Tết cổ truyền dân tộc đã cận kề, nhà nhà đang náo nức chuẩn bị để đón một cái Tết đầm ấm, đoàn viên sau những ngày khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường… Vì vậy, người dân cần chung sức, đồng lòng tự giác thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch để đón Tết an toàn.
Thay đổi nếp sinh hoạt
Đến làn sóng dịch thứ tư, Quảng Bình mới bắt đầu ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng. Đặc biệt, cuối tháng 8/2021, từ chuỗi lây nhiễm Cảng cá Nhật Lệ, Quảng Bình bắt đầu bùng phát dịch trên diện rộng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng phát sinh nhiều ổ dịch mới phức tạp liên quan đến những nếp sinh hoạt thường nhật của người dân từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc chống dịch của tỉnh cũng như đời sống của nhân dân. Điển hình là ổ dịch tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đầu tháng 11/2021, xuất phát từ một công dân về từ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức đám giỗ cho người thân. Sau đám giỗ đã phát sinh một ổ dịch lớn tại các xã Thượng Hóa, Trung Hóa, Yên Hóa (Minh Hóa). Nhiều thôn ở các xã này phải phong tỏa để chống dịch. Qua điều tra truy vết đã ghi nhận gần 80 ca F0 liên quan đến trường hợp này.
Hay gần đây là ổ dịch ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch) liên quan đến ngày lễ Noel của đồng bào vùng giáo. Người dân tập trung đông người đi lễ tại nhà thờ đã làm lây lan dịch bệnh. Ổ dịch này đã ghi nhận 175 F0. Số F0 tăng nhanh, Quảng Trạch đã quyết định phong tỏa thôn Xuân Hải với gần 1.000 nhân khẩu để cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà.
Mới đây nhất, ngày 9/1/2022, lại xuất hiện ổ dịch phức tạp tại chợ Cuồi, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) cũng liên quan đến việc tập trung đông người thường xuyên đi lễ nhà thờ của đồng bào công giáo.
Theo bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết, qua điều tra dịch tễ, xác định ổ dịch phức tạp vì liên quan đến các sơ ở nhà thờ và đặc biệt là chăm sóc trẻ tại Nhà trẻ Bác Ái. Các sơ còn có lịch trình đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nên số ca bệnh tăng nhanh. Liên quan đến ổ dịch này đã ghi nhận 107 F0. Đến thời điểm này, ổ dịch chợ Cuồi đã được khống chế, không còn ca mắc mới, các thôn Chợ Cuồi, Thanh Tiến đã được gỡ bỏ phong tỏa.
Việc thay đổi một thói quen, nếp sinh hoạt cộng đồng không phải là chuyện dễ dàng nhưng vẫn có thể làm được nếu mỗi một người dân đều nêu cao ý thức phòng, chống dịch, tự giác thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế, của chính quyền địa phương.
Chị Trần Thị Vân ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ, cư dân làng biển có nếp sinh hoạt cộng đồng, gần gũi, sau mỗi chuyến vươn khơi, các gia đình bạn thuyền lại tụ tập ăn uống, hát karaoke xuyên đêm. Nhưng từ khi dịch bùng phát, việc tụ tập ăn uống, hát hò ở các gia đình có chiều hướng giảm. “Nhưng Tết đến, xuân về chắc mọi người cũng khó kiềm chế niềm vui… Để góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, những ngày qua, tôi cũng như các thành viên trong gia đình cố gắng thuyết phục, động viên họ hàng, anh em hạn chế đi lại và thực hiện nghiêm thông điệp 5K để đón Tết an toàn”, chị Vân bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Vinh ở phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) cũng chia sẻ: “Trước đây, hàng năm đến ngày giỗ bố mẹ, đại gia đình chúng tôi luôn tụ họp đông đúc, thường tổ chức trên dưới 20 mâm cỗ đón con cháu xa gần nhằm tạo mối gắn kết họ hàng. Nhưng dịch bùng phát, nhất là những ngày qua lại xuất hiện ổ dịch ở chợ Ba Đồn, nên gia đình tôi đã quyết định chỉ làm một mâm cỗ giỗ bố mẹ đúng ngày, không tổ chức rình rang như những năm trước để tránh lây lan dịch bệnh cho mọi người...”.
Hay một nét đẹp truyền thống của người dân vùng Nam thị xã Ba Đồn, đó là con cháu các dòng họ dù đi đâu, ở đâu đến tháng Chạp hàng năm đều tụ họp về quê để chạp mả ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân trước khi đón Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều dòng họ đã quyết định chạp mả “sáng trăng” (có nghĩa là không tụ tập ăn uống), hạn chế người tham gia. Mỗi gia đình chỉ cử một vài người để tập trung làm vệ sinh khuôn viên lăng mộ tổ tiên, thắp hương tri ân và sau đó ai về nhà nấy… Nỗ lực đó đã góp phần không nhỏ trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Đón Tết nhưng không quên chống dịch
Những ngày giáp Tết là thời điểm người dân tập trung mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Các đơn vị, cá nhân tổ chức gặp mặt tất niên tại gia đình, nhà hàng. Người dân từ mọi miền đất nước tấp nập trở về quê đón Tết bên gia đình… tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Bác sỹ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế nhận định: Thời gian vào dịp gần Tết Nguyên đán, số lượng người về quê ăn Tết sẽ tăng nhanh, việc nới lỏng các quy định, tạo điều kiện cho người dân về quê có thể sẽ làm tăng số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến thể Omicron, nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới, tỉnh ta có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron. Nếu Quảng Bình có ca nhiễm biến chủng Omicron và với ghi nhận về tốc độ lây lan nhanh của biến chủng này thì sẽ không tránh khỏi việc phải đối diện với tỷ lệ số ca nhiễm tăng cao. Theo đó, số bệnh nặng có thể tăng, chủ yếu tập trung vào nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền và việc ghi nhận thêm các ca tử vong là khó tránh khỏi.
Vì vậy, ngành y tế yêu cầu tất cả các trường hợp trong thời gian tự theo dõi sức khỏe không được tụ tập và đến nơi đông người, nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... thì báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định; nếu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh là chuyên gia, công dân Việt Nam từ nước ngoài về lưu trú, làm việc tại địa phương, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân không đến các khu thương mại, dịch vụ, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, sân bay… nếu có một trong các biểu hiện, như: Mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở; luôn thực hiện thông điệp 5K, trong đó lưu ý đeo khẩu trang đúng cách và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định; hạn chế tiếp xúc với người khác; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn…
Cùng với đó, nguồn vắc xin phòng Covid-19 được phân bổ, ngành y tế sẽ cố gắng đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin trong dịp Tết Nguyên đán, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa tiêm đủ liều vắc xin; đặc biệt, khẩn trương triển khai tiêm cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên đạt mục tiêu bao phủ vắc xin cộng đồng...
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình: Người tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ mũi vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng quan trọng nhất là ít người trở nặng, tỷ lệ tử vong thấp, giảm khả năng lây nhiễm và thậm chí nhiều trường hợp không có triệu chứng.
Từ khi áp dụng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT từ 20/10/2021 đến nay, tỉnh ta ghi nhận thêm 3.425 trường hợp mắc Covid-19, trong số đó có trên 80% trường hợp không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Đó là một trong những tác dụng của vắc xin mà chúng ta có thể nhìn thấy trên thực tế. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện hiệu quả các yêu cầu: 5K + vắc xin + ý thức của nhân dân sẽ bảo đảm một cái Tết bình an đến với tất cả mọi nhà.