SỐ 4: TOÀN DÂN HỌC TẬP

Thứ bảy - 07/08/2021 14:50

SỐ 4: TOÀN DÂN HỌC TẬP

 

 

 

Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, Quảng Bình từ trong xa xưa của lịch sử đã nổi danh là một vùng đất hiếu học và giàu truyền thống yêu nước. 

Sử sách còn ghi, năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông, vùng đất Bố Chính-Lâm Bình (Quảng Bình sau này) có vị nho sĩ Trương Xán đỗ đầu thi Đình với phẩm hàm Trạng nguyên. 

Đến thời Lê trở đi, Quảng Bình có nhiều nho sinh thi đỗ đại khoa.

Dưới Triều Nguyễn, 39 khoa thi lấy 293 tiến sĩ trong cả nước thì Quảng Bình có tới 24 vị

Quảng Bình xưa cũng có nhiều làng khoa cử, được truyền tụng với câu ca: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ/ Văn, Võ, Cổ, Kim”; nhiều dòng họ khoa cử, nổi danh với các đại công thần, gánh vác nhiều trọng trách của đất nước, như các dòng họ: Nguyễn Đăng ở làng Phù Chánh, Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa, Trần Khắc ở làng La Hà, họ Hoàng ở Văn La. Đặc biệt là dòng họ Nguyễn Hữu ở Quảng Ninh với các danh nhân Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào...và Khai quốc công thần: Thượng đẳng thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi phương Nam.

Với tài năng và đức độ của mình, danh nhân Quảng Bình có những vị được vua mời vào cung dạy học cho hoàng tử, thân vương, như Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Tuân; nhiều vị là quan đầu triều, quan võ cận thần của nhà vua; các nhà thơ có tiếng tăm như Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hàm Ninh...

Làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên  Giáp nằm bên bờ sông Kiến Giang. Nơi đây sông núi hữu tình. Phá Hạc Hải được ví như một nghiên mực, núi Đầu Mâu như một ngọn bút. “Sông núi hiền từ và hùng vĩ” đã sản sinh nhiều bậc hiền trí, tên tuổi  lưu danh trong sử sách như Tiến sĩ Dương Văn An, Võ Khắc Triển, Nguyễn Đăng Cư...

 

 

Thân phụ Võ Nguyên Giáp là cụ Võ Quang Nghiêm, một nhà Nho được Nhân dân quanh vùng nể trọng. Từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã được cha dạy chữ thánh hiền, bắt đầu từ sách Tam Tự Kinh, Âu học tân thư. “Đây là chữ thánh hiền các con không được nghịch ngợm, không được giẫm lên sách, phải nâng niu nó để tỏ lòng tôn kính”, sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha đã hình thành nên trong cậu học trò Võ Nguyên Giáp tinh thần trọng chữ, trọng nghĩa và hiếu học. 14 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã một mình rời quê hương vào kinh thành Huế, theo học ở trường Quốc học. 

 

 

 

 

Với tinh thần yêu nước, thương dân được người cha là thầy giáo truyền dạy từ bé, Võ Nguyên Giáp sớm tham gia vào các tổ chức cách mạng, vừa không ngừng tự học, tự rèn luyện. 

Võ Nguyên Giáp sau đó đã thi đỗ cử nhân Luật và trở thành thầy giáo dạy lịch sử ở Trường Tư thục Thăng Long. Với sự am hiểu thấu đáo mọi vấn đề và phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng cho học sinh, thầy Giáp đã để lại nhiều niềm yêu kính cho các học trò của ông. Với họ, thầy Võ Nguyên Giáp là một nhà giáo mẫu mực. 

“Có nhiều cách học, trong đó cách học quan trọng nhất và tốt nhất là tự học”, với tinh thần đó, khi được Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách là Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không ngừng tự học để trở thành một vị tướng cầm quân tài ba, lỗi lạc.

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao....sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều năm đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách công tác khoa học, giáo dục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gần gũi và trân trọng đội ngũ trí thức, những nhà giáo uy tín, các nhà hoạt động văn hóa; lắng nghe những ý kiến tâm huyết của họ và với tầm nhìn, tư duy của một trí thức, một danh nhân văn hóa, Đại tướng đã chấp bút những vấn đề có tính chiến lược, những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho sự phát triển khoa học, giáo dục của nước nhà. Nhiều vấn đề cho đến bây giờ vẫn nguyên giá trị. 

Đại tướng cho rằng: “Một nền giáo dục hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội, đó phải là nền giáo dục mở, hướng tới đối tượng trung tâm là người học, có trách nhiệm tạo điều kiện cho mọi cá nhân người học được trang bị một nền học vấn vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hiện đại về tri thức, khoa học và công nghệ...”

Với hàng trăm bài viết, bài nói chuyện, Đại tướng đã thể hiện một sự quan tâm đặc biệt từ những vấn đề có tính chiến lược như đổi mới toàn diện nền giáo dục, đến những vấn đề cụ thể, tỉ mỉ của từng ngành học, bậc học; từ đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với thực tiễn từng địa phương, từng vùng miền. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong cuốn sách: Võ Nguyên Giáp “Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục”, dày hơn 600 trang, do Nhà xuất bản Sự thật in năm 1986

Với quê hương Quảng Bình, Đại tướng dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục-đào tạo. Từ nơi xa, ông luôn dõi theo và gửi lời khen ngợi về truyền thống hiếu học của người Quảng Bình được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Gần như lần nào về thăm quê, Đại tướng cũng đến thăm các trường học, khích lệ, động viên những thành tích của thầy và trò các trường học, nói chuyện thân mật với các thầy cô giáo và các em học sinh. Đại tướng luôn luôn căn dặn người dân trên quê hương: Học toàn dân và tự học. Có học, có tri thức thì mới thoát khỏi đói nghèo, mới có thể khá lên và làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh.

(Mời quý độc giả xem băng ghi hình)

Ở Quảng Bình có một ngôi trường mang tên Đại tướng, đó là trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp. Ở đây, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh luôn nhớ lời căn dặn của Đại tướng, phát huy tinh thần hiếu học của quê hương Quảng Bình, giáo dục, đào tạo những con người có đủ đức, đủ tài, có hoài bão để sau này góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh, đất nước phồn vinh. 

Đại tướng cũng quan tâm đến các di sản văn hóa vật chất, tinh thần, mong muốn Quảng Bình hãy cố gắng giữ gìn để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho các thế hệ ngày nay và mai sau.

Từ một thầy giáo trở thành một vị Tổng tư lệnh tài ba, một nhà chính trị, nhà ngoại giao xuất sắc, viết và nói thành thạo 3 ngoại ngữ, là tác giả của gần 70 cuốn sách, cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng về tinh thần tự học, học tập suốt đời. 

Học tập toàn dân và tự học là mong muốn ông gửi gắm cho các thế hệ hôm nay và mai sau, vì sự trường tồn của quê hương, đất nước.

 

Nội dung: TRẦN HỒNG HIẾU

Thiết kế & Đồ họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG

Ảnh: Tư liệu

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm123
  • Hôm nay23,338
  • Tháng hiện tại772,377
  • Tổng lượt truy cập36,892,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây