Làng Trung Thủy, xã Quảng Thủy (TX. Ba Đồn) bao đời thuần nông vì vậy không khỏi ngỡ ngàng khi nay lại có Hợp tác xã (HTX) sản xuất đũa gỗ mỹ nghệ do chính trai làng Lê Thanh Triển làm giám đốc.
Về xã Quảng Thủy hỏi thăm Triển "đũa gỗ", người dân ai cũng biết và tận tường chỉ lối trong sự trân trọng tự hào, bởi các sản phẩm của HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy không những đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao duy nhất của cả TX. Ba Đồn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương mà còn dần tìm được chỗ đứng ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...
"Ngược dòng" bỏ phố về quê
Xưởng sản xuất của HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy nằm lọt giữa làng quê nghèo thôn Trung Thủy, được quy hoạch theo ô bàn cờ. Hôm chúng tôi đến thăm, anh giám đốc làng đang loay hoay nghiên cứu những mẫu sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu thị trường. Cái biệt danh Triển "đũa gỗ" được người làng gọi thân thương kể từ khi anh về đây khởi nghiệp.
Năm 2009, vừa thi xong tốt nghiệp đại học Quy Nhơn (Bình Định), anh Triển đi theo giấc mộng Nam tiến vào "miền đất hứa" TP. Hồ Chí Minh để kiếm việc làm và tìm cơ hội đổi đời. Sau đó, anh được nhận vào làm tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), người yêu từ thuở đại học (nay là vợ) của anh cũng vào làm kế toán tại một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất Sài Gòn.
Cuộc sống ở nơi đô thành dù áp lực, nhưng với thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng, chưa nói giàu có nhưng cũng đủ dư dả. Như lời anh Triển tâm sự, bạn bè lúc học đại học vào làm nhà nước đều ao ước thu nhập như vậy chứ đừng nói chỉ thuần nông như ở quê.
Vốn nghĩ cứ "tà tà kiếm cơm", gom tiền mua nhà định cư ở thành phố luôn thì đến khoảng năm 2013, khi được cử sang Nhật Bản công tác, quỹ đạo nhân sinh của Triển "đũa gỗ" bắt đầu rẽ hướng khi đi tham quan một xưởng chuyên sản xuất đũa gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Với bản tính ham học hỏi, nhanh nhẹn, sáng tạo lại hoạt ngôn, anh Triển nhanh chóng làm quen và học được những kỹ thuật cơ bản cũng như cách thiết kế những sản phẩm này.
Mấy tháng sau, khi về nước anh Triển ôm ấp ý tưởng mở xưởng. Sau nhiều thời gian cất công tìm tòi, nghiên cứu và nhiều lần thất bại, sản phẩm đũa gỗ đầu tiền cũng được ra lò và dần tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Anh Triển kể, đến cuối năm 2017, sản phẩm đũa gỗ mỹ nghệ, chủ yếu là hàng cao cấp của vợ chồng anh chiếm khoảng 70% thị trường của chợ đầu mối Bến Thành, một trong những chợ lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Hai vợ chồng cũng bỏ luôn công việc nhiều người mơ ước để tập trung vào xưởng sản xuất đũa gỗ. Công việc đang ổn định, thu nhập tốt bỗng dưng năm 2018, giao lại cho người làm quản lý, anh Triển dắt vợ con về quê thành lập HTX Sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy.
Cú "lội ngược dòng" của anh Triển khiến người làng mắt tròn, mắt dẹt bàn vào tán ra. Bởi cả làng làm nông từ bao đời nay, nay thằng Triển, con em làng ly hương cũng thuộc diện "sáng sủa" bỗng dưng bỏ phố về làng làm đỗ mỹ nghệ. Nhưng anh Triển lại nghĩ khác, về quê là để cống hiến trí tuệ và sự sáng tạo...
Giấc mơ đũa gỗ vượt biên giới
Về quê, mọi thứ dường như bắt đầu từ vạch xuất phát. Từ việc xây nhà xưởng, đặt chế tạo thêm máy móc, tìm nguyên liệu, nhân công... và khó khăn nhất là đầu ra. Bắt đầu thuê những người khéo tay trong làng, anh Triển bắt tay chỉ việc từng người để tập làm quen với các công đoạn sản xuất.
Anh Triển kể, mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng ở TP. Hồ Chí Minh xưởng của anh chủ yếu sản xuất các mặt hàng cao cấp. Còn về quê để gây dựng được thương hiệu, anh phải bắt đầu từ những sản phẩm bình dân, chủ yếu là đũa làm từ gỗ, gỗ dừa, thìa, gáo gỗ...
Sau nhiều cố gắng, thương hiệu đũa gỗ Quảng Thủy cũng được thị trường đón nhận. Hiện nay, bình quân mỗi tháng HTX xuất bán khoảng 120 ngàn đôi đũa gỗ, đồng thời tạo thu nhập ổn định thường xuyên cho khoảng 20-30 lao động địa phương từ 5-8 triệu đồng/người/tháng và khoảng hơn 30 hộ gia đình nhận sản phẩm gia công tại nhà.
Hành trình về quê khởi nghiệp kể thì tưởng đơn giản, nhưng cũng lắm gian nan, đến nỗi nhiều lúc anh Triển nghĩ phải bỏ cuộc. Nhất là vào thời điểm lũ lụt lịch sử tháng 10/2020, toàn bộ máy móc, nguyên liệu, thành phẩm chưa kịp xuất bán trôi theo dòng nước lũ. Anh Triển tâm sự, thời điểm đó thật khó khăn, mọi việc đang dần đi vào quỹ đạo thì gặp thiên tai, mất trắng hết. Sinh ra ở vùng lũ, vốn đã quen, nhưng lũ rút thấy mọi thứ ngổn ngang, nản lắm, tính vào lại thành phố nhưng bà con, công nhân trong xưởng tự rủ nhau tới giúp dọn dẹp, động viên nên tự nhủ lòng mình phải cố gắng. Gắng để giúp mình, giúp cho bà con và cả quê hương.
Mặc dù, thương hiệu đũa gỗ Quảng Thủy đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa, cho thu nhập ổn định nhưng anh Triển luôn ôm ấp giấc mơ thương hiệu sẽ khẳng định được ở những thị trường khó tính ở các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Anh Triển cho hay, năm vừa rồi các loại đũa gỗ đã xuất ngoại sang Hàn Quốc nhưng phải qua công ty trung gian. Năm nay, anh đang nghiên cứu và sắp cho ra dòng sản phẩm với công nghệ Sơn Ta, loại đũa gỗ được đánh bóng bởi hợp chất tinh dầu cây Sơn Ta (có nhiều ở tỉnh Phú Yên) và nhựa thông rất được thị trường các nước Đông Á ưa chuộng. Dự kiến, trong năm này, HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy sẽ xuất được khoảng nửa triệu đôi đũa sang thị trường này.
Anh Triển cũng chia sẻ, hiện nhu cầu thị trường về đũa gỗ chất lượng cao là rất lớn, HTX của anh sẵn sàng liên kết với các đơn vị khác để nhận các đơn hàng lớn, đặc biệt là xuất khẩu ra nước ngoài.
Các sản phẩm của HTX Sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2021; các loại đũa gỗ mỹ nghệ dòng cao cấp hơn được làm từ chất liệu sừng, xương, ngọc trai, ốc xà cừ... có giá trị thẩm mỹ cao, chất lượng tốt đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao.