Được chính sách hỗ trợ khai thác hải sản vùng biển xa theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “tiếp sức”, những năm qua, hàng nghìn ngư dân Quảng Bình đã vươn khơi bám biển. Nhiều ngư dân mạnh dạn đóng tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ. Đối với họ, vươn khơi bám biển không chỉ để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chính sách tiếp sức ngư dân
Những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm làng biển Quảng Phúc (TX. Ba Đồn), một trong những làng biển có đội tàu khai thác hải sản xa bờ lớn trong tỉnh. Trong cái se lạnh, người dân đang hối hả, tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển mới. Dưới bến thuyền, những con tàu nối đuôi nhau rẽ sóng vươn khơi.
Hướng ánh nhìn về phía cảng, ngư dân Nguyễn Tiến Kềm hồ hởi khoe: “Nối nghiệp cha ông đi trước, ngư dân Quảng Phúc luôn kiên cường bám biển. Những con tàu công suất lớn dần thay thế những ghe thuyền nhỏ vượt sóng ra khơi. Được sự quan tâm của Nhà nước, ngư dân Quảng Phúc mạnh dạn đầu tư đóng hàng trăm chiếc tàu lớn vươn khơi, hướng thẳng về ngư trường Hoàng Sa”.
Ông Kềm là một trong những lão ngư có nhiều năm gắn bó với biển. Ông kể làng biển Quảng Phúc xưa rất nghèo, người dân quanh năm chỉ đánh bắt cá trên những chiếc ghe nhỏ, sáng đi tối về. Thu nhập từ nghề biển không được là bao, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhưng Quảng Phúc nay đã khác rồi, nhà cao tầng, mái ngói đỏ tươi mọc san sát nhau, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn... Tất cả đều nhờ vào biển, nhờ những con tàu công suất lớn mang theo lộc biển trở về.
Những con tàu công suất lớn mà ông Kềm nhắc đến là đội tàu đánh bắt xa bờ của làng biển Quảng Phúc. Hàng chục năm trước, ngư dân Quảng Phúc đã bắt đầu đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ nhưng phải đến năm 2010, khi chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa ra đời theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân như được tiếp sức. Những chiếc tàu công suất lớn từ đó nối đuôi nhau ra đời. Theo đó, mỗi tàu đánh bắt tại các vùng biển xa được hỗ trợ 4 chuyến/năm, tùy theo công suất, mỗi chuyến được hỗ trợ từ 25-100 triệu đồng. “Quyết định số 48 như lực đẩy giúp ngư dân mạnh dạn vay vốn cải hoán, đóng tàu công suất lớn. Và tàu lớn xa bờ đã làm đổi thay bộ mặt làng biển Quảng Phúc”, ông Kềm chia sẻ.
Hơn 30 năm gắn bó với biển, với những thăng trầm, khó khăn sau mỗi chuyến vươn khơi nhưng đối với ngư dân Nguyễn Đình Đảo (phường Quảng Phúc) được đi biển, được “sống” với biển đã là hạnh phúc. Anh kể, anh gắn bó với biển từ những năm mười tám đôi mươi, trên những con ghe nhỏ cùng cha đánh bắt gần bờ.
Sau nhiều năm bám biển, được Nhà nước tạo điều kiện, anh Đảo đã mạnh dạn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, hướng tới những ngư trường rộng lớn. Năm thời tiết thuận lợi, tàu của anh tham gia đánh bắt từ 12-15 chuyến, chủ yếu những ngư trường xa. Mỗi chuyến anh đánh bắt được 5-7 tấn cá, cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Theo chính sách từ Quyết định số 48, từ năm 2014 đến nay, anh Đảo đã được hỗ trợ phí nhiên liệu 28 chuyến với số tiền hàng tỷ đồng. Số tiền này giúp anh thêm tự tin trong những chuyến vươn khơi xa bờ.
“Những chuyến biển xa mang lại nhiều thứ cho gia đình tôi. Trong đó có cả tổ ấm, việc học hành của con cái và cả những cái tết ấm áp sum vầy. Đối với chúng tôi, đó là sự hỗ trợ thiết thực, là nguồn động viên lớn lao”, anh Đảo chia sẻ.
Vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền
Giữa biển khơi rộng lớn, cuộc sống của ngư dân dù còn nhiều thiếu thốn, đối mặt với hiểm nguy nhưng họ vẫn ngày đêm kiên cường bám biển. Chính khát vọng mưu sinh cùng lòng yêu nghề đã giúp họ vượt qua gian khó, bám biển làm giàu. Những chuyến tàu cập bến đầy ắp cá, tôm đã tạo thêm động lực, khí thế để ngư dân tiếp tục vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với ngư dân Nguyễn Văn Long, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn), ngoài mưu sinh, ông còn quan niệm rằng: “Biển của ta, ta khai thác giữ gìn. Hơn 40 năm gắn bó với biển, tôi đã xem biển là quê hương thứ hai. Tôi luôn chấp hành nghiêm những quy định của Nhà nước trong quá trình khai thác hải sản xa bờ. Tham gia đánh bắt trên lãnh thổ vùng biển nước mình vừa giữ ngư trường truyền thống, vừa khẳng định rằng biển của Việt Nam, thì người Việt Nam có quyền khai thác đánh bắt và bảo vệ. Cùng với tổ đoàn kết trên biển, chúng tôi luôn đồng hành, tương trợ lẫn nhau mỗi lúc vươn khơi”.
Những ngày cuối năm, ngư dân làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) như hối hả, tất bật hơn vì chuẩn bị cho những chuyến ra khơi cuối cùng của năm cũ. Với ngư dân, những chuyến biển này mang hơi ấm của cả cái Tết nên họ đặt rất nhiều kỳ vọng.
Ngư dân Nguyễn Vinh Bảo, chủ tàu cá QB93588 TS ở thôn Thượng Giang chia sẻ: “Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân gặp nhiều khó khăn hơn, nhiều chuyến đi biển chỉ đủ chi phí nhưng tôi chưa bao giờ có ý định “bỏ” biển, bởi với chúng tôi, đó là một phần máu thịt, là nghề truyền thống từ bao đời ông cha ta gìn giữ và phát triển. Dù có khó khăn thế nào, chúng tôi đều sẽ vượt qua, kiên trì bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống của quê hương”.
Với ngư dân, khi con tàu cập bến cũng là lúc hành trình mới lại bắt đầu, hành trang của họ mang theo giữa muôn trùng biển khơi là sự “đồng hành” của quê hương. Chính sách hỗ trợ khai thác vùng biển xa đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của bao thế hệ ngư dân Quảng Bình.
Quảng Bình có 6.792 tàu cá (chiều dài từ 6m trở lên), trong đó có trên 1.200 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang tham gia đánh bắt tại các ngư trường xa. Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, từ khi thực hiện Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Quảng Bình đã hỗ trợ hơn 2.000 tỷ đồng cho các tàu cá khai thác vùng biển xa. Chính sách này đã hỗ trợ một phần kinh phí quan trọng giúp ngư dân có điều kiện trang trải chi phí, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Ngư dân Quảng Bình không chỉ tham gia khai thác hải sản hiệu quả, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mà còn là lực lượng quan trọng tham gia giữ gìn chủ quyền biển, đảo.