Thị xã Ba Đồn: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ Khoa học - Công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp.
Thứ bảy - 27/11/2021 10:07
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã Ba Đồn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và có những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân và thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Xác định khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy, tạo đà cho phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống của người nông dân. Vì vậy thời gian qua, trên địa bàn thị xã Ba Đồn, các hoạt động khoa học và công nghệ đã được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra và có những bước chuyển biến tích cực. Từ năm 2020 đến nay, thị xã đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các mô hình chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm; tiến hành thẩm định, tuyển chọn đối với "Dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo sạch trên địa bàn thị xã Ba Đồn" của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh với diện tích thực hiện dự kiến 100 ha tại 05 xã, phường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và triển khai các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu; phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của các mô hình gồm: Mô hình rau quả nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, mô hình rau sạch Vietgap tại phường Quảng Long; trồng rau theo công nghệ tưới thủy canh hồi lưu tại phường Quảng Thọ; trồng Dừa xiêm chống chịu hạn, mặn tại các xã Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Tân; sản xuất giống lúa DT39 theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm tại các xã Quảng Tiên, Quảng Hòa; liên kết theo chuỗi giá trị với Tập đoàn Sản xuất phân bón Sông Gianh tại các xã, phường. Bên cạnh đó, thị xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện 05 mô hình trên địa bàn thị xã gồm: 02 mô hình trồng Dừa xiêm tại Quảng Văn, Quảng Tiên; 02 mô hình rau nhà màng tại Quảng Phúc, Quảng Long và mô hình sản xuất khoai lang Hoàng Long tại Quảng Phúc; hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh ở cây tỏi, theo đó vụ tỏi Đông Xuân năm 2020- 2021 cây tỏi sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt 20 tạ/ha, giá tỏi thành phẩm cao hơn các năm trước, giá trị kinh tế thu về ước đạt 120 triệu đồng/ha. Mặt khác, thị xã cũng hướng dẫn các chủ thể sản xuất phân tích mẫu, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm và xây dựng bao bì nhãn mác sản phẩm Chương trình OCOP năm 2021 (Cơ sở sản xuất Ram; Cơ sở sản xuất Cơm cháy; Cơ sở sản xuất, kinh doanh Cá Chuối Quảng Thuận; Cơ sở sản xuất, kinh doanh Bắp rang Cát Quảng Phúc; Tổ hợp tác sản xuất Nón lá Quảng Hải); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hồ sơ để tham gia phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021 gồm: Rau sạch Quảng Thọ, Nem Quảng Long, Gạo Quảng Hòa. Để khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, sáng tạo trong cách làm giàu, thị xã Ba Đồn đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhân rộng giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền về các kiến thức khoa học kỹ thuật công nghệ trong Nhân dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng lên. Một số hộ dân đã tích cực khảo sát, thực nghiệm và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thị xã; mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Điển hình là mô hình trồng rau theo công nghệ tưới thủy canh hồi lưu của anh Nguyễn Hữu Việt (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn). Với các loại rau cơ bản như: Xà lách, cải, rau mầm, tầng ô, hành, ngò… sản phẩm đã được người dân trên địa bàn đón nhận. Cùng với đó, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Hoàng Nam Doan, anh Võ Minh Sáng với công nghệ tưới nhỏ giọt Isearen cũng đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã vẫn còn hạn chế, quy mô nhỏ nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, nhất là việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa thật sự mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phương thức canh tác chủ yếu theo phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hướng dẫn, làm thoái hóa đất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm...; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn ít, các mô hình chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ Khoa học - Công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ và lĩnh vực khác nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả; tập trung chỉ đạo, theo dõi các mô hình như trồng dừa xiêm, lợn hữu cơ… để có định hướng nhân rộng mô hình sản xuất; phối hợp với sở Khoa học - Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho sản xuất nông - lâm - ngư - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo quy hoạch công nghệ cao của tỉnh; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của thị xã Ba Đồn; đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ sản xuất và dịch vụ; tăng cường phổ biến các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật công nghệ trong nhân dân.