Nỗi đau chiến tranh

Thứ năm - 05/04/2018 08:16
Xạ thủ số 2 Nguyễn Thị Miện và người chỉ huy trung đội 12 li 7 Hoàng Thị Hữu (bà Miện mặc quân phục Cựu chiến binh bên trái, bà Hữu mặc áo quần bà ba bên phải)
Xạ thủ số 2 Nguyễn Thị Miện và người chỉ huy trung đội 12 li 7 Hoàng Thị Hữu (bà Miện mặc quân phục Cựu chiến binh bên trái, bà Hữu mặc áo quần bà ba bên phải)
         Hai chiếc máy bay F4H từ biển bay vào, chúng quành lại lượn một vòng trên bầu trời làng Minh Lệ. Giữa trận địa Giếng Đồng, chị Hoàng Thị Hữu hô to: “Các khẩu đội chú ý! Bám sát mục tiêu. Chiếc thứ 2 có hiện tượng bổ nhào. Hướng ba - tư, cự li một ngàn tám, điểm xạ dài”. Lá cờ lệnh trên tay chị giật mạnh, cả 2 khẩu 12 li 7 của làng Minh Lệ rung lên, tiếng súng trường nổ ran khắp nơi. Thằng giặc lái thoát được lưới lửa phòng không, đã nã rốc két xuống xóm Bắc.
         Lần này máy bay địch đã phát hiện được trận địa phòng không của ta chốt giữa cánh đồng. Lợi dụng hướng nắng chói chang của mặt trời tháng 6, một chiếc từ phía núi Nhà Ngùi lao xuống, chiếc sau bay cảnh giới. Chúng quất ràn rạt đạn 20 li vào trận địa ta. Hai xạ thủ số 2 bình tĩnh quay nòng súng theo lệnh chỉ huy, chị Nguyễn Thị Miện bị mảnh đạn sớt qua tai, chị Hữu bị mảnh đạn cắm vào bắp chân máu chảy ròng ròng vẫn không chịu rời trận địa. Chờ cho chiếc máy bay thứ 2 lọt vào thước ngắm “to bằng con vịt” chị Hoàng Thị Hén và Hoàng Thị Thảy pháo thủ số 1 mới siết cò. Các chị đã kéo gần hết cả băng đạn. Chiếc máy bay tròng trành ngóc đầu lên rồi ngụp xuống, nó gắng gượng đến hòn Léc thì sập hẳn. Thằng phi công đã kịp bung dù nhảy ra nhưng bị dân quân huyện Bố Trạch băng rừng đến tóm gọn. Chiếc còn lại hoảng hốt quăng bom xuống xóm Nam rồi chuồn thẳng…
           Trận đánh xảy ra đã trên năm mươi năm (năm 1967). Người lớn tuổi nhất trong trung đội trực chiến 12 li 7 lúc đó là bà Hoàng Thị Ruyễn (làm y tá), nay đã 88 tuổi. Hồi đánh đồn Tây trên động Lòi, bà đã từng bị địch bắt đến ngày hòa bình mới được trao trả. Bà sống bên người chồng Thiếu tá đặc công. Những chị em khác kém may mắn hơn. Hết chiến tranh, hầu hết những người chồng thân yêu của họ nằm lại nơi chiến trường miền Nam. Bản thân họ, người hy sinh, người bị thương tật, bị chất độc da cam, hết khả năng sinh nở…
Ba Hoang Thị Hữu
Bà Hoàng Thị Hữu đang say sưa kể lại trận đánh năm xưa trên trận địa Giếng Đồng
 (Bà Nguyễn Thị Miện mặc áo đen bên trái, bà Hoàng Thị Hữu mặc áo màu dâu chín bên phải)

         Sau lệnh ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc của Tổng thống Johson có hiệu lực ( ngày 1 tháng 11 năm 1968), tất cả các chị em chưa có con cái đều vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Họ tham gia dân công hỏa tuyến, nhiều người phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Có người ở lại các binh trạm Đoàn 559, bệnh viện dã chiến chăm sóc thương binh, trở thành bộ đội Trường Sơn, “bộ đội không sao”. Chị Hữu vào mặt trận được 6 tháng thì nghe tin chồng bị hy sinh. Chị Trần Thị Đào, ngày cưới hai vợ chồng chỉ ngủ với nhau được một đêm là vào chiến trường. Khi nghe tin ngừng bắn, anh tìm đến đơn vị thăm thì chị đã hy sinh trước đó một ngày. Chị Hoàng Thị Thảy may mắn gặp được chồng ở chiến trường nhưng sau ngày kết thúc chiến tranh anh mãi mãi không về. Giọt máu của anh để lại trong một lần gặp gỡ giữa rừng đã bị di chứng chất độc da cam - dioxin. Chất độc da cam cứ bám riết lấy cuộc đời chị cho đến chết. Đứa con trai độc nhất của anh khi lấy vợ sinh con (thế hệ thứ 2), cả ba cháu đều bị tật nguyền. Thằng con trai út học đến lớp 8 thì bị chết vì ung thư máu, 2 đứa con gái bị ốm quặt quẹo quanh năm nằm trong bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Chị Miện lấy chồng suốt 15 năm trời không sinh nở. Ra bệnh viện Việt Đức ngoài Hà Nội, Bác sỹ nói chị bị nhiễm chất độc da cam không có con được nữa. Rất thương chồng nên chị kiên quyết giải thoát cho anh. Sống một mình, chị đến nuôi con của những cựu chiến binh góa vợ, góa chồng cho nguôi ngoai nỗi cô đơn. Chị tình nguyện đến 6 gia đình làm mẹ nuôi các cháu trưởng thành. Khi cất bước ra đi đến ở gia đình khác chị không đòi hỏi một thứ gì mang theo. Khi trở thành bà lão chị mới trở về làng dựng lên một ngôi lều lợp bằng lá cọ. Hội cựu chiến binh xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đã dựng cho chị một ngôi nhà tình nghĩa. Đêm đêm những nữ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong lại đến ngủ chuyện trò cùng chị. Chị tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong và hội Người Cao tuổi.
        Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm nhưng nỗi đau của các cựu chiến binh trung đội 12 li 7 làng tôi năm xưa vẫn còn đó. Phần lớn các chị sống ở các nơi ít khi trở về làng. Các chị đã hy sinh một phần tuổi thanh xuân để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc, đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và thống nhất non sông.

Tác giả bài viết:   CTV Hoàng Minh Đức

 Từ khóa: Nỗi đau chiến tranh

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay4,063
  • Tháng hiện tại557,527
  • Tổng lượt truy cập34,088,246
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây