Thân dân, trọng dân là tư tưởng lớn gắn với tên tuổi của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Vận dụng tư tưởng của Tuân Tử, ông viết: "Phúc chu thủy tín dân do thủy" (lật thuyền mới rõ dân như nước).
Với tư tưởng ấy, cả cuộc đời Nguyễn Trãi theo đuổi nhân chính, đức trị: "Đầu giao hướng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm" ("Hòa rượu vào sông để thiết đãi quân sĩ, đạo quân trên dưới một lòng như cha con"- Bình Ngô đại cáo).
Tư tưởng thân dân, trọng dân- giá trị vĩ đại, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, nêu cao trong suốt cuộc đời Người, và cho tới nay, luôn là ngọn cờ dẫn đường cho cách mạng Việt Nam.
Ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc mang theo khát vọng giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân. Cả cuộc đời Người chăm lo cho lợi ích của Nhân dân. Người nói: Nước ta là một nước dân chủ nên tất cả mọi lợi ích, quyền hạn, quyền hành, trách nhiệm quy về nơi dân, đều ở nơi dân. Với cán bộ, Người luôn căn dặn phải trọng dân, gần dân, thân dân, lấy dân làm gốc, hết lòng hết sức phụng sự Nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh thời từng nhận xét: "Là người thực hành triệt để tư tưởng của Bác Hồ". Tin dân, trọng dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân cũng là một phẩm chất cao quý của Đại tướng.
Ngày 22-12-1944, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng ra thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Người căn dặn đội quân cách mạng: "Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được". "Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu"
Suốt cuộc đời mình, Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, công dân Võ Nguyên Giáp đã kiên tâm, mẫu mực, hết lòng, hết sức phụng sự Nhân dân. Ông đã từng rưng rưng: "Có độc lập tự do mà chưa có ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì độc lập, tự do còn có ý nghĩa gì. Cho nên chúng ta phải phấn đấu, phấn đấu nhiều hơn nữa để mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân".
Năm 2001, trong một lần được phép phỏng vấn Đại tướng tại nhà riêng của ông, sau khi xong việc, Đại tướng vẫy tôi đi lại phía tủ sách lớn trong phòng khách. Ông tìm một lúc rồi lôi ra một cuốn sách bìa xanh có nhan đề "Ánh sáng đây rồi", viết lời đề tặng và nói với tôi: "Đây là cuốn hồi ký của đồng chí Nông Văn Lạc, người dân tộc Tày ở làng Phay Khắt. Ánh sáng mà chú Lạc nói là ánh sáng cách mạng. Nhưng đó cũng là ánh sáng từ Nhân dân. Nếu không có đồng bào các dân tộc anh em cưu mang cách mạng trong những ngày đầu gian khó và suốt ba mươi năm trường kỳ kháng chiến thì cách mạng không thể thành công. Cuốn sách người thật việc thật, được viết chân thực nên hay. Đọc nó cháu sẽ hiểu hơn về cuộc chiến tranh nhân dân mà chúng ta vừa nói đến".
Trong cuốn sách, tác giả Nông Văn Lạc ít nói về "đồng chí Văn", nhưng những dòng ngắn ngủi nhắc đến đầy xúc động: "Trước khi đi, đồng chí Văn cảm ơn gia đình và các đồng chí tự vệ ở địa phương, đồng chí nói: Ở đây ngã tư đường, không lợi cho địa phương và gia đình các đồng chí, chúng tôi đi để bảo vệ Nhân dân, giữ gìn cơ sở"
Sống trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào, anh Văn nói tiếng của đồng bào, viết "Việt Minh ngũ tự kinh" giải thích nhiệm vụ cứu nước bằng văn thơ tiếng dân tộc. Đồng bào cảm động khi nghe anh Văn nói: "Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi". Hiểu tấm lòng của Đại tướng, đồng bào Điện Biên gọi ngọn đồi ở Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng là "Đồi Đại tướng"; đồng bào Sơn La cũng đặt tên cho khu rừng tại Yên Châu, Sơn La-nơi đoàn quân lên chiến trường Điện Biên Phủ đã ghé qua-là "Rừng Đại tướng".
Trong lời giới thiệu cuốn sách "Ánh sáng đây rồi" nhà văn Tô Hoài viết: “Có thể nói, con đường lịch sử xuống phía Nam đất nước xuyên qua ba mươi năm chống ngoại xâm đã bắt đầu từ những nẻo rừng này. Các dân tộc Tày, Dao anh em ở Nguyên Bình đứng lên theo cách mạng, làm cách mạng trong hoàn cảnh rất ác liệt. Đất rừng nghèo đói nhưng quần chúng cách mạng đào được củ mài cũng gửi cho cán bộ. Và chia nhau từng bát cơm, bát ngô, một gói muối. Một chiếc cúc, một cái kim, sợi chỉ. Trong khi đó quân thù bao vây bốn phía...Nhưng cách mạng đã tới, quần chúng sống chết chỉ biết có cách mạng".
Chính trong những ngày "trứng nước" của cách mạng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhìn thấy sức mạnh của tình đoàn kết, đã hình thành đường lối chiến lược của cuộc chiến tranh Nhân dân vĩ đại dể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ 30.4.1975. Hình ảnh "dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát" và những đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" là hình ảnh đẹp đẽ về sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến tranh giữ nước "có một không hai trên thế giới".
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chia sẻ: Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ nói, bộ đội ta coi Đại tướng là " Anh Cả" (anh Văn). Còn Đại tướng thì đặt tên cho bộ đội ta là "Bộ đội cụ Hồ". Cả hai dụng ý đều là để tập hợp sức mạnh đoàn kết, trên dưới một lòng của quân, dân ta.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như sau này trên các mặt trận giải phóng miền Nam, anh Văn nhiều đêm không ngủ, trăn trở chọn cách đánh nào để thắng mà hạn chế tối đa thương vong cho bộ đội. Chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh", sang "đánh chắc, thắng chắc" trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là quyết định đầy nhân văn của vị tướng biết tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Sau này, Đại tướng nói đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình.
"Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường"- anh Văn từng nói. Và trong những giờ phút ác liệt trên chiến trường, anh Văn luôn viết thư động viên, khích lệ chiến sĩ giữ vững tinh thần, ý chí chiến đấu. Mỗi lần anh đến thăm, bộ đội ta xúc động, hô vang "quyết chiến, quyết thắng".
Đại tướng cũng từng khẳng định với tướng lĩnh Mỹ: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có Nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".
Không chỉ với cương vị người chỉ huy quân đội, ở lĩnh vực nào, phong cách Võ Nguyên Giáp cũng giản dị, gần gũi, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân
Thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp là đồng tác giả với đồng chí Trường Chinh trong cuốn sách "Vấn đề dân cày", nghiên cứu sâu về ruộng đất để đòi quyền có ruộng và các quyền lợi khác cho dân; nhà báo Võ Nguyên Giáp cũng từng đạp xe từ Hà Nội về Quảng Ninh để viết bài điều tra, ủng hộ phong trào bãi công, biểu tình đòi tăng lương của công nhân mỏ.
Sau hòa bình lập lại, là một vị tướng, bận việc nhà binh nhưng ông luôn canh cánh đề xuất những chương trình đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, cải thiện đời sống Nhân dân.
Chị Võ Hòa Bình, con gái thứ 2 của Đại tướng kể: Nhiều lần khi trở về từ các chuyến đi địa phương, ba tôi đã nhận xét: “Diện tích đất 5% dành cho các hộ canh tác đều được chăm sóc tốt, có năng suất rất cao so với diện tích chung của hợp tác xã". Ông đã quan tâm rất sớm đến kinh tế hộ nông dân, cho rằng cần phải chú trọng lợi ích người dân mới có thể phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong thời gian là Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khoa học kỹ thuật, ông đi đến nhiều địa phương, gặp gỡ chuyện trò với cán bộ, nông dân, công nhân, ngư dân... để tìm hiểu đời sống và nguyện vọng người dân. Ông cũng đã tập hợp lực lượng các nhà khoa học cả nước để vạch ra phương hướng chiến lược khoa học kỹ thuật cho đất nước. Những nội dung chủ yếu của chiến lược này đã được phản ánh trong tham luận của Đại tướng ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, năm 1976.
Năm 1977, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập hội nghị lần thứ nhất bàn về kinh tế biển, đề xuất chiến lược phát triển khoa học, kỹ thuật và kinh tế biển. Ông cũng là người đề xuất đường lối kinh tế nhiều thành phần, không chỉ có quốc doanh mà còn có kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư nhân; đồng thời nêu ra các định hướng chiến lược trong cách mạng khoa học, kỹ thuật.
Với tầng lớp trí thức, Phó Thủ tướng gần gũi, tôn trọng, khuyến khích những đóng góp của họ trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và triển khai ứng dụng, nhằm tăng năng suất, mang lại nhiều giá trị gia tăng, nâng cao đời sống Nhân dân.
Cho tới những năm tháng cuối đời, Đại tướng vẫn luôn quan tâm theo dõi tình hình giáo dục-đào tạo nước nhà; đề xuất chiến lược đổi mới giáo dục toàn diện để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước; đề xuất lập ra giải thưởng Vifotec để khen thưởng những sáng tạo về công nghệ và kỹ thuật của người trẻ.
Ông cũng chính là người đã cổ vũ lấy ngày 13/10 hàng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam; coi trọng những đóng góp và khích lệ tinh thần dân tộc của Doanh nhân Việt Nam khi hội nhập kinh tế thế giới.
Với kiều bào, ông có tình cảm thân thiết, trân trọng bà con, coi kiều bào là một bộ phận khăng khít của đất nước, hết lòng yêu thương các cháu thiếu nhi mỗi dịp gặp gỡ với kiều bào ta ở nước ngoài.
Bạn bè quốc tế nể trọng bản lĩnh chính trị, nhân cách văn hóa và tài ngoại giao của tướng Giáp, một người luôn đặt Nhân dân của mình lên trên hết.
Ngay khi còn làm việc cho đến lúc đã nghỉ hưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu và tổng kết về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mỗi lần về thăm quê, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, Đại tướng bao giờ cũng nhắc đến Di chúc của Bác Hồ:“Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng".
Trong hai cuộc kháng chiến, "đồng bào ta cũng đã hy sinh biết bao của cải, con người", nên lời cuối trong di chúc Bác dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.
Thực hiện di chúc của Bác, cán bộ, đảng viên phải hết sức kính trọng, thương yêu và chăm lo cho Nhân dân. Người làm lãnh đạo càng phải gần dân, dành nhiều thời gian để đến với dân, lắng nghe dân, đặt mình vào từng hoàn cảnh của người dân để thấu hiểu và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Dân an thì nước mới an. Đại tướng nhắc đi nhắc lại: "Có dân thì có tất cả. Các đồng chí phải dựa vào dân. Nếu mà các đồng chí xa dân thì không thể làm gì được. Phải dựa vào dân"
(Mời quý độc giả xem băng ghi hình)
Có 2 điều mà Đại tướng luôn nhắc nhở là dân chủ và đoàn kết. Dân chủ ở nước ta là nền dân chủ XHCN, thể hiện tiếng nói của dân tộc là tiếng nói chung của Nhân dân, thực hiện các quyền của Nhân dân, chính quyền phải thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Muốn dân tin Đảng, tin Nhà nước thì người lãnh đạo, quản lý phải dân chủ với dân, tôn trọng dân. Không dân chủ, không tôn trọng dân thì sẽ làm cho khoảng cách giữa dân với Đảng và Nhà nước ngày một xa; cán bộ, đảng viên và quần chúng sẽ cách biệt, xa rời nhau.
Dân chủ, tôn trọng Nhân dân thì dân mới tin Đảng, tin Nhà nước. Đại tướng dẫn lời Bác Hồ: Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý: Dân rất tốt. Người lãnh đạo chân chính bao giờ và bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, sao cho phù hợp với trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, lòng ham, ý muốn của dân. Xét cho cùng mọi thứ đều từ dân mà ra và trở về nơi dân. Để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là trọng dân, "Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân". Bác cũng căn dặn: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".
Nếu lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, dân sẽ tin Đảng, tin chế độ. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có mục tiêu hướng vào dân và nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân đều sẽ được dân ủng hộ.
Về vấn đề đoàn kết, Đại tướng cũng luôn nhắc bài học của cách mạng Việt Nam: phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh quần chúng, làm nên mọi thắng lợi.
Nhưng ngày nay, đoàn kết ở nơi này, nơi kia còn lỏng lẻo- Đại tướng nói- Trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên hiện giờ, đáng tiếc có không ít người xa rời nguyên tắc của Đảng, tham ô, tham nhũng, kéo bè kéo cánh, đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của tập thể, của Nhân dân. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng "con ông cháu cha", "chị chị em em, anh anh em em", rồi nâng nhau lên. Người có tài, có đức thì không được trọng dụng, người yếu kém thì được đề bạt. Những người này lên làm lãnh đạo thì quan liêu, cửa quyền, hạch sách, lên mặt với dân; miệng nói là đầy tớ của dân nhưng thực chất lại bắt Nhân dân phục vụ mình. Làm cho Nhân dân có lúc mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ.
(Mời quý độc giả xem băng ghi hình)
"Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân" (Nguyễn Trãi) "Phải dựa vào dân" (Bác Hồ) "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" (Bác Hồ dẫn lời nhân dân) "Có dân là có tất cả" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Thời gian sẽ trôi đi, nhưng những lời từ trái tim của các bậc hiền trí, nhân nghĩa, trọn đời vì nước, vì dân sẽ còn mãi.
Nội dung: TRẦN HỒNG HIẾU
Thiết kế & Đồ họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG
Ảnh: TRẦN HỒNG - Tư liệu
Nguồn tin: baoquangbinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn