Lửa lò rèn Hòa Ninh vẫn đỏ

Thứ năm - 11/02/2021 19:20

Lửa lò rèn Hòa Ninh vẫn đỏ

Có lẽ trong kho tàng từ vựng tiếng Việt, ít có nghề liên quan đến lĩnh vực nhân cách như nghề rèn. Nào là: rèn luyện thân thể, dùi mài đèn sách, tôi luyện ý chí… Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã thuộc làu câu “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh..." rút từ trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy!'' Đam mê tìm “nghĩa” cho “chữ", chúng tôi lần về làng rèn Hòa Ninh. Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Dương, chúng tôi đến gặp cụ Nguyễn Xanh, cây đa, cây đề duy nhất còn sót ở xóm rèn Nhân Hòa.
Năm nay cụ đã 82 tuổi. Cụ theo nghề từ năm 13 tuổi. Trí nhớ của cụ đã chập chờn câu tỏ câu mờ nhưng trong tâm khảm cụ vẫn quả quyết: “Nghề rèn xứ ni truyền từ ngoài Bắc vô ”. Cụ bảo: Theo các ông bà ngày trước kể lại ông tổ nghề đầu tiên đến định cư ở làng Phường (sau đổi tên là làng Lộc Điền-Hậu Lộc-Tân An) nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, rồi mới sang định cư và mở nghề ở làng Hòa Ninh (thuộc xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn ngày nay).
 
Người khai canh làng Lộc Điền vốn quê gốc từ xứ Thanh. Làng được vua ban ruộng đất nên có tên gọi là Lộc Điền nhờ có nhiều người đỗ đạt, làm quan to như tiến sĩ Ngô Khắc Kiệm từng làm Án sát lục tỉnh.
Lửa làng nghề. Ảnh: Phạm Văn Thức
Lửa làng nghề. Ảnh: Phạm Văn Thức

Xâu chuỗi chuyện quê, chuyện nghề, tôi chợt nhớ đến bậc danh nhân Lê Văn Hưu, tác giả bộ “Đại Việt sử ký”. Truyện kể rằng: Hồi Lê Văn Hưu còn nhỏ là học trò của một ông giáo họ Nguyễn ở làng Cổ Bôn (thuộc giáp Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hàng ngày đi học thường dừng chân bên quán thợ rèn ở đầu làng để xem. Một hôm cậu bé xách túi đứng xem bác thợ rèn đang dùi xiên, tò mò hỏi: “Bác này, ông tổ làng rèn của ta là ai đó?”
 
Bác thợ thấy thằng bé mới lên 10 tuổi mà đã biết hỏi vặn vẹo, liền ra câu đối rồi bảo: “Đối được thì thưởng, không đối được thì phải ở đây quai búa, khi nào đối được thì cho về”. Bác thợ chỉ vào lò, đọc: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò, rèn dùi sắc”.
 
Lê Văn Hưu cười: “Chả khó mấy!” rồi vỗ đùi, đối ngay: “Nghiên ở túi, sách ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi, giật giải nguyên”.
 
Bác thợ trố mắt khen: “Ta thua rồi đó!” liền thưởng cho Lê Văn Hưu 30 đồng tiền để mua giấy bút.
 
Quả nhiên, năm 17 tuổi, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn. Ông làm quan dưới triều Vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, năm 1262 được Thượng hoàng Thái Tông giao biên soạn bộ quốc sử đầu tiên của nước ta; tháng giêng năm Nhâm Thân (1272) dưới triều Trần Nhân Tông, Lê Văn Hưu dâng bộ Quốc sử gồm 30 tập, được phong Hàn lâm viện học sĩ, dạy Hoàng tử Trần Quang Khải. Năm 1275, giữ chức Bộ binh thượng thư, mất năm 1322, thọ 93 tuổi.
 
Mới hay, thầy giỏi, thợ giỏi, trò giỏi ở đất lò rèn không chỉ nổi tiếng chữ nghĩa mà còn hun đúc nên bao nguyên khí quốc gia, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhiều bậc hiền tài làm rạng danh quê hương, đất nước.
Một thoáng Hòa Giang. Ảnh: Phạm Văn Thức
Một thoáng Hòa Giang. Ảnh: Phạm Văn Thức

Những người thợ rèn họ Nguyễn ở đất Hòa Ninh có quyền tự hào về gốc tích nguồn cội của mình, nghề nghiệp của mình về một xứ Thanh rực rỡ nền văn hóa Đông Sơn với trống đồng bất hủ.
 
Một thoáng hoài niệm làng rèn Hòa Ninh thời hưng thịnh, hãnh diện sánh cùng các làng rèn trứ danh như làng Viềng, làng Chàng (Bắc bộ). Những bậc tiền bối như ông Nguyễn Bật sinh ra ông Lý Nhẫn, ông Mẹt Chịt, ông Nguyễn Quý sinh ra ông Phương, ông Đương cùng lứa thợ tài hoa một thời như: ông Cầu, ông Cảnh, ông Tành, ông Vạn, ông Hảo, ông Hội Đạt, ông Xanh...
 
Đây là lớp thợ đã kinh qua những năm tháng khói lửa chiến tranh, từng lên chiến khu mang theo lò bệ rèn đúc vũ khí cho lực lượng vũ trang cách mạng cướp chính quyền, đánh Tây, rèn nông cụ phục vụ sản xuất và làm thủy lợi.... Nhà truyền thống lịch sử của thị xã, của huyện vẫn còn lưu giữ bao kỷ vật của làng nghề Hòa Ninh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và hình ảnh quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.
 
Hiện nay, đứng trước cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, hàng Thái, hàng Nhật, hàng Tây, hàng Tàu tràn ngập nhưng sản phẩm đúc rèn của làng nghề Hòa Ninh vẫn đi khắp chốn: Chợ Đồn, Đồng Lê, Quy Đạt, Hà Tĩnh, Đông Hà, lên tới Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc ... thân thiện với người tiêu dùng. Lớp thợ trẻ với trình độ tiếp thu khoa học- kỹ thuật mới vẫn kiên tâm bám lò, bám nghề với ý thức “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
 
Họ chính là những người “giữ lửa” cho làng nghề theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Làng rèn Hòa Ninh ngày ngày dồn vang nhịp búa. Lò các anh: Sơn, Dương, Diêm, Bốn, Minh, Bảy, An, Hợp, Thái... vẫn rực lửa. Những người con “ra đi từ làng” truyền lửa rèn đến vùng xa như anh Hải ở thị trấn Nông trường Việt-Trung, anh Tương ở Mai Hóa, anh Hùng, anh Quảng ở Đắk Lắk, Đắk Nông...
 
Tôi cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Thức ngồi quan sát vợ chồng anh Sơn cùng đập búa rèn dao và lưỡi rìu. Khác ngày trước, thợ phụ việc ngồi thụt bệ đưa gió vào lò than nhưng giờ đã được thay bằng quạt chạy mô tơ điện. Việc quai búa tạ giờ đã có búa máy. Chỉ những công đoạn tinh chỉnh sản phẩm hàng hiệu mới làm thủ công.
 
  Anh Sơn ý tứ giấu bí quyết nhà nghề, anh đập búa múa lẹ như xiếc, “Đập cháy” rồi nhúng lưỡi dao vào vũng nước kề bên. Anh bảo nước có pha dầu. Hỏi “dầu chi”. Anh bảo: “Dầu máy”, rồi cười. Anh chặm cái chổi vào đụn đất nhão nhoẹt rồi vun vén than gọn vào lò. Tôi hỏi: “Chặm chổi vô đất để làm chi?” Anh bảo: “Để tàn lửa khỏi bay”. Biết thế. Còn nhớ ngày trước đứng xem một bác thợ già ngồi rèn mác lào. Mỗi lần “đàn” mỏng lưỡi mác, bác lại dụi vô đụn đất thó (đất sét) trước khi nhúng lưỡi dao vào nước. Hỏi thì bác trả lời: “Để lưỡi mác khỏi rạn nứt mà còn cứng, dẻo” - bí quyết đấy, chịu bác!
 
Nghiệm ra, nghề rèn hội đủ các nguyên tố, tương hợp đủ các thành phần: kim (sắt), mộc (than gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Rõ ràng đó là quá trình phản ứng lý hóa kỳ diệu. Hiểu được lý, vận được khí, theo quy luật “ngũ hành tương sinh” đối với nghề rèn là cả vấn đề khoa học truyền đời, nhờ thế “LỬA LÒ RÈN HÒA NINH VẪN ĐỎ”!
 
Chia tay làng rèn, văng vẳng đâu đây tiếng cười, tiếng nói râm ran và cả tiếng hát ru con bên bờ sông Hòa Giang vọng lại:
 
          Nỏ ham ao cá, gỗ bè
          Chỉ ham cái búa, cái đe thợ rèn./.
 
                            Nguyễn Hữu Trường

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay11,458
  • Tháng hiện tại705,462
  • Tổng lượt truy cập34,236,181
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây