Lãnh binh Mai Lượng với phong trào Cần Vương trên quê hương Quảng Bình

Thứ tư - 07/02/2018 14:44
  Năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng xâm lược đầu tiên trên mảnh đất Đà Nẵng nhưng vấp phải sự giáng trả quyết liệt của nhân dân Việt Nam. Năm 1873, giặc Pháp đánh ra Bắc Kỳ lại bị nhân dân Bắc Kỳ đánh cho tả tơi đành phải trao trả lại những vùng đất tạm chiếm.
Lãnh binh Mai Lượng
Lãnh binh Mai Lượng
        Mười năm sau (năm 1883), giặc Pháp đánh thẳng vào kinh thành Huế nhằm chấm dứt cuộc chiến. Triều đình Huế phân rã hoàn toàn. Ngày 6 tháng 6 năm 1884, Hiệp ước Patenôtre được triều đình nhà Nguyễn kí với với thực dân Pháp tại tòa Khâm sứ Huế. Nhà nước phong kiến Việt Nam bắt đầu từ đây chấm dứt vai trò, vị trí dân tộc của nó. Nhiều quan lại và sĩ phu yêu nước khắp ba miền, trong đó ở Quảng Bình có Nguyễn Phạm Tuân (nguyên Tri phủ Đức Thọ - Hà Tĩnh), Lê Trực (nguyên Đề đốc thành Hà Nội) và Mai Lượng đã từ quan bất hợp tác với giặc.
       Mai Lượng sinh năm Mậu Tuất (1838), trong một gia đình nhà Nho nghèo, tại làng Thọ Linh (nay thuộc xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được người anh ruột nuôi ăn học. Khoa thi Hội võ dưới triều vua Tự Đức tổ chức ngày 02 tháng 5 năm Ất Sửu (26 - 5 - 1865) tại kinh thành Huế, ông đã đỗ Cử nhân võ và được phong chức Hiệp quản ra chỉ huy một đơn vị trấn giữ bắc Đèo Ngang, sau đó về Đồng Hới chỉ huy quân triều đình đóng tại Quảng Bình.
       Tháng 8 năm 1884, phe chủ chiến do Thượng thư Tôn Thất Thuyết cầm đầu đã tôn phò vua Hàm Nghi (mới mười ba tuổi) và ra chiếu Cần Vương dấy nghĩa từ Nam chí Bắc. Chủ trương của quan phụ chính Tôn Thất Thuyết được sĩ phu cả nước nhiệt thành hưởng ứng. Giặc Pháp vội vã dựng tên Chánh Mông (hiệu là Kiên Giang quận công) – con nuôi thứ hai của vua Tự Đức – lên làm vua bù nhìn (niên hiệu Đồng Khánh) ngày 6 - 8 - 1885. Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi lên Lao Bảo theo đường rừng dọc phía tây Trường Sơn trèo đèo về Quy Hợp, đóng quân ở làng Tả Bản thuộc đất Vé ở thượng nguồn sông Gianh (được gọi là Sơn triều – Tức triều đình Hàm Nghi). Họ lấy đây làm kinh đô kháng chiến và đã anh dũng cầm cự với giặc ngót cả chục năm trời. Tôn Thất Đàm lấy núi rừng Ngàn Sâu, Hương Khê – Kì Anh – Hà Tĩnh làm căn cứ; Tôn Thất Thiệp cùng Nguyễn Phạm Tuân đóng ở Vé phò vua Hàm Nghi và đặc trách an ninh khu vực. Lúc này nhiều sĩ phu yêu nước trên đất Quảng Bình đã tụ nghĩa dưới ngọn cờ Cần Vương như: Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Mai Lượng, Bạch Xĩ, Tham La Hà… Mai Lượng vốn là một võ tướng cũ của triều đình Huế nên ông được vua Hàm Nghi phong cho chức Lãnh binh. Ông đã được vua Hàm Nghi giao cho việc chiêu mộ dân binh và hoạt động trên địa bàn rộng lớn từ Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa nhưng chủ yếu là vùng hữu ngạn sông Gianh. Dưới quyền chỉ huy của Lãnh binh Mai Lượng, nghĩa binh đã có lúc lên đến trên một nghìn người. Họ là những người dân địa phương vì việc nghĩa mà tham gia kháng chiến. Đa số trai tráng các làng ở xã Thị Lễ, Thuận Thị, La Hà… và cả vùng nam sông Gianh gia nhập nghĩa quân đi giết giặc. Ngoài vũ khí do Sơn triều cấp như: súng thần công, hỏa mai, một ít súng trường, họ phải rèn lấy gươm giáo mà đánh giặc: Nghe các làng nhốn nháo/ Rèn khí giới gươm đao/ May áo giáp nón hầu/ Đúc gươm vàng thê bạc (Vè: Bình Tây sát tả). 
       Cùng với đội quân của Đề đốc Lê Trực trấn giữ vùng tả ngạn sông Gianh, họ đã nhiều phen làm cho quân thù thất điên bát đảo. Những trận đánh nổi tiếng ở các làng Trung Thôn, Biểu Lệ, Hòa Ninh, Lâm Xuân, Diên Trường…đã được nhân dân khắp nơi truyền tụng. Giặc Pháp cố thủ ở các nhà thờ và cùng các “đội tự vệ” chống trả nghĩa quân. Chúng muốn nghĩa quân đánh vào những giáo dân để gây hằn thù, bóp méo ý nghĩa phong trào Cần Vương. Ngay từ thời đó Lãnh binh Mai Lượng đã có cái nhìn xa, tư tưởng tiến bộ. Khác với những thủ lĩnh phong trào Văn Thân, ông chú trọng vào việc “bình Tây” hơn là “sát tả”, ông không mắc mưu giặc chia rẽ đồng bào lương giáo.Trong trận mạc, ông dạy cho quân sĩ luôn bảo vệ tài sản của nhân dân, không giết bừa bãi, đối xử rất nhân đạo với tù binh. Chính vì thế nhân dân khắp vùng nô nức tòng quân, ủng hộ, giúp đỡ nghĩa quân Mai Lượng. Nghĩa quân ông trên dưới một lòng, phối hợp chặt chẽ với các lãnh tụ khác mở rộng địa bàn hoạt động ở ba huyện phía bắc Quảng Bình làm tiêu hao sinh lực địch.
Lãnh Mai cùng với ông Tham La Hà
Hai ông hội nghị thật đà giao ngôn
Kéo lên Khe Troóc Khe Môn
Thứ hai Khe Sến đóng đồn quyên lương
Cắt dân hướng đạo dẫn đường
Vắt qua chương Chà Cộ, đổ về chương Chà Nòi
(Vè Bình Tây sát tả)
      Tháng 6 năm 1886, Thiếu tá Pháp Gre gaine mang quân tuần tiễu đến sông Nan đã bị quân Mai Lượng mai phục gây cho nhiều tổn thất nặng nề.
      Đêm 16 rạng 17 tháng 4 năm 1887, địch tiến đánh Hạ Trang (Lệ Sơn- Văn Hóa- Tuyên Hóa - Quảng Bình) và cuối tháng 4 tập trung quân càn quét vùng Troóc đánh vào căn cứ nghĩa quân Mai Lượng. Với thế trận đã bày sẵn, nghĩa quân đã gây cho chúng nhiều thương vong, song lực lượng quá chênh lệch, khí giới quá kém, nghĩa quân phải rút về Vàng Liêu (Tuyên Hóa – Quảng Bình) hợp nhất với nghĩa quân Tôn Thất Đàm (làng Tả Bản, thuộc đất Vé, thượng nguồn sông Gianh).
        Năm 1888, được sự hợp lực của nghĩa quân Tôn Thất Đàm, nghĩa quân Mai Lượng đã phản kích chiếm lại vùng căn cứ Cao Mại, Troóc, tiếp tục phục kích những toán quân nhỏ lẻ làm cho giặc Pháp và tay sai chúng mất ăn, mất ngủ.  
       Tháng 2 năm 1888, viên Thiếu tá Gladet được điều từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình phối hợp với tên Đại úy Callet dựng thêm nhiều đồn bốt, tăng quân số và các cuộc càn quét, vây ráp. Khi giặc Pháp đặt được Đại bản doanh Minh Cầm (Tuyên Hóa- Quảng Bình) chúng đã vây làng Yên Lộc bắt được Nguyễn Phạm Tuân, mua chuộc được hai tên Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình là hai hầu cận chính của vua Hàm Nghi. Ngày 1 tháng 1 năm 1888 (có tài liệu cho rằng ngày 20 - 9- 1888), hai tên phản bội đem hai chục thuộc hạ nửa đêm giết chết Tôn Thất Thiệp, xông vào bắt vua Hàm Nghi. Nhà vua lúc này đã lấy thanh kiếm giao cho tên Trương Quang Ngọc và nói : « Mày cứ giết tao đi, còn hơn bắt tao về nộp cho giặc ». Bọn chúng giải nhà vua xuống bè theo sông Gianh đến đồn Tiên Lãng giao cho Đại úy Boulangier đem về đồn Thuận Bài (nay là xã Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Suốt từ đó cho đến lúc bị bắt đi đày ở Algérie (L,mpired, Annam của Gosselin), nhà vua không nói gì nữa ngoài câu: « Tôi không phải là vua Hàm Nghi ». Phải chăng nhà vua không muốn nghĩa quân biết vị « thủ lĩnh tinh thần » của họ bị bắt, làm mất niềm tin, thoái chí chống giặc. Sau khi bắt được vua Hàm Nghi, giặc Pháp dồn hết sức tấn công căn cứ nghĩa quân Mai Lượng nhưng nghĩa quân vẫn kiên cường cầm cự thêm hai năm nữa. Họ cố thủ trong trại binh và dùng chiến thuật đánh úp bất ngờ, tiếp tục tiêu hao sinh lực địch. Bị bao vây, lương thực thuốc men cạn kiệt, ngày 23 tháng 5 năm Canh Dần (12 - 5 - 1890) tại vùng rừng núi Cao Mại, cơn sốt rét rừng đã cướp đi vị lãnh tụ nghĩa quân tài ba, người chiến binh dũng cảm. Một số nghĩa quân của ông theo Bạch Xĩ cố phá vòng vây ra Hà Tĩnh sát cánh với nghĩa quân Phan Đình Phùng đánh Pháp. (Sau này Bạch Xĩ bị Pháp bắt, ông đã hy sinh anh dũng trong nhà lao Vinh - Nghệ An). Ngay sau khi Lãnh binh Mai Lượng qua đời, giặc Pháp đã bắt vợ con ông lên giam ở Troóc và đồn Minh Cầm. Chúng tìm cách cướp xác ông để trả thù hèn hạ nhưng được nhân dân đùm bọc che giấu nên thi hài của ông sau đó được đưa về mai táng tại quê hương. Nghe tin ông chết, nhân dân bắc Đèo Ngang đã xây miếu thờ ông tại Cồn Ngang, nay gọi là miếu thờ quan ông Lãnh.
         Ngày nay ở làng Thọ Hạ (Quảng Sơn) vẫn còn vết tích chiến lũy của nghĩa quân Mai Lượng. Phía bắc làng Thọ Linh vẫn còn vết tích một đồn binh của nghĩa quân gọi là « cánh đồng đồn ». Ở khu trại binh Cao Mại vẫn còn chiến lũy của nghĩa quân được xây bằng đất sét và đá, có cả lò rèn và xưởng sửa chữa, sản xuất vũ khí. Những vườn chè, đồi mít tồn tại hơn một thế kỷ trở thành cây cổ thụ gọi là « rừng ông Lãnh ». Đặc biệt gần đây còn tìm thấy một khẩu súng thần công bằng đồng giữa căn cứ Trại Binh xưa.
       Để tưởng nhớ Lãnh binh Mai Lượng, người anh hùng Cần Vương xả thân vì đại nghĩa, năm 1995, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cho xây lăng mộ ông dưới chân Hòn Nậy phía nam sông Nan và nhà bia tưởng niệm ông nằm trong phần đất chi tộc họ Mai, thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Trong nhà bia có bảng chữ vàng của Viện Sử học Việt Nam ghi lại cuộc đời và sự nghiệp Mai Lượng:
       «...Miền bắc Quảng Bình là nơi có phong trào « Cần Vương » kháng Pháp mạnh mẽ nhất toàn tỉnh và kéo dài trong nhiều năm. Tại đây có hai đội quân lớn nhất. Đội quân của Đề đốc Lê Trực hoạt động ở vùng tả ngạn sông Gianh đóng ở làng Thanh Thủy; còn nghĩa quân của Mai Lượng đóng quân ở vùng hữu ngạn sông Gianh chọn Cao Mại làm căn cứ đóng quân. Tại vùng căn cứ, ông vừa luyện quân vừa rèn đúc vũ khí, tăng gia sản xuất để nuôi quân với ý đồ lâu dài... »
     Trong nhà bia còn có hai câu đối ngời ngời khí tiết của một võ tướng Cần Vương:
Cần Vương tiêu chính khí tráng Hà Mai
Hứa Quốc lập kỳ công công cao vô Lượng
       Lãnh binh Mai Lượng, một danh tướng xuất sắc của phong trào Cần Vương, ông xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Tác giả bài viết: CTV: Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay8,358
  • Tháng hiện tại69,622
  • Tổng lượt truy cập39,589,411
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây