Sông Gianh thương nhớ!

Thứ sáu - 03/07/2020 15:09

Sông Gianh thương nhớ!

Nhiều năm trước, bạn kể cho tôi nghe về sông Gianh và những kỷ niệm ấu thơ nơi ngôi làng ngã ba sông. Và tôi, bằng tất cả tình yêu với dòng sông này, đã chép lại ký ức của bạn thành tản văn cùng lời đề tặng. Sông Gianh của bạn và sông Gianh của tôi mang những dáng vẻ khác nhau, nhưng chúng tôi đều có chung nỗi nhớ và tình yêu đậm sâu với dòng sông này, để mỗi lần qua đây lại phát hiện ra những điều mới lạ, để càng thêm thương nhớ dòng sông quê!
Với chiều dài 160km, sông Gianh lúc dịu dàng, khi mạnh mẽ chảy qua nhiều làng mạc. Dù tự hào là cư dân sông Gianh nhưng cả tôi và bạn cũng chỉ khám phá được những góc nhỏ của sông Gianh. Sông Gianh trong ký ức của bạn là những buổi sáng mờ sương xuống đò đi học, là những chiều tà vẫy vùng trong làn nước biếc và ngắm hoàng hôn hắt những vầng sáng rực rỡ lên mặt sông và bầu trời. Là cả cuộc đời ông bà, mẹ cha nhọc nhằn theo từng con nước để mưu sinh và hạnh phúc…
Sông Gianh. Ảnh: Lê Đức Thành
Sông Gianh. Ảnh: Lê Đức Thành

Qua bao thăng trầm, những làng mạc ven sông cũng từng ngày đổi thay. Nhưng sông Gianh thủy chung giúp mọi người lưu giữ bao ký ức đẹp đẽ. Dù bạn xa quê bao nhiêu năm, dù bao năm tháng đi qua, thì mùa xuân, những bãi bồi ven sông vẫn xanh mướt màu ngô non. Tháng ba, hoa cải sẽ hồn nhiên nở vàng như thuở ấu thơ bạn lon ton theo mẹ ra đồng. Đêm rằm, trăng tròn vành vạnh vẫn lững lờ trôi trên mặt sông lấp lánh vàng và dịu dàng như dải lụa.
 
Chắt chắt sông Gianh vẫn ngọt lành, thơm thảo; sá sùng sông Gianh đặc biệt không nơi nào có được như tấm lòng mộc mạc không trộn lẫn của người sông Gianh. Con gái làng Tân An, nơi dòng sông ưu ái mềm mại ghé qua vẽ nên khung cảnh ngôi làng thơ mộng, vẫn luôn xinh đẹp như thuở nào để trai làng trên xóm dưới xưa nay vẫn phải mượn cớ ghé thăm làng…
 
Dòng sông như sợi dây vô hình kết nối người sông Gianh, lại như chiếc neo để dù xa ngái bao nhiêu vẫn không bị tách rời khỏi quê hương. Tôi nhớ lớp học cũ, nhớ những ngày ngắn ngủi học cùng người bạn là cư dân sông Gianh. Hơn hai mươi năm trước, bởi quê nghèo, thương mẹ cha nhọc nhằn vất vả nên bạn quyết định đi làm ăn xa. Trước khi rời lớp học, bạn bảo sẽ đi vài năm rồi về, mới nghĩ vậy mà chưa đi đã nhớ mẹ cha, nhớ làng, nhớ sông.
 
Rồi bạn đi, từ độ ấy tôi không gặp lại. Nhưng tôi vẫn tin cùng với tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha và nỗi nhớ dòng sông, bạn sẽ chẳng bao giờ bị tách rời khỏi quê hương. Khi viết những dòng này, tôi mong bạn sẽ tình cờ đọc được, để nhận ra chính mình trong ký ức của tôi, một người luôn yêu sông Gianh như bạn đã yêu!
 
Tôi cũng nhớ hình ảnh một cô gái sông Gianh trên chuyến tàu điện ngầm ở Nhật Bản, khi đêm đã khuya và toa tàu vắng lặng, nỗi nhớ quê xui khiến cô gõ vào ô tìm kiếm món ăn xưa cũ mẹ cô từng nấu. Sau này cô kể, đêm ấy, trời lạnh âm độ nhưng lòng cô bỗng ngập tràn ấm áp khi bắt gặp những món ăn quen thuộc của người sông Gianh. Nỗi nhớ quê dù cồn cào nhưng rất đỗi dịu dàng, ký ức về dòng sông và những món ăn bình dị của mẹ như điểm tựa giúp cô vượt qua những tháng ngày vất vả để thành đạt nơi xứ người…
 
Mà chẳng riêng gì những người xa quê mới nhớ sông Gianh. Tôi và bạn đồng nghiệp không đếm nổi những lần qua lại sông Gianh, nhưng có nhiều lúc vẫn ngẩn ngơ vì nhớ. Đó là đêm rằm, sau một ngày mệt nhoài vì công việc, lúc chạy xe trên đường bỗng sững sờ thấy trăng nhô lên trên lèn chợ Gát. Cả con đường thênh thang dường như cũng đồng cảm mà trở nên vắng lặng, yên tĩnh để khách bộ hành có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của trăng trôi trên sông.
 
Là nỗi nhớ về một ngày mùa xuân bãi bồi ven sông xanh biếc màu ngô non, cầm lòng không đậu mà phải dừng chân háo hức lội xuống ruộng ngô chụp đôi bức ảnh. Là nỗi nhớ khoảng thời gian dài dằng dặc đợi phà qua sông Gianh những ngày rất xa. Là kỷ niệm về bài viết ngậm ngùi thương con phà đơn côi trong thời khắc cầu Gianh nối nhịp từng bị tòa soạn từ chối bởi lý do bao người đang hân hoan vì có cây cầu mới vững chãi, hà cớ chi tôi ngoảnh lại nhớ phà, nhớ sông? Tôi nhớ mình lúc đó còn rất trẻ, đã nghiêm trang trả lời biên tập viên rằng bởi vì tôi là một cư dân sông Gianh nên tôi luôn nhớ, dù sông Gianh trong ký ức của tôi và nhiều cư dân nơi đây đầy những vất vả, nhọc nhằn…
 
Tôi cũng nhớ cuộc điện thoại của một người bạn vong niên. Rằng khi đọc bài viết của tôi về sông Gianh, buổi chiều bận rộn của bạn bất chợt dừng lại, nhường chỗ cho những mảnh ký ức ngọt ngào về dòng sông quê. Khoảnh khắc ấy, bạn cũng chợt nhận ra bản thân đã có lúc để những bon chen mệt mỏi chốn quan trường cuốn đi mà quên mất sự bình yên, êm ả nơi quê nhà. Hình dung những tháng ngày về chiều nơi ngôi làng nhỏ nằm kề sông Gianh, bạn chợt thấy lòng nhẹ nhõm hơn bao giờ…
 
Có người từng so sánh sông Gianh như một cô gái xinh đẹp với nhiều sắc thái đầy thú vị. Nơi thượng nguồn, sông Gianh chảy qua nhiều làng mạc vừa nguyên sơ vừa e ấp. Xuôi về hạ lưu, sông Gianh sôi nổi và đầy sức sống, mang lại vẻ đẹp trù phú, xanh mát cho bao ngôi làng. Đoạn chảy qua trung tâm thị xã Ba Đồn, sông mang nét hiện đại, tươi trẻ của phố xá. Cuối cùng, sông Gianh háo hức và tự tin hòa mình ra biển. Có lẽ vì thế, cư dân sông Gianh cũng mang đậm những khí chất của dòng sông, muôn đời bí ẩn và gợi sự khám phá…
 
Bởi những cung bậc, những vẻ đẹp khác nhau dòng sông này, có lẽ trong tương lai, tôi sẽ còn kể nhiều câu chuyện nữa, những câu chuyện chất chứa tình yêu và niềm tự hào của cư dân sông Gianh!
 
Diệp Đồng

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập605
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm602
  • Hôm nay49,097
  • Tháng hiện tại274,225
  • Tổng lượt truy cập41,419,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây