Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ. Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923, tại làng Trung Thôn - Quảng Trung - Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn - Quảng Bình). Ông tham gia cách mạng khi còn nhỏ. Mười lăm tuổi đầu ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương rồi bôn ba khắp các chiến trường. Cũng như bao vị tướng của nhân dân, tình yêu lứa đôi nảy nở trong đấu tranh cách mạng.
Ông kể, vì hoạt động bí mật ông mang bí danh Nguyễn Văn Đồng. Năm 1942, lúc anh thanh niên Nguyễn Văn Đồng vừa tròn 19 tuổi, anh cùng đồng chí Vũ Văn Giáo về Troóc-Pheo (Bố Trạch) tìm hiểu tình hình xây dựng căn cứ. Tại đây anh lấy nghề dạy học để tuyên truyền giác ngộ giáo dân đi theo cách mạng. Vũ Văn Giáo ở nhà ông Cửu Thuần còn anh ở nhà ông Thới. Ông Thới có người con gái đầu lòng tên là Thới (người miền Trung thường gọi tên bố mẹ theo tên con cả trong nhà). Cô Thới, một thôn nữ thuỳ mị, nết na, 18 tuổi. Hàng ngày ngoài việc đồng áng, cô còn tham gia bán hàng xén cùng với mẹ. Cô rất chăm lo việc cơm nước và khâu vá cho anh, còn anh tối tối lại dạy cho cô học chữ. Đêm trăng rất sáng. Cô Thới không may tuột chân ngã nhào xuống dòng nước vừa xoáy vừa chảy xiết. Theo phản xạ tự nhiên, anh nhào theo bế xốc cô gái khỏi vùng nước xoáy. Trong cái ướt át của hai người, anh vẫn cảm nhận được hơi thở của cô Thới có sức cuốn hút lạ kì, anh đã có những rung động đầu đời khi chạm vào da thịt của người con gái. Hết hè, hoàn thành nhiệm vụ được giao anh phải về xuôi, gia đình ông Thới buồn lắm. Riêng cô Thới không giấu nổi tình cảm của mình mặc dù rất thầm kín. Hôm chia tay, cô khóc như mưa làm anh phải cắn môi, nén lòng mới cất bước được. Mấy năm sau khi trở lại vùng này để thuyết phục tên quan ba Pháp hợp tác với Việt Minh chống Nhật, anh có đến thăm gia đình ông Thới. Cô Thới đã lấy chồng. Công việc cách mạng bộn bề, anh chẳng có thời gian để nghĩ đến việc riêng tư. Tổng khởi nghĩa, anh được Tỉnh uỷ Quảng Bình phân công phụ trách Chủ nhiệm Việt Minh của tỉnh. Ngày 12 tháng 10 năm 1945 trong hội nghị phụ nữ tỉnh, cô Trần Hồng Phi-Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ tỉnh đã gặp anh. Cô Phi nói: “Em Lan tôi thích nghe anh nói chuyện lắm đấy. Tôi đọc được ánh mắt của Lan rồi”. Anh đùa lại: “Cô Lan nào tôi không biết, điều quan trọng là Hồng Phi có thích tôi nói chuyện không?”. Không ngần ngại, Hồng Phi trả lời: “Em cũng thế anh ạ”. Ngọc Lan là em họ của Hồng Phi trong đoàn đại biểu Quảng Trạch về dự hội nghị. Anh đã qua lại nhà cô nhiều lần nhưng anh không ngờ sau lần ấy đã tồn tại một “thông điệp tình yêu” dẫn anh đến với Ngọc Lan. Sau kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I, anh về làng Hoà Ninh (Quảng Hoà - Quảng Trạch) nói chuyện với nhân dân. Sau ba ngày phổ biến tình hình Quốc hội với cử tri, anh ghé về thăm bác Nghè Cơ - một nhân sĩ, một nhà nho mà anh đã vận động tham gia Việt Minh từ năm 1943. Đây là một cơ sở cách mạng mà khá lâu rồi anh chưa trở lại. Theo đề nghị thiết tha của Hồng Phi và anh Cả Huệ, hai người làm ông bà “mối” cho anh và Ngọc Lan thành đôi thành đũa. Anh đã làm thủ tục “xem mặt” Ngọc Lan. Theo lễ giáo cũ, anh chỉ được phép “liếc” qua khi cô bưng mâm cơm lên để anh cùng ăn với ông bà Nghè Cơ. Mặc dù đã nhiều lần ăn cơm tại nhà ông thời hoạt động bí mật song lần này anh là “khách” của ông cụ. Thế là một con người bằng xương bằng thịt qua cái “liếc” ngang đã định hình, len lỏi vào cái tư duy rậm rịt về công việc của anh, khó lòng lơi lạt. Tháng 1-1947, anh cùng một số Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ ra Vinh dự tập huấn quân sự. Trước khi đi anh đã gặp Ngọc Lan. Lúc này anh mới có dịp ngắm kĩ, một thôn nữ duyên dáng, ý tứ, dịu dàng mà gợi cảm. Anh không nghĩ một người con gái nói năng khẽ khàng có phần nữ sinh lại là lao động trụ cột của gia đình. Khi còn lại hai người, bao dự định muốn nói bỗng bay đi đâu hết. Hai người đi bên nhau về thưa chuyện với gia đình. Trong cái se sắt của gió lạnh cuối đông, anh thấy ấm áp lạ lùng. Tình yêu như thắp lửa trong lòng. Về tới cây cầu cách nhà vài trăm mét, cô bảo anh dừng lại để cô về trước. Một cử chỉ nhỏ nhoi xui lòng nhau nhớ mãi. Ngày 15-6-1947, giặc Pháp tập trung quân đánh chiếm làng Minh Lệ (Quảng Minh, Quảng Trạch). Lúc bấy giờ anh là Bí thư Huyện uỷ, kiêm Huyện đội trưởng và Chính trị viên Huyện đội. Anh bố trí đại đội 5 của huyện phục kích tại Hoà Ninh nên không gặp địch. Du kích xã Quảng Minh bám làng chống càn nhưng do thiếu kinh nghiệm nên bố trí trận địa bao vây địch dưới chân đồi Ông Tri. Quân địch chiếm lĩnh điểm cao đã khống chế bằng hoả lực đại liên và súng cối, ta bị thương vong khá nặng nề. Anh đến chỉ huy du kích chống càn ở Thọ Linh. Ngọc Lan mạo hiểm đến thăm anh nơi mũi tên hòn đạn. Cô ở lại nhà người bà con đến khi địch lui càn mới về. Thế mới biết “thương nhau mấy núi cũng trèo”. Tháng 8-1947, Huyện uỷ Quảng Trạch quyết định thành lập Mặt trận Liên Việt huyện và mời bác Nghè Cơ làm Chủ tịch. Lúc này bác gái mới mất nhưng bác Nghè Cơ không báo cho anh biết vì lúc đó địch đang đánh dữ, anh lại là người “đứng mũi chịu sào” của huyện. Mấy hôm sau Ngọc Lan dự một lớp y tá ngắn hạn và làm việc tại bệnh xá của huyện. Đầu tháng 11-1947, anh lên làm chính trị viên Tỉnh đội và cuối tháng 12 năm đó họ đăng kí kết hôn trước sự chứng giám của các đồng chí Tỉnh đội và Tỉnh uỷ. Anh Hoàng Văn Diệm thay mặt cơ quan ôm hôn từng người và chúc cho hạnh phúc đôi lứa lâu bền. Hơn sáu mươi năm chung sống, bà Ngọc Lan đã sinh hạ cho ông 6 người con. Đất nước trải qua mấy cuộc chiến tranh, họ thường xuyên sống trong cảnh chia li chồng Nam vợ Bắc, nhưng càng xa cách tình nghĩa vợ chồng càng sắt son, bền chặt, tình cảm cha con càng thắm thiết. Ông đột ngột ở mặt trận về trong hoàn cảnh giặc Mĩ đã leo thang đánh phá thủ đô, bà Ngọc Lan vẫn lùng khắp Hà Nội cố kiếm cho bằng được mấy con cua đồng để nấu món riêu cua với rau muống chẻ cho ông ăn. Bà rất chú ý đến sở thích của chồng. Bây giờ nhớ lại ông vẫn thấy bữa cơm ngày ấy ngon hơn mọi thứ cao lương mĩ vị trên đời. Cả đại gia đình ông luôn gắn bó đùm bọc, yêu thương nhau. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, gia đình luôn tổ chức mừng thọ cho các anh chị em trong nhà. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh đã viết trên bia mộ của bà: “Mẹ nằm đó nấm mồ tỏa sáng/ Đất yên lành phát lộc cho con”. Chính bà mẹ của ông-bà Đặng Thị Cấp là người đã thổi ngọn lửa cách mạng cho các con. Bà đã cho cả năm người con trai của bà tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1937, bà đã nuôi giấu cán bộ trong nhà. Bà giáo dục các con phải yêu thương, đoàn kết, dìu dắt nhau trên con đường cách mạng. Nay trong nhà đã có bốn người con được nhận huy hiệu sáu mươi năm tuổi Đảng, riêng Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng huy hiệu bảy mươi năm tuổi Đảng. Ông nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng các khóa 4,5,6, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, người con thứ 6 (vừa mới mất năm 2014) nguyên là Phó viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần. Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XI là con của người con thứ 3 (ông Nguyễn Hữu Lương, một sĩ quan quân đội chuyển ngành). Hầu hết các con, cháu trai của ông đều tham gia quân đội. Các anh em ông sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và chăm lo giáo dục con cháu. Đây là dòng họ đại thọ nhất xã Quảng Trung. Ông Nguyễn Thanh, 102 tuổi vẫn làm thơ, viết báo. Ông có người con là bác sĩ quân y Nguyễn Hữu Tân hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Thanh Liêm là con trai của ông nay là Trưởng phòng Biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đến nay anh em, con cháu Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có tất cả là 3 vị tướng, 4 đại tá và 13 sĩ quan cấp tá, 12 sĩ quan cấp úy. Tình yêu thương của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là vô bờ. Chiến tranh đã cướp đi người con trai thứ 4 của ông là đại đội trưởng pháo binh khi bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ông đứng lặng hàng giờ trước mộ con. Là một vị tướng đã chỉ huy hàng sư đoàn trên chiến trường Trường Sơn, từng rắn lòng như đá lửa khi đối chọi với những tên tướng giặc gian hùng. Lúc này ông đã khóc. Những giọt nước mắt của người cha già rỏ xuống nấm mồ con còn mới tươi nguyên, cũng như biết bao lần ông khóc thương đồng đội thời chống Mỹ. Ông khóc thương người lính lái xe cho mình hy sinh trong tư thế vẫn nắm chặt vô lăng. Ông khóc cho bao thanh niên xung phong, cho bao chiến sĩ lái xe ngã xuống khi chưa tìm được cách trị loại máy bay AC130 (chúng sử dụng tia hồng ngoại để đánh trúng đoàn xe). Tình yêu thương con người đã làm cho bộ óc của ông chói sáng hơn bao giờ hết, những giọt nước mắt đã làm loé lên những tia sáng thông minh, đột phá, những nghệ thuật quân sự. Cuối cùng ông và đồng đội đã thắng. Dân tộc Việt Nam đã thắng. Có một lần ông nói với tôi: “Không có tình yêu thì không thể lớn thành người”. Câu nói đó rất đúng với cuộc đời cao đẹp và đầy ý nghĩa nhân văn của ông.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...