Gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt, cùng với tà áo dài hay áo bà ba, chiếc nón lá đã góp phần tạo cho người phụ nữ Việt Nam một vẻ đẹp riêng, duyên dáng, đằm thắm mà không kém phần quyến rũ.
Ai đã sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, có lẽ ít nhất cũng có vài lần trong đời được đội chiếc nón lá lên đầu. Nón lá không kén người dùng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Nón đồng hành cùng người nông dân ra đồng, cùng nam thanh, nữ tú lên sân khấu.
Ở các vùng nông thôn miền Bắc, chiếc nón lá là món quà vô giá của người mẹ đặt nhẹ lên đầu người con gái mà mình thương yêu trước khi lên xe hoa về nhà chồng… Và như một lẽ tự nhiên, nón đi vào thơ ca, hò vè gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, với quê hương, đất nước.
Quê ngoại tôi, làng Thổ Ngọa, một trong những làng quê có nghề làm nón nổi tiếng nhất của phủ Quảng Trạch xưa (nay là thị xã Ba Đồn). Nón làng Ngọa đã đi vào hò khoan vùng hai huyện rằng: "Nón Thổ Ngọa đưa ra Hà Nội/Nón bài thơ đẹp lắm anh ơi/Anh về mua một vài đôi/Chiếc tặng bạn gái, chiếc thời mẹ cha...".
Không biết ra đời từ lúc nào, ông tổ nghề là ai, chỉ biết rằng, các thế hệ người dân làng Ngọa lớn lên đều biết đến nghề làm nón truyền thống của làng, từng là thợ nón hay ít nhất cũng nhìn thấy ông, bà, cha mẹ làm nghề. Ngoài làng Thổ Ngọa quê tôi, còn có rất nhiều làng quê khác trên dải đất hình chữ S cũng gắn bó với nghề làm nón như làng Quy Hậu (Lệ Thủy), một số làng quê của xã Quảng Thanh, Quảng Tiến… (Quảng Trạch).
Với người dân quê, nón có rất nhiều công dụng, để che nắng, che mưa, là chiếc quạt để các bà, các mẹ ru cháu, con vào giấc ngủ trong những buổi trưa hè oi bức. Cũng có khi nón được dùng như chiếc thúng để các bà, các mẹ đựng vài quả chanh, chùm ổi, hộp quà, mớ rau…
Ngoài chức năng là vật dụng thân thiết, chiếc nón còn được xem là phụ kiện làm đẹp của người con gái. Hình ảnh cô gái Việt Nam dịu dàng, duyên dáng trong tà áo dài, giấu nụ cười đằm thắm sau vành nón luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thi sỹ, nhạc sỹ. Nón lá cứ thế đi vào thơ, ca, đẹp như những gì vốn có của nó.
Để có một chiếc nón lá hoàn chỉnh, người làm nón phải trải qua nhiều công đoạn khá vất vả như: vót nan làm vành, tạo khuôn, xếp lá rồi đan nón… Kỳ công nhất là việc vót vành để tạo nên khuôn nón, nên công việc này thường do đàn ông trong các gia đình đảm nhận. Người ta thường chọn những cây giang có độ già và thẳng đã ngâm qua nước mặn hoặc nước lợ để bảo đảm độ bền, chắc của khung nón.
Cây giang được cánh đàn ông làng nghề chẻ ra từng thanh nhỏ rồi tỉ mỉ chuốt cho thật tròn, nhẵn thín và uốn thành các vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau để tạo thành các vành nón. Chiếc nón làng Thổ Ngọa quê tôi được tạo nên bởi 16 chiếc vành. Vành nón to nhất có đường kính rộng khoảng 50 cm, cái tiếp theo nhỏ dần. Vành thứ 16 có kích thước nhỏ nhất, chỉ bằng chiếc đồng xu tròn được vấn thêm lớp chỉ có màu sắc sặc sở cho nổi bật.
Tất các các vòng tròn được xếp nối tiếp nhau trên một cái khuôn hình chóp. Trong lúc đàn ông tạo ra vành nón thì các bà, các mẹ, các chị lại tất bật chuẩn bị lá nón. Lá nón có hình dạng gần giống như lá cọ được mua về lau sạch rồi đem phơi khô, nếu muốn tạo ra chiếc nón màu trắng hoặc đem luộc với nước sôi rồi sau đó sấy khô nếu muốn chiếc lá có màu xanh nõn.
Khi lá đã đủ độ chín (sau sấy hoặc phơi), người làm nón dùng chiếc lưỡi cày cũ có bề mặt nhẵn bóng đặt lên bếp than hồng và dùng chiếc bàn là tự tạo bằng vải thô mà người dân quê tôi thường gọi là cái “đùm ủi” để là lá cho thật phẳng. Lá sau khi đã được làm phẳng, các bà, các mẹ thường lựa chọn những chiếc lá giống nhau từ màu sắc, tương đồng về hình dáng rồi dùng kéo cắt chéo đầu trên, lấy kim luồn cước xâu chúng lại với nhau và xếp đều lên khuôn nón.
Khi truyền nghề cho chúng tôi, các bà, các mẹ thường hướng dẫn tỉ mỉ cách khâu làm sao để không bị kim đâm vào tay. Muốn có chiếc nón đẹp, các vết khâu phải đều, mũi kim phải thật nhỏ. Chiếc nón thường đi liền với dây quai được làm bằng vải mềm có màu sắc tươi tắn... vừa để giữ nón trên đầu một cách chắc chắn, vừa để điểm tô cho người sử dụng thêm nét duyên dáng.
Nón lá ngày nay còn được tạo nên bởi lớp lá dừa có màu trắng ngà rất đẹp mắt. Bề mặt của nón còn được quét thêm lớp dầu keo để tạo độ bền và bóng đẹp nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mỗi lần dì tôi ở trong Nam có dịp về quê, mẹ tôi thường chuẩn bị từng chiếc nón thật đẹp với rất nhiều họa tiết như hình ảnh quê hương đất nước, những cô thiếu nữ và những đóa hoa… đặt trong lòng nón để tặng dì. Mẹ vẫn thường làm những chiếc nón kỳ công như thế khi có dịp tặng cho bạn bè, người thân với hy vọng họ sẽ luôn nhớ về quê hương, nơi có những dân làm nghề mộc mạc, chân chất.
Đi qua những năm tháng tuổi thơ êm đềm cùng bà, cùng mẹ và đám bạn nhỏ, nghề nón đã hun đúc trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Nghề làm nón dạy cho tôi tính cẩn thận khi tạo ra những đường kim đều đặn trên từng vành nón, dạy tôi biết trân trọng thành quả lao động và dạy tôi nhiều bài học về đạo làm người thông qua những câu dân ca và bao câu chuyện kể của bà, của mẹ…
Tất cả đã trở thành hành trang cuộc sống của chị em tôi để chúng tôi có thể tự hào rằng mình là người làng nón, là người nông dân được nếm trải những lo toan, vất vả ngay từ khi còn nhỏ và cả những dư vị ngọt ngào, êm ái của tuổi thơ bên nếp nhà đơn sơ lẫn giữa sắc xanh của rặng tre, vạt cỏ.
Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều đổi thay trong sinh hoạt. Con gái làng tôi bây giờ thường chọn cho mình những chiếc mũ thời trang, xinh xắn, tiện dụng để đội đầu thay cho chiếc nón lá đơn sơ ngày nào. Nghề làm nón vì thế cũng mai một đi ít nhiều.
Nghe đâu đó câu ca dao rằng “Ra đường nghiêng nón cười cười/Như hoa mới nở, như người trong tranh” hay “Quê hương là cầu tre nhỏ/Mẹ về nón lá nghiêng che” (bài hát “Quê hương” của nhạc sỹ Đỗ Trung Quân) lại thấy yêu, thấy nhớ quê hương bởi nơi đó có mẹ tôi, em tôi “nghiêng nghiêng vành nón”. Nơi đó có những dân quê “một nắng hai sương” vẫn thủy chung với nón, với nghề truyền thống-một phần văn hóa của quê hương.
Địa chỉ Website: badontv.vn
Tên gọi:
BĐRT (BaDon Radio Television)
Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn.
Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...