Cơm áo không đùa với khách thơ

Thứ sáu - 26/01/2018 08:09
       Vẻn vẹn chỉ có 33 bài thơ, “nhà thơ thần đồng” Hoàng Hiếu Nhân xuất hiện trên bầu trời Văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám như một vệt sao băng, lóe sáng rồi vụt tắt. Nhiều nhà thơ, bạn hữu của Hoàng Hiếu Nhân đều tiếc nuối cho một tài năng xuất chúng. Nhưng anh đã rẽ sang hướng khác để rồi phải gục ngã xuống nơi đất khách quê người vì bệnh tật, ở xứ trời Âu - Belarus cách xa đất Mẹ Việt Nam hàng vạn cây số.
Hoàng Hiếu Nhân cùng với tác giả Hoàng Minh Đức tại nhà thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa - năm 2009.
Hoàng Hiếu Nhân cùng với tác giả Hoàng Minh Đức tại nhà thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa - năm 2009.
       Hoàng Hiếu Nhân sinh ngày 6 tháng 12 năm 1959, tại xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà giáo. Cậu nổi tiếng ngay từ khi mới bắt đầu học chữ với cha mẹ ở nhà. Cậu không qua các lớp 1,2,3 ở nơi trường làng mà bước ngay vào lớp 4, lúc vừa mới 8 tuổi. Phòng Giáo dục Quảng Trạch nghi ngờ học lực của cậu nên phải tổ chức sát hạch lại kiến thức trước khi lập học bạ. Trong kì thi học sinh giỏi của huyện năm ấy, cậu đã giành được giải nhất môn Toán.  
        Điều đặc biệt hơn, vào năm 6 tuổi Hoàng Hiếu Nhân đã sớm bộc lộ khả năng văn học của mình, được độc giả nhỏ tuổi của cả nước và nhiều người biết đến. Họ ngưỡng mộ cậu ngay từ khi cùng với nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa bước song hành trên văn đàn Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1971 của thế kỷ trước. Năm 1969, Hoàng Hiếu Nhân cùng Trần Đăng Khoa đã giành được giải nhất cuộc thi thơ thiếu nhi toàn quốc do báo Thiếu niên Tiền phong và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức. Cùng với Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Nguyễn Hữu Kiên, Chu Hồng Quý, thơ Hoàng Hiếu Nhân đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành trong các tập thơ: NỐI DÂY CHO DIỀU, GỬI GIÓ VỀ CHO NỘI, ĐI NỮA CHÚ ƠI, CÁNH ÉN MÙA XUÂN.  
        Nhiều bài thơ của Hoàng Hiếu Nhân đã được nhà thơ Xuân Diệu dịch sang tiếng Pháp. Một số bài thơ của cậu được đưa vào sách giáo khoa Tiểu học. Năm 1967, khi chưa cắp sách đến trường, Hoàng Hiếu Nhân đã có bài thơ “Quả địa cầu” được phổ nhạc, bay ra ngoài biên giới Tổ quốc Việt Nam, làm nức lòng hàng triệu độc giả nhỏ tuổi:
       Chú cho em quả địa cầu,
Em nhìn bốn biển năm châu rành rành.
       Trục này em vặn quay nhanh
Em đi mấy đợt vòng quanh địa cầu
       Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu,
Đất nào đẹp, nước nào giàu tìm xem.

       Ở đâu bằng đất nước em
Đã giàu đẹp lại mang tên anh hùng.
       Một cậu bé mới 8 tuổi, lớn lên trong khói lửa chiến tranh, chưa được đi đâu ra khỏi lũy tre làng đã có một tầm nhìn thời đại, tầm nhìn của một thế hệ luôn luôn ấp ủ tình yêu con người, quê hương, đất nước, và tính tự tôn dân tộc.
      Đến năm 1970, tư duy của Nhân càng sắc sảo hơn, gân guốc hơn. Vẫn bằng thể thơ lục bát, với hình tượng con cò trong câu ca dao, người bà đã dắt cháu đến với ruộng đồng, đi thẳng ra mặt trận. Đây chính là sức mạnh tiềm tàng của nền văn hóa bốn ngàn năm, sức mạnh Việt Nam, điều mà kẻ thù xâm lược không bao giờ hiểu nổi: 
       Con cò trong câu ca dao
Bay vào giấc ngủ trắng phau giọng bà
       Bà đưa cháu đến đồng xa
Con cò theo mẹ la đà dòng mương
       Bà đưa cháu đến Trường Sơn
Con cò theo bố rập rờn ngụy trang
       Bà đưa cháu đến miền Nam
Diệt thù chớp đạn sáng choang cánh cò
       Năm 1995, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát hành Tuyển tập VĂN HỌC CHO THIẾU NHI dày ngót 1100 trang, trong bộ sách đồ sộ VĂN HỌC VIỆT NAM SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, 60.500 cuốn, có mặt bài thơ này. Điều đáng nói ở đây là trong 217 tác giả tham gia viết cho thiếu nhi, bên cạnh những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Tạ Hữu Yên, Xuân Hoàng.v.v…thì chỉ có hai nhà thơ nhí là Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân.  
                                                   *    *    *
       Tôi nghe tiếng Hoàng Hiếu Nhân đã lâu, từ hồi đang còn đi K8 ngoài Thanh Hóa. Ba tôi với thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa, ba của Nhân là bạn thân trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ba tôi thường lấy Hoàng Hiếu Nhân ra để làm gương cho tôi. Ba thường chép thơ Nhân lại rồi gửi ra nơi tôi đang sơ tán. (Tôi tập làm thơ, viết tiểu thuyết và truyện ngắn trong những năm đang học cấp hai nhưng mãi đến khi đi dạy học, tôi mới có thơ và truyện ngắn đăng trên các báo).  
        Năm lên học cấp ba, tôi mới biết mặt Hoàng Hiếu Nhân, may mắn được học với anh cùng một lớp, mặc dù anh thua tôi đến 3 tuổi. Nhân học rất giỏi, năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc. Tỏa sáng trên bầu trời văn học thiếu nhi trong một thời gian ngắn, đến năm mười hai tuổi, ngôi sao Hoàng Hiếu Nhân vụt tắt, thôi làm thơ và tập trung vào học đều tất cả các môn. Rồi đột nhiên, đến lớp mười, Nhân xin nghỉ học vì tuổi còn quá nhỏ. Ngày đó anh đang làm lớp phó, cán sự học tập của lớp 10 A. Khi anh nghỉ, thầy giáo chủ nhiệm phải cử tôi thay anh đảm nhiệm. Thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa nói với tôi rằng: hồi đó thầy vào làm hiệu trưởng trường cấp ba Bố Trạch, hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên Nhân phải nghỉ học để giúp đỡ mẹ và các em. Sau này, học lại ở lớp 10G, Nhân vẫn đứng đầu và thi trúng tuyển ngay vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm khá cao. Tốt nghiệp ra trường, anh được điều về làm giáo viên của trường Vũ Khí Đạn thuộc Bộ Quốc phòng tại Huế. Tại đây, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và đến năm 1984, được phong quân hàm Thượng úy. Tưởng rằng cuộc đời binh nghiệp sẽ theo anh xuôi chèo mát mái, nhưng đùng một cái, anh xuất ngũ về làm Trưởng phòng Kỹ thuật nhà máy dệt Phú Xuân.
       Năm 1987, anh được Ủy ban nhân dân và Tỉnh ủy Bình Trị Thiên giao cho làm Đội trưởng, Bí thư chi bộ, đưa 100 cán bộ trẻ sang Belarus làm kinh tế. Anh hăm hở cùng anh em lao động đưa ngoại tệ về xây dựng quê hương. Nhưng chính đây lại là bước ngoặt cuộc đời cơ cực của Nhân. Liên Xô tan rã, các nước Cộng hòa trong Liên bang Xô viết cũng sụp đổ theo. Bao nhiêu nhà máy, công trường, xí nghiệp đều phải đóng cửa. Hoàng Hiếu Nhân không có tiền mua vé máy bay về nước. Anh ở lại làm  đủ nghề để kiếm sống. Anh lần hồi mua đi, bán lại từng đôi dép, đôi giày, mong kiếm được chút ít đồng lời. Buôn bán chui lũi, trốn ngược, trốn xuôi, kiếm được chút vốn liếng, chuẩn bị gửi về nhà thì bọn đầu gấu tới. Chúng trùm mặt, lấy hết đồ đạc và đánh Nhân một trận ngất xỉu, vứt ra giữa tuyết. Một nữ bác sĩ thú y người Belarus trông thấy đã đem anh đi cấp cứu nơi bệnh viện. Mang ân sâu nghĩa nặng, Nhân kết hôn với cô và  một đứa con trai tên là Hoàng Hiếu Đức.
        Năm 2009, Nhân mang đứa con trai về nước. Gặp lại tôi, anh mừng mừng tủi tủi: “May mà ông còn nhớ đến tui chứ gặp lại bạn bè tui xấu hổ lắm”. Tôi nói: “Nghe bảo, có lần Trần Đăng Khoa đến tìm gặp Nhân nhưng cậu đi vắng mà trước sân nhà vẫn cắm một con dao bầu phải không?”
        Nhân lắc đầu: “Làm gì có. Mình đang định hỏi tội Khoa đây. Lúc sáng mình và Nguyễn Quang Lập mới gọi điện cho nó đấy. Nhưng mà có khi cũng phải thế thật. Đấu tranh để sinh tồn. Vừa rồi bên Nga, bọn đầu gấu đã giết chết một sinh viên Việt Nam mình đó”.  Nói rồi, Nhân bắt tóc cho tôi xem những vết sẹo bị đánh trên đầu.
        Tôi hỏi anh có định quay lại với văn chương không. Anh ngồi tần ngần một hồi lâu: “Để còn xem cái đã. Mình định viết lại hồi kí quãng đời thơ ấu, thuở còn đi học hay dịch một số tác phẩm văn học Xô viết ra tiếng Việt. Nhất định mình sẽ viết. Khi nào về, mình sẽ cho bạn xem”.
        Bẳng đi một thời gian, năm 2014 Nhân về nước nhưng không báo cho tôi. Nhà văn Hoàng Bình Trọng, chú của Nhân gọi điện tôi mới biết. Các lần trước về nước, Nhân phải nhờ vào tấm lòng thơm thảo của các bạn bè cung cấp tiền tàu xe và mua vé máy bay cho. Xem ra cái sạp vải của Nhân ở Belarus cũng không được vượng lắm. Bản tính thật thà nên đi đâu Nhân cũng nhận được tình thương yêu của mọi người. Lần này tôi gọi thêm một thằng bạn cùng lớp nữa, là Tiến sĩ Địa chất đến để “đòi nợ”. Tôi giơ máy ảnh lên để chụp nhưng Nhân nổi cáu thật sự: “Thôi đi ông bạn ơi. Bạn tha cho tôi. Tôi đã hứa là tôi sẽ viết thật mà”. Rồi Nhân hoan hỉ thông báo, lần này anh sẽ đổi đời. Anh đã tìm được đối tác, liên doanh với một công ty gốm sứ Hà Nội xuất khẩu sang Belarus.   
        Cuộc đời không mấy khi chiều theo ý muốn con người. Bao dự định không thực hiện được. Đói nghèo không chịu khuất phục, bọn đầu gấu cũng không quật đổ được anh. Một chút sơ sẩy của một bệnh viện Belarus, lưỡi hái tử thần đã cướp mất Nhân. Nhân bị tắc ruột, phẩu thuật đại tràng nhiễm trùng phải mổ lại lần hai. Ngày 6 tháng 2 năm 2015, Hoàng Hiếu Nhân đã trút hơi thở cuối cùng nơi đất khách quê người. Trước lúc chết, anh nói với con trai rằng: “Hãy đưa ba về với ông bà nội ở Việt Nam”. Có một lần Nhân đã nói với tôi, đến những năm cuối đời anh sẽ về Việt Nam sinh sống, anh sẽ về trên đất Mẹ Quảng Bình. Nhưng chẳng có một lần nào nữa, chỉ có lần này thôi, Hoàng Hiếu Nhân về yên giấc ngàn thu ở nghĩa địa Hói Đồng, bên dòng Linh Giang lịch sử.
       Ba chị em, người Việt, người Belarus nghẹn ngào ôm nhau khóc bên quan tài của bố. Bạn bè hai lớp 10A, 10G ngày xưa, bạn Việt, bạn Nga, bạn Belarus,  bạn văn, bạn đời, bà con làng xóm và anh em trong Hội văn học Nghệ thuật Quảng Bình đã đến rất đông đưa tiễn Nhân về nơi an nghỉ cuối cùng. Cả dòng người lặng lẽ đi bên linh cửu, tiếc thương cho một đời người tài hoa.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập587
  • Hôm nay21,151
  • Tháng hiện tại325,920
  • Tổng lượt truy cập39,845,709
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây