Tướng Nguyễn Dụng và làng Tượng Sơn trong chiến dịch “Quang Trung đại phá quân Thanh”

Thứ tư - 28/02/2018 15:20
Cổng Đình làng Tượng Sơn (2017)
Cổng Đình làng Tượng Sơn (2017)
       Cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn đã làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhân dân cả nước tập hợp dưới ngọn cờ của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, xóa bỏ ranh giới phân tranh của hai thế lực Trịnh – Nguyễn. Nguyễn Huệ đã đánh tan gần ba mươi vạn quân Thanh, chấm dứt mộng xâm lăng ngàn đời của phong kiến phương Bắc. Trong đội quân đó có một con người Quảng Bình mà tên tuổi gắn liền với làng Tượng Sơn và cuộc tiến công thần tốc của vua Quang Trung vào mùa xuân Kỷ Dậu 1798 – Tướng Nguyễn Dụng!
     Nguyễn Dụng sinh năm 1734 tại làng Đại Đan, thuộc Bắc Bố Chính – tức phía bắc tỉnh Quảng Bình (nay là làng Tượng Sơn – Quảng Long – thị xã Ba Đồn – Quảng Bình). Thuở nhỏ ông là một cậu bé thông minh, hiếu động. Đặc biệt ông rất ham mê võ nghệ và có tài thao lược. Mùa xuân năm 1771, cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn bùng nổ đã đưa Nguyễn Dụng đến với phong trào giải phóng dân nghèo. Nguyễn Dụng vượt sông Gianh vào Bình Định từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa. Tháng 1 năm 1785, Nguyễn Dụng đã có mặt trong đội quân Nguyễn Huệ tiến vào Mỹ Tho tham gia trận Rạch Gầm – Xoài Mút, đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi bờ cõi. Sau ba lần tiến quân ra Bắc Hà với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ đã lật đổ tập đoàn phong kiến họ Trịnh, xóa bỏ sự phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài. Khi trở về Phú Xuân (1788), Nguyễn Huệ đã giao phó Bắc Hà cho một số tướng lĩnh, trong đó có tướng Nguyễn Dụng. Ông nói: “Sở, Lân (Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân) là nanh vuốt của ta. Dụng, Ngôn (Nguyễn Dụng, Trần Thuận Ngôn) là tâm phúc của ta. Nhậm (Ngô Thì Nhậm) là bầy tôi của ta. Ngày nay, ta giao việc quân quốc 11 trấn ở Bắc Hà cho các ngươi. Các ngươi phải liệu mà làm việc, có việc thì nên họp bàn với nhau, đừng có phân bì cũ, mới. Lòng mong muốn của ta là như vậy”.
        Khi Lê Chiêu Thống sang cầu viện nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã phát huy tiềm lực sức mạnh quân sự trong dân, tích cực chuẩn bị kháng chiến chống xâm lược. Ông huy động nhân tài vật lực, cùng ba quân được tập luyện ngày đêm tại Phú Xuân chuẩn bị tiến ra Bắc Hà. Thư của giáo sĩ truyền đạo La Bartette (La Bác Tét) ngày 23 tháng 7 năm 1788, tại Dinh Cát (Quảng Trị) gửi về Paris cho biết: “Hiện nay ở Phú Xuân vận chuyển dữ lắm”. Cuối năm 1788 Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh “cõng rắn cắn gà nhà”. Nguyễn Huệ lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi tiến quân ra Bắc ngay. Nguyễn Dụng đi đầu trong đội quân thiện chiến của Tây Sơn. Ngày 24 tháng 12 năm 1788, đàn voi chiến của Tây Sơn cùng hàng vạn binh sĩ vượt sông Gianh. Ông đưa đại binh về làng nghỉ chân, tuyển thêm quân, chấn chỉnh lại đội ngũ. Trong những ngày này dân làng chăm sóc voi chiến, dốc lòng ủng hộ lương thực, thực phẩm, rèn đúc vũ khí. Thực hiện lời kêu gọi của Nguyễn Huệ “Nhân tâm suất vi binh” rất nhiều người trong làng đã được phiên chế vào đội ngũ chiến đấu của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Giữa tháng Chạp âm lịch, Quang Trung hội quân ở Tam Điệp ăn Tết trước, sau đó chia năm đạo quân tiến về Thăng Long. Tướng Nguyễn Dụng nằm trong đạo quân chủ lực vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy) đêm 25 tháng 1 năm 1789, tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch. Mờ mồng năm Tết Kỷ Dậu quân ta tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Mở màn hơn 100 voi chiến xông vào đồn giặc. Tiếp đến là đội quân mang hai mươi tấm lá chắn bằng gỗ quấn rơm tẩm nước tiến lên phía trước. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quang Trung, tượng binh và bộ binh xông lên như nước triều dâng. Trưa mồng năm Tết, vua Quang Trung trong bộ chiến bào sạm đen khói súng dẫn đoàn quân tiến vào Thăng Long trong tiếng hò reo chiến thắng.
         Ghi nhớ công lao của Nguyễn Dụng, một vị Tướng tài cùng dân làng Đại Đan nuôi quân trong cuộc chống quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung đã phong tặng tên làng “Tượng Sơn” (Tượng Sơn là voi núi). Nguyễn Dụng được phong đến chức “Thống chế Quận Công”. Quang Trung phong tặng làng Tượng Sơn hai câu:
Đệ nhất đình chùa vương miếu vũ
Kim ấn phong ban Tượng Sơn thôn
         Nguyễn Dụng mất ngày 20 tháng 6 năm Ất Hợi (1815), thọ 81 tuổi. Lăng mộ của ông được gọi là lăng Quan Cụ xây ở cánh đồng Chùa Lồi (Pháp Kệ- Quảng Phương- Quảng Trạch - Quảng Bình). Vong linh của ông được rước về thờ ở đình làng. Các đời vua nhà Nguyễn cũng phải cấp sắc suy tôn ông là Thần Hoàng làng Tượng Sơn. Ngày nay, trong ngôi đình vẫn còn lá cờ đại (cờ hội) đề hai chữ “Tượng Sơn” bằng chữ Hán. Ngôi đình đã và đang được nhà nước và con cháu trùng tu, tôn tạo lại. Hai bên tượng thờ có cặp voi chiến phủ phục chầu. Dân làng còn truyền tụng bài tế lễ ca ngợi công đức của ông:
…Vốn con nhà cân đai Nguyễn Huệ
Đấng trâm anh tiếng để ngàn thu…
Hàng năm đến ngày Rằm tháng Giêng, làng lại tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ người anh hùng của quê hương theo Quang Trung đi giữ nước. Đặc biệt con em trong làng bị lỗi lầm đều ra lăng mộ ngài hối lỗi. Trong đời bị oan khuất, gặp hoàn cảnh khó khăn hay bị những căn bệnh hiểm nghèo, họ đứng trước anh linh của ngài lại cảm thấy vợi bớt nỗi mất mát đau thương.
        Đình Tượng Sơn là một di tích lịch sử và văn hóa đã được nhà nước xếp hạng. Tìm hiểu đình Tượng Sơn ta càng hiểu thêm truyền thống đánh giặc của con người và quê hương Quảng Bình trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. 
       Tài liệu tham khảo:
       - Những trang sử vẻ vang của nhân dân Thuận Hóa dưới thời Nguyễn Huệ - Phú Xuân. Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 1983.
       - Lý lịch di tích đình Tượng Sơn và lăng mộ Nguyễn Dụng do Ủy ban nhân dân phường Quảng Long lưu giữ.  

Tác giả bài viết: CTV: Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay114
  • Tháng hiện tại694,118
  • Tổng lượt truy cập34,224,837
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây