SỐ 1: TÔI LUÔN LUÔN NHỚ ĐẾN QUÊ HƯƠNG

Thứ sáu - 06/08/2021 20:38

22 năm trước, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/1999), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội đã gửi những lời yêu thương về quê mẹ Quảng Bình.

(Mời quý độc giả xem băng ghi hình)

 

Trong tác phẩm: “Chiến thắng bằng mọi giá’, Ceicil Curay, nhà sử học quân sự Mỹ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”.

Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh viết: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại.... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”

Là vị tướng lừng danh thế giới, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một con người rất đỗi bình dị.  Đi bao lâu và bao xa, ông vẫn “nằng nặng giọng Quảng Bình”. Mỗi lần về quê, ông thích đi tàu hỏa. Có người hỏi bao giờ về lại Quảng Bình, ông đáp: “Quảng Bình là nhà tôi, lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”

Về nhà, ông rưng rưng thắp hương lên mộ mẹ cha, mộ đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Ông dành nhiều thời gian đi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Phút thảnh thơi, trước hiên nhà, ông vui cười cùng những người bạn thời niên thiếu, vỗ tay theo nhịp hò khoan, một điệu hò nổi tiếng ở quê ông. 

Là vị tướng cầm quân, sự kiệt xuất của ông làm rạng danh quê hương đất nước. Là con người, sự bình dị làm nên nhân cách lớn, tinh thần lớn Võ Nguyên Giáp quy tụ những trái tim Việt Nam.

“Ra đi trên dòng sông này, làm sao mà có thể quên được cảnh sông núi hiền từ và hùng vĩ của quê hương. Nhớ núi Đầu Mâu, phá Hạc Hải và con đường thượng đạo...nhớ ngôi nhà xưa ông bà để lại, đêm nghe cha ngâm vè thất thủ Kinh đô, nghe mẹ kể chuyện đánh Tây, từ đó mà biết thương nước, thương dân... Có thể nói, quê hương, gia đình đã hun đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ điều đó mỗi khi nhắc đến quê hương Quảng Bình. 

“Ra đi là để trở về" như ai đó đã nói. Trong chiến tranh, ở những thời điểm lịch sử quan trọng, ông đã trở về. Và, bắt đầu từ quê hương thân thuộc mà nghĩ về những con đường “thượng đạo” cho cách mạng, cho cuộc chiến tranh Nhân dân, dựa vào Nhân dân để làm nên chiến thắng.

Ông Trần Đức Triển, nguyên Bí thư huyện ủy Lệ Thủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhớ lại: Thời Pháp thuộc, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Thị Quang Thái, người vợ đầu, người đồng chí của ông đã về quê Lệ Thủy tìm hiểu vấn đề ruộng đất để cùng đồng chí Trường Chinh viết cuốn sách: “Vấn đề dân cày” nổi tiếng thời đó. Cuốn sách nghiên cứu vai trò của dân cày trong cách mạng Việt Nam; tố cáo chính sách phản động của đế quốc, phong kiến về vấn đề ruộng đất; nêu yêu sách của dân cày Đông Dương trước Mặt trận nhân dân Pháp. 

Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng dành nhiều sự quan tâm đến bài học rào làng chiến đấu của nhân dân Cự Nẫm, Cảnh Dương, coi đó là một sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân.

Thời chống Mỹ, chưa ai thống kê được Đại tướng đã về quê bao nhiêu lần. Từ Quảng Bình, Đại tướng cùng các tướng lĩnh đã khảo sát để vạch ra quy hoạch cho con đường Trường Sơn "huyền thoại". Ông đã đến thăm bộ đội ở cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhich...trên đường 20, là những nơi giặc  Mỹ đánh phá ác liệt để ngăn con đường quân ta tiến vào chiến trường miền Nam. 

Trong bộ phim tài liệu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thế kỷ-một đời người”, đạo diễn Đào Trọng Khánh ghi: “Bằng tầm nhìn chiến lược, ông đã nhìn ra con đường huyền thoại xuyên suốt Trường Sơn, một tuyến đường mòn bom đạn, trên mặt đất cũng như trên biển, tiến lên thành một tuyến vận chuyển chiến lược bằng cơ giới, đập tan âm mưu của Mỹ nhằm bóp nghẹt cách mạng miền Nam. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại ghi dấu chân ông đến tận ngầm Ta Lê, đèo Phula nhích, động viên bộ đội, chỉ thị cho binh đoàn Trường Sơn mở đường đưa đại quân, đại xa, đại pháo, thần tốc tiến vào miền Nam giành thắng lợi cuối cùng”.

Ra đi trên dòng sông quê, và chính dòng sông ấy đã đưa Võ Nguyên Giáp ra với đại dương mênh mông.

(Mời quý độc giả cùng xem băng ghi hình)

Võ Nguyên Giáp yêu quê hương theo cách của mình. Dù luôn đau đáu nhớ về, đau đáu muốn làm một việc gì đó cho quê hương, nhưng “người- dân -Quảng- Bình- Võ -Nguyên -Giáp” không làm gì riêng cho Quảng Bình. Những gì muốn làm cho quê hương thì ông đã hòa chung vào những điều làm cho đất nước, cho Nhân dân.  Vì vậy mà Nhân dân hiểu  ông, tin yêu ông.

“Quảng Bình quê ta ơi” - bài hát nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác năm 1964, khi Quảng Bình cùng cả nước bước vào cuộc chiến đấu cam go, với nhiều mất mát hy sinh để một lần nữa dành lại độc lập, tự do, thống nhất. Đó là bài hát yêu thích của Đại tướng. Phút tiễn biệt ông về cõi bên kia, ông muốn được nghe lại hát hát ấy. "Giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu quý, Quảng Bình quê ta ơi...". Suốt cả cuộc đời cho đến lúc ra đi, quê hương luôn trong trái tim ông.

(Mời quý độc giả xem tiếp băng ghi hình)

Với đất nước hiến dâng trọn vẹn, với quê hương sâu nặng nghĩa tình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng được Nhân dân tôn vinh là “vị tướng của Nhân dân”, danh hiệu cao quý của MỘT CON NGƯỜI !
 

 Nội dung: TRẦN HỒNG HIẾU

Thiết kế & Đồ Họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG

Ảnh: Tư liệu

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập542
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm539
  • Hôm nay43,484
  • Tháng hiện tại43,484
  • Tổng lượt truy cập41,188,938
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây