Đổi thay một miền quê

Thứ năm - 18/06/2020 14:14

Đổi thay một miền quê

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, mảnh đất năm xưa bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh nay đã "vươn mình đứng dậy", không ngừng phát triển ngày càng giàu mạnh hơn. Nông thôn mới (NTM) đã và đang làm thay đổi diện mạo quê hương Quảng Sơn từng ngày.
Từ vụ thảm sát năm 1973
 
Sau tội ác gây ra ở Khâm Thiên vào ngày 26-12-1972 và thất bại nặng nề suốt 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội cùng sự lên án mạnh mẽ của dư luận quốc tế, quân đội Mỹ ném bom hạn chế Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở vào. Thế nhưng, vào một buổi chiều đông năm 1973, giặc Mỹ đã tổ chức oanh kích bằng máy bay B52 xuống xã Quảng Sơn, giết chết nhiều người dân vô tội.
 
Theo lời kể của bà Đinh Thị Diễn, sinh năm 1933, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn từ năm 1965 đến 1975, lúc đó khoảng 17 giờ chiều ngày 2-1-1973 ngay trong những ngày nghỉ Tết dương lịch, một phi đội gồm 3 máy bay B52 bất ngờ đột nhập từ phía tây Trường Sơn dội bom vào xã.
 
“Lúc đó, tôi và đồng chí Trần Đình Dũng (chủ nhiệm HTX Thọ Linh lúc bây giờ) đang bàn bạc công việc ở HTX thì nghe một loạt bom nổ ầm ầm, chát chúa. Sau khi chúng hết oanh tạc, chúng tôi ra khỏi hầm trú ẩn và trước mắt là khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Rất nhiều người chết, trong đó, có gia đình ông Trần Đình Lức cả 7 người không còn ai sống sót."
Một góc Quảng Sơn hôm nay.
Một góc Quảng Sơn hôm nay.

Sợ bị ném bom lần nữa, người già và trẻ em được đưa đi sơ tán khắp nơi; còn đàn ông và thanh niên ở lại lo cấp cứu người bị thương và mai táng người chết. Mặc dù trời tối, nhưng công tác tìm kiếm, cấp cứu nạn nhân vẫn được các lực lượng và nhân dân tiến hành rất khẩn trương. Dãy thi hài ngày càng dài thêm, quan tài không đủ cấp, trạm xá xã cũng quá tải, phải chuyển người bị thương lên huyện và sang các xã bạn cứu thương.
 
Theo thống kê, trận thảm sát đó đã có 103 người chết, 109 người bị thương, 150 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Nặng nhất là xóm Đình, không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, tiếp đến xóm Chùa và Bắc Sơn. Đến nay, nhiều vết tích trận B52 vẫn còn hằn sâu trên mặt đất và trong thôn xóm ở Quảng Sơn.
 
Đổi thay từng ngày
 
Đến Quảng Sơn những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở một vùng quê nghèo khó ngày nào. Những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát; các tuyến đường đều được bê tông hóa; hệ thống điện, trường, trạm, nhà văn hóa thôn được quan tâm cải tạo, xây dựng mới khang trang...
 
Chứng kiến những gì hôm nay, thật khó có thể hình dung được đây là xã mà gần 50 năm trước, sự sống gần như đã bị hủy diệt. Có được sự đổi thay này, theo ông Trần Văn Huyển, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn là nhờ Đảng ủy, chính quyền và nhân dân luôn đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong phong trào xây dựng NTM.
 
Ông Huyển cho biết, trước khi triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, Đảng ủy xã đã họp bàn, phân công các đồng chí đảng ủy viên phối hợp với từng chi bộ, ban tự quản thôn tiến hành xây dựng quy chế về xây dựng mô hình nông thôn mới ở từng thôn; tổ chức các cuộc họp với cộng đồng dân cư để khảo sát lấy ý kiến của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; công khai, minh bạch các khoản thu, chi để người dân cùng biết… Đồng thời, xã xây dựng kế hoạch cụ thể trên địa bàn của từng thôn để triển khai và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các hạng mục công trình, dự án đầu tư trên địa bàn.
 Đình Làng Thọ Linh, công trình văn hóa, tín ngưỡng của xã Quảng Sơn.
Đình Làng Thọ Linh, công trình văn hóa, tín ngưỡng của xã Quảng Sơn.

Nhờ đó, phong trào xây dựng NTM đã được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp để triển khai thực hiện. Từ 2011 đến nay, thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã bê tông hóa được trên 4km đường liên thôn, 3km đường nội thôn; xây dựng kênh tưới Hà Sơn, 3 phòng học trường mầm non, đầu tư xây dựng chợ nông thôn, trạm y tế…với mức đầu tư gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người dân trong xã còn hiến hàng nghìn mét đất và ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa…
 
Cùng với hoàn thiện kết cấu hạ tầng, Đảng ủy, chính quyền xã Quảng Sơn còn tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo đó, xã đã quy hoạch chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình cây lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến khích nhân dân đầu tư máy móc để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
 
Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Điển hình có mô hình kinh tế của anh Phan Thanh Sửu, sinh năm 1973, thôn Linh Cận Sơn. Năm 2015, anh Sửu đã mạnh dạn thuê lại 5,5 ha đất đồi núi của xã để xây dựng trang trại chăn nuôi bò, dê, gà,vịt, trồng cây ăn quả, trồng rừng. Với nguồn vốn ít ỏi ban đầu, anh Sửu chỉ nuôi vài con bò, dê và đầu tư trồng keo, tràm.
 
Nhờ chăm chỉ, cần cù, lại nắm vững quy trình chăn nuôi, đến nay, trang trại của anh đã có 65 con bò, 100 con dê, trên 200 con gà, vịt, trên 5 ha trồng cây ăn quả và trồng keo. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, anh thu lãi trên 500 triệu đồng từ trang trại, giải quyết việc làm cho 13 lao động với mức thu nhập ổn định.
 
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Huyển cho biết thêm: Từ khi địa phương triển khai xây dựng NTM, bộ mặt thôn, xóm đổi thay từng ngày. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,48% (năm 2015) xuống còn 4,47% (cuối năm 2019). Thời gian tới, Quảng Sơn khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các tiêu chí xây dựng NTM để về đích theo đúng lộ trình đề ra vào cuối năm 2020.

Tác giả bài viết: Phạm Hà

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay10,251
  • Tháng hiện tại603,212
  • Tổng lượt truy cập40,123,001
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây