiến thắng Phù Trịch - La Hà xã Quảng Lộc. Mỗi điểm dừng chân là những cảm nhận về công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Nhờ có sự quan tâm của chính quyền thị xã, các địa phương đã tôn tạo và khôi phục lại các giá trị văn hoá truyền thống, thành lập Ban quản lý để chăm sóc, bảo vệ di tích. Hàng năm, ngành Văn hóa thị xã và các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian của quê hương như: Hát Kiều làng Minh Lệ xã Quảng Minh, hát phường nón làng Thổ Ngọa phường Quảng Thuận; hội vật làng Tượng Sơn phường Quảng Long; lễ rước kiệu, thi kéo co, đánh cờ người làng Hòa Ninh xã Quảng Hòa và làng La Hà xã Quảng Văn... phát huy những giá trị văn hóa lâu đời trong dòng chảy của văn hóa hiện đại, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho mọi người, nhất là với thế hệ trẻ. Thị xã Ba Đồn hiện được cho là điểm đầu tư mới, hệ thống giao thông kết nối tới các quốc gia phía tây như Lào, Thái Lan, Myanma… ngày càng thuận lợi, các phân khúc đất nền ven sông đang thu hút sự lưu tâm của các nhà đầu tư. Với lợi thế “tam cận”, thị xã sở hữu vị trí liền kề với chợ Ba Đồn, nổi tiếng là trung tâm giao thương của cả vùng, hướng ra dòng Gianh, ôm trọn cảnh quan thơ mộng... Trong tương lai không xa Ba Đồn sẽ trở thành biểu tượng mới cho một cuộc sống có cảnh quan hài hòa, không gian hạnh phúc. Việc kêu gọi, thu hút đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền thị xã và các xã, phường. Ngoài việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh để thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thị xã luôn mong muốn các doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động tại địa bàn, tạo ra sự kết nối với Khu công nghiệp Hòn La, Cảng Gianh… để Ba Đồn có cơ hội vươn xa, trao đổi hàng hoá trong và ngoài nước. Theo ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn: “Chính quyền thị xã cam kết sẽ nỗ lực hết mình, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển, nhằm xây dựng môi trường thân thiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh thuận lợi; nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước bằng việc định hướng cho sự phát triển của các doanh nghiệp; giảm tối đa sự can thiệp hành chính không cần thiết vào hoạt động của doanh nghiệp”. Đây là tín hiệu vui, là dự báo đáng mừng không chỉ với giới doanh nhân, mà cho cả mỗi người dân thị xã trước cơ hội mới của quê hương trên đà phát triển. *** Nói về cây tỏi tía, được trồng trên đất Quảng Minh hơn 70 năm trước. Thấy được hiệu quả khi một số hộ dân mạnh dạn, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa sang trồng tỏi, bà con đã mở rộng canh tác, biến cây tỏi tía thành loại cây kinh tế chủ lực của địa phương. Đến nay, Quảng Minh có hơn 20ha chuyên canh tỏi, chiếm tới 80% đất nông nghiệp, khoảng 215 hộ ở các thôn Cồn Nâm, Minh Tiến, Tân Định và Minh Hà tham gia.Ông Nguyễn Văn Tự, người có 8 sào đất trồng tỏi hồ hởi cho biết: “Từ diện tích này mỗi năm gia đình thu được sáu, bảy chục triệu đồng. Ngoài ra, còn trồng xen lạc, mè, ớt… thu thêm hơn chục triệu nữa”. Qua bao thăng trầm, tỏi Quảng Minh ngày càng được người tiêu dùng yêu mến, khẳng định thương hiệu. Theo nhiều tài liệu, tỏi Quảng Minh (Quảng Bình) chưa nổi tiếng như tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng không thua kém về dược tính. Chính vì vậy, ngoài Quảng Minh, các xã Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Sơn đang đẩy mạnh phát triển việc trồng tỏi xen với cải, hành, rau các loại..., đưa tổngdiện tích trồng tỏi gần 43ha và hơn 400 hộ tham gia. Những năm qua, Công ty Cổ phần Biotech Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn nguyên liệu tỏi Quảng Minh (Quảng Bình) để sản xuất “Tỏi đen Biotech”. Ông Nguyễn Hữu Quyền, Giám đốc Công ty, một người con của quê hương Quảng Bình cho hay: “Với mong muốn sử dụng công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, Công ty sẽ nâng tầm giá trị của cây tỏi Quảng Minh trở thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe hoàn hảo. “Tỏi đen Biotech” có các tác dụng: Giảm Cholesterol, làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch, tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch, bảo vệ tế bào gan, điều hòa đường huyết… Đặc biệt là ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, kể cả người đang xạ trị...”.Ngoài ra, với kỳ vọng nâng cao chất lượng, uy tín của loại tỏi đặc trưng ở thị xã Ba Đồn, đầu năm 2018, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng 2-9 đã triển khai dự án tỏi đen Quảng Minh. Theo đó, Công ty vừa bao tiêu đầu ra và thực hiện các công đoạn chế biến tinh để cho ra sản phẩm tỏi cao cấp. Hiện, các sản phẩm tỏi đen, rượu tỏi đen của Công ty 2-9 đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Quảng Bình, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là tiền đề để vùng tỏi nguyên liệu của thị xã Ba Đồn tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, giúp người dân trồng tỏi có thêm động lực mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập, làm đa dạng các sản phẩm đặc trưng của thị xã Ba Đồn và tỉnh Quảng Bình.
Nói về đập thủy lợi Rào Nan, nguồn nước từ đập đã nuôi dưỡng hơn 1.400ha lúa và rau màu của các xã vùng nam. Do sự khắc nghiệt của thời tiết và 50 năm sử dụng, hiện đập đã xuống cấp, hư hỏng, gây thất thoát nguồn nước, thời kỳ nắng nóng cao điểm, không đủ nước để phục vụ sản xuất và đời sống. Việc nâng cấp, xây dựng lại đập thủy lợi Rào Nan là đáp ứng mong muốn từ nhiều năm nay của người dân thị xã nói chung, cụm 10 xã vùng nam nói riêng, nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Để xúc tiến công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Dự án Thủy lợi Rào Nan, với tổng kinh phí 350 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nâng cấp đê đập, xây dựng đập dâng và hệ thống kênh mương để cấp nước tự chảy. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt 10 xã vùng nam, 13 xã phía bắc sông Gianh và 6 xã vùng nam huyện Quảng Trạch, với diện tích 1.800ha, đồng thời đảm bảo 32.000m3 nước sinh hoạt/ngày đêm và 12.000m3 nước sản xuất công nghiệp. Ông Mai Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn bày tỏ: “Từ khi có đập Rào Nan, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt nhưng những năm gần đây công trình bị xói mòn, hư hỏng, kém hiệu quả. Khi được nâng cấp, không chỉ phục vụ sản xuất, mà còn cấp nước sinh hoạt cho 22 xã và các trường học, bệnh viện”. Vừa qua, dù một số đối tượng kích động cố tình bịa đặt, gây mất lòng tin trong nhân dân về dự án. Nhưng sau khi được tiếp cận, lo lắng của người dân xã Quảng Sơn, nơi có công trình đã được giải đáp, qua những căn cứ khoa học, đại đa số người dân đã đồng thuận. Một cán bộ Hội Phụ nữ xã Quảng Sơn, bà Phan Thị Thủy nhắn nhủ: “Trước đây do chưa nắm rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng lại đập thủy lợi Rào Nan để nhân dân khu vực hạ du có nước sinh hoạt và sản xuất, nay đã được giải thích kỹ càng, bản thân tôi mong chị em hội viên đồng tình để dự án triển khai”. Qua đây ta càng thấy rõ, ý thức cảnh giác trước các luận điệu của kẻ xấu vô cùng cần thiết. Về năng lực thu hút đầu tư, ngoài một số công trình, dự án lớn như: Cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, mở rộng tuyến đường từ phường Quảng Thọ ra biển, tuyến đường từ xã Quảng Lộc đi vùng nam, nâng cấp kè sông Gianh được triển khai thi công và lần lượt đưa vào sử dụng. Chính quyền thị xã kêu gọi nhiều dự án đầu tư trong năm 2020, với tổng số vốn gần 9.000 tỷ đồng. Hiện có 4 dự án được các nhà đầu tư lựa chọn với số vốn dự kiến 6.600 tỷ đồng. Đó là các dự án Khu đô thị Quảng Thọ và Quảng Thuận; Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại và trung tâm tổ chức sự kiện tại phường Quảng Thọ; Khu đô thị ven sông Gianh - Cồn Két phường Quảng Thuận; Khu phức hợp khách sạn từ 3- 5 sao tại phường Ba Đồn. Đồng thời, thị xã cũng kêu gọi thu hút 14 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: Du lịch, Y tế, Giáo dục đào tạo, Công nông nghiệp, Thương mại dịch vụ… tổng số vốn dự kiến 2.270 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh tế tư nhân, thị xã đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2020, có 370 doanh nghiệp với 4.560 lao động, tăng 100 doanh nghiệp và hơn 1.300 lao động, cùng 12.500 cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút gần 21.000 người; có 20 hợp tác xã, trong đó 11 hợp tác xã được thành lập mới, tận dụng và phát huy nguồn lực của địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động. *** Một chút về làng Chay bên dòng rào Nan, đầu nguồn xã Quảng Sơn. Làng có 145 hộ, trên 650 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào công giáo, sinh hoạt tại nhà thờ giáo họ Chay, giáo xứ Diên Trường. Do điều kiện địa hình giao thông cách trở, không có đất trồng lúa, đời sống bà con rất thiếu thốn, khó khăn, con em không có điều kiện đến trường. Từ khi chuyển về nơi ở mới, người ta ít gọi cái tên cũ, thay vào đó là thôn Tân Sơn xã Quảng Sơn, đời sống vật chất và tinh thần đã khá giả hơn xưa. Trước đây, nhân dân làng Chay chỉ biết khai thác rừng, thì nay họ đã là chủ rừng, toàn thôn có 72 hộ được cấp hơn 200 ha đất rừng để trồng và chăm sóc, tạo ra nguồn thu nhập chính từ rừng. Các hộ khác chăn nuôi gà vịt, trâu bò, trồng tiêu, trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật, nên đã từng bước xóa được cái đói, giảm được cái nghèo đeo đẳng nhiều năm qua. Đời sống vật chất, tinh thần và học tập của con em cũng được chú trọng, 100% con em trong độ tuổi được đến trường. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, tháng 6/2017 nhà thờ Tân Sơn đã được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong niềm hân hoan của bà con giáo dân. Từ thực tế phát triển của thị xã Ba Đồn 5 năm nhìn lại, bài học rõ nét nhất chính là các cấp lãnh đạo đã chú trọng phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, bằng những chủ trương phù hợp để chăm lo cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và giải quyết kịp thời những đề xuất chính đáng của nhân dân... Chiều về vàng tươi trên những cánh đồng vùng nam thị xã. Một tứ thơ nửa như vay mượn, nửa xuất phát từ cảm hứng của lòng mình: “Năm năm mới bấy nhiêu ngày” Có dân chung sức đổi thay mọi bề…!
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...